Kịp thời thích ứng
Cơn bão Covid-19 quét qua để lại rất nhiều hệ quả, trong đó, ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Do đó, để có thể đáp ứng nhu cầu phục hồi, phát triển trong giai đoạn mới, ngành du lịch đang gồng mình chạy đua công nghệ. Các đơn vị quản lý trong ngành cũng như doanh nghiệp du lịch sống sót sau đại dịch và có tiềm lực gấp rút chuyển đổi số để thích ứng nhanh và mạnh mẽ hơn.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ năm 2015 -2019 tại Việt Nam, việc tìm kiếm thông tin du lịch trên mạng tăng hơn 32 lần; có tới 88% du khách nội địa tra cứu thông tin qua mạng; trung bình mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về sản phẩm du lịch.
Mặc dù vậy, hiệu quả từ hoạt động chuyển đổi số tại các đơn vị lữ hành Việt Nam trong giai đoạn này còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi có tới 80% thị phần du lịch trực tuyến thuộc về các đại lý du lịch trực tuyến nước ngoài như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com...
Trong khi đó, các đại lý du lịch trực tuyến của Việt Nam như Vinabooking.vn, Chudu24.com, Ivivu.com, VNTrip, Mytour.vn, Gotadi... chỉ nhận về 20% thị phần trong nước với lượng giao dịch khiêm tốn. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn tại Việt Nam phải trả tới 30%, thậm chí tới 38% hoa hồng cho các OTA nước ngoài, thậm chí cao hơn. Đó là “nỗi đau” của các ông chủ Việt, vì lợi nhuận “rơi” hết vào túi các trang OTA nước ngoài.
Vì thế để có thể cạnh tranh trên chính “sân nhà”, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp phải làm chủ được công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh hậu đại dịch, khi hầu hết mọi thói quen và tâm lý tiêu dùng đã thay đổi và được thực hiện chủ yếu trên không gian mạng.
Đây là lúc các doanh nghiệp du lịch buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên môi trường số, từ tiếp cận, đặt vé, đặt tour, đặt phòng… Do đó, nếu không nhanh chóng, kịp thời chuyển đổi số, doanh nghiệp chỉ có con đường phá sản khi các nền tảng công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài đang “ồ ạt” chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Đây là hệ quả tất yếu của xu hướng, hành vi khách hàng mà doanh nghiệp cần phảu kịp thời thời nắm bắt. Bởi khi khách hàng chuyển sang sử dụng không gian mạng để đặt dịch vụ mà đơn vị cung cấp không chuyển động theo thì không khác nào đứng ngoài cuộc đua.
Hành trình chuyển đổi số ấn tượng
Hậu đại dịch, chuyển đổi số không những hỗ trợ tối ưu hóa vận hành hệ thống quản lý mà còn giúp doanh nghiệp vừa giảm chi phí lại tăng hiệu suất và lượng khách hàng. Tuy nhiên, đây là giai đoạn đầy rẫy khó khăn và thử thách khiến nhiều doanh nghiệp phải gồng mình chuyển đổi số để tối ưu hóa chi phí, tăng hiệu suất và tăng lượng khách hàng.
Mới đây, nền tảng giao dịch dịch vụ du lịch trực tuyến Crystabaya Pte Ltd ra mắt đã đưa blockchain vào du lịch, giúp khách hàng có thể trực tiếp giám sát tình trạng phòng cùng các dịch vụ khác mà không cần bận tâm việc không được xác nhận khi đặt phòng hay dịch vụ.
Điều này đã giúp chủ các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng có thể giảm chi phí vận hành do cơ sở dữ liệu được lưu trữ đầy đủ và an toàn trên blockchain. Trường hợp khách thay đổi kế hoạch du lịch hoặc không có nhu cầu sử dụng các đặt phòng bằng NFT (NFT’s bookings), có thể chia sẻ, tặng hoặc bán lại cho khách hàng khác trên sàn giao dịch Crystabaya vào bất kỳ thời điểm nào theo giá mong muốn.
Đặc biệt, việc chuyển đổi số không chỉ giới hạn ở môi trường doanh nghiệp. Các bộ, ngành, cơ quan quản lý địa phương cũng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu, thích ứng với xu hướng du lịch mới, bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ trong thực hiện các thủ tục xuất- nhập cảnh, quảng bá, đặt tour du lịch, đặt phòng, đặt xe, bán vé các điểm tham quan... qua phần mềm, internet. Đây là bước chuyển mình mạnh mẽ của toàn ngành, là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phục hồi và phát triển mạnh mẽ hậu đại dịch.
Theo Tổng cục Du lịch, một trong 5 định hướng lớn của ngành du lịch trong thời gian tới là thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch. Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Do đó, việc chuyển đổi số cần phải tiếp tục và đại dịch được coi như một “đòn bẩy”, “một lò xo bị nén” giúp thúc đẩy việc chuyển đổi số trở nên vô cùng mạnh mẽ.
Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục xây dựng hệ sinh thái thông minh; kết nối cơ quan nhà nước, địa phương và doanh nghiệp theo thời gian thực... Bên cạnh đó, phát huy mạnh mẽ cơ chế hợp tác công-tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch… Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong ngành du lịch sau đại dịch,
Hiện nay, cuộc cạnh tranh trong du lịch đã không còn chỉ về giá, chất lượng dịch vụ, mà chính là tiện ích công nghệ, thanh toán online… Chuyển đổi số đã và đang lan tỏa rộng khắp sẽ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tạo ra cho khách hàng những trải nghiệm thú vị hơn, đặc biệt là khách du lịch Quốc tế, góp phần quảng bá du lịch Việt, hình ảnh non sông Việt Nam, con người Việt Nam ra với bạn bè năm châu. Để Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế./.