Tràn lan nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
Nhiều năm qua, tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Đông La (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) có những diễn biến phức tạp, điển hình nhất là các công trình nhà xưởng được xây dựng trái phép tại thôn Đồng Nhân. Mặc dù tình trạng này đã gây thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất đai nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Trên địa bàn xã Đông La, hàng trăm nhà xưởng đua nhau “mọc” lên trên đất nông nghiệp. Quá trình công nghiệp hóa tự phát đã biến hàng chục héc-ta “bờ xôi ruộng mật” bị san lấp trái phép, sau vài năm biến thành nhà xưởng cho thuê.
|
Công cuộc “hô biến” đất nông nghiệp thành nhà xưởng tại xã Đông La không phải một sớm một chiều mà đã trải qua quy trình “tiến hóa” kéo dài. |
Đặc biệt, công cuộc “hô biến” đất nông nghiệp thành nhà xưởng tại xã Đông La không phải một sớm một chiều mà đã trải qua quy trình “tiến hóa” kéo dài. Theo tìm hiểu của phóng viên, ban đầu, những thửa ruộng được dựng khung sắt, quây lưới để trồng lan, sau đó là xây tường, lợp tôn và cuối cùng là đổ nền bê tông để “hóa thân” thành nhà xưởng.
Được biết, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt yêu cầu UBND huyện Hoài Đức có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất công, đất nông nghiệp trái pháp luật, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
|
Nhiều năm qua, tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Đông La (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) có những diễn biến phức tạp. |
Cụ thể, vào năm 2019, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 2354-TB/TU, truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội.
Đến tháng 3/2020, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm Thông báo số 2354-TB/TU kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Mới đây, vào ngày 4/7, lực lượng chức năng huyện Hoài Đức, TP Hà Nội đã ra quân tổ chức cưỡng chế phá dỡ (đợt 1) đối với 6 công trình, nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng, gây ô nhiễm môi trường tại xã Dương Liễu, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng vẫn diễn ra âm ỉ trên địa bàn xã Đông La, huyện Hoài Đức.
Chính quyền xã Đông La bao che cho công trình trái phép trên đất nông nghiệp?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hải Như - Chủ tịch UBND xã Đông La thừa nhận nhiều năm qua trên địa bàn xã có nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, ông Như khẳng định kể từ khi ông đảm nhiệm chức vụ mới cho đến nay thì tình trạng này đã hạn chế. “Cá nhân tôi và một số anh em mới đảm nhiệm từ tháng 7/2021 đến nay đã làm rất gắt gao, chặt chẽ, tình trạng này bây giờ cũng hạn chế, nếu có hộ nào xây dựng sai phép thì chúng tôi sẽ xử lý ngay”, ông Như cho biết.
|
Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, hộ gia đình ông Tạ Công Nam (thôn La Tinh) đang tiến hành xây dựng thêm 100 m2 nhà xưởng trên đất nông nghiệp. |
Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến của vị lãnh đạo xã Đông La, theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, hộ gia đình ông Tạ Công Nam (thôn La Tinh) đang tiến hành xây dựng thêm 100m2 nhà xưởng trên đất nông nghiệp. Trước đó, ông Nam đã xây dựng 200m2 nhà xưởng trên thửa ruộng này và đã cho thuê làm xưởng giặt là.
Việc để phát sinh thêm công trình trái phép mới khi chưa xử lý dứt điểm sai phạm còn tồn đọng đã khiến dư luận hoài nghi liệu chính quyền xã Đông La đã thực sự xử lý “gắt gao, chặt chẽ” như lời ông Như nói?!
Trao đổi về vấn đề này, ông Như cho biết: “Trường hợp nhà xưởng của gia đình ông Tạ Công Nam thì không phải là xây dựng thêm. Ngày xưa, ông Nam cũng có làm cái xưởng, thời gian vừa rồi có sửa chữa, nâng cao mái lên chứ không phải cơi nới. Chúng tôi đã cho bộ phận địa chính đi kiểm tra và lập biên bản rồi”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị tiếp cận biên bản và hướng xử lý đối với công trình của ông Tạ Công Nam thì Chủ tịch UBND xã Đông La đã từ chối cung cấp thông tin. Tưởng chừng như những vi phạm sẽ chấm dứt sau phản ánh của báo chí nhưng tới sáng 17/7, hộ gia đình ông Tạ Công Nam đã tiến hành đổ bê tông toàn bộ 300 m2 nhà xưởng một cách “trót lọt” mà không bị chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.
|
Việc để phát sinh thêm công trình trái phép mới khi chưa xử lý dứt điểm sai phạm còn tồn đọng đã khiến dư luận hoài nghi liệu chính quyền xã Đông La đã thực sự mạnh tay xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng? |
Đáng chú ý hơn, khi phóng viên đề nghị được tiếp cận các văn bản, hồ sơ thống kê tất cả những công trình vi phạm và hướng xử lý, khắc phục đối với các công trình xây dựng trái phép trên địa bàn xã Đông La thì chủ tịch UBND xã Đông La cho biết ông “không thể cung cấp được”.
Cách hành xử “lạ lùng” và phương pháp cung cấp thông tin "nửa vời" của ông Nguyễn Hữu Hải Như khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi về trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn xã Đông La.
Vì sao Chủ tịch UBND xã Đông La “ém nhẹm” hồ sơ liên quan đến các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp trên địa bàn xã Đông La? UBND xã Đông La có dung túng, bao che cho các công trình trái phép trên đất nông nghiệp? Đến bao giờ UBND xã Đông La mới xử lý dứt điểm những công trình trái phép trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội?
Đề nghị UBND huyện Hoài Đức kiểm tra, xử lý dứt điểm những vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Đông La. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến sai phạm để xử lý nghiêm (nếu có).
Tầm Nhìn sẽ tiếp tục thông tin sự việc./.