Thăng lăn tăn suốt cả tuần, anh thật sự ngại khi gặp lại “bà chủ xưa”. Nhưng hoàn cảnh xô đẩy, biết lấy gì nuôi vợ con? Vợ đã kêu hết cả tiền đi chợ, may bà ngoại vừa gửi cho 10 cân gạo với mấy chục trứng gà quê. Bản thân là thanh niên trai tráng, bây giờ lại hỏi vay mượn tiền để ăn thì biết vay ai, ai cho vay, ngoài cha mẹ ruột và vợ chồng chị gái, mà anh đã làm phiền họ quá nhiều. Nhưng đến gặp “bà chủ xưa” thì anh thấy thiếu can đảm...
Năm Thăng 20 tuổi, là một chàng trai cao kều, rời quê ra thành phố nhờ người anh họ xin cho làm ở cửa hàng xe máy và phụ tùng xe máy. Công ty có nhiều cửa hàng, nên cũng cần có nhân viên tỉnh xa trọ lại cửa hàng để làm bảo vệ ca đêm. Thế là Thăng hưởng 2 lương. Ban ngày phụ lắp ráp xe mới cho khách và ban đêm làm bảo vệ. Nhờ đó, tuy lương nhân viên học việc không cao, nhưng bù lại có thêm khoản tiền trông cửa hàng về đêm, và cũng tiết kiệm tiền thuê nhà. Thế là tiền cũng rủng rỉnh. Cậu thanh niên cao kều được ăn uống đầy đủ và có tiền mua sắm quần áo diện nên Thăng bỗng “lột xác” điển trai khác hẳn.
Một lần, bà chủ công ty bỗng ghé qua cửa hàng, nhìn thấy Thăng bà kinh ngạc không ngờ. Bà gọi hỏi cậu mấy câu, thấy cậu ăn nói lưu loát, bà bảo: -Từ nay, em không phải làm thợ lắp ráp nữa, lên văn phòng công ty phụ chị tiếp khách và đưa chị đi giao dịch.
Sau câu nói đó của bà chủ, Thăng được đưa đi học lái xe hơi, rồi hàng ngày đến văn phòng cty ngồi phòng máy lạnh, phụ bà chủ tiếp khách hàng. Là cty gia đình, ông chủ mới ngoài 60, tuy chưa phải quá nhiều tuổi nhưng có vẻ ốm yếu, bà chủ vừa trẻ vừa xinh, lại tháo vát, nên hầu như một tay bà quyết hết. Sau khi Thăng học lái xe thành thạo, thì lái xe cũ được chuyển sang làm việc khác, còn cậu trở thành lái xe để chủ động vừa lái xe riêng vừa phụ bà chủ giao tiếp với khách hàng.
Giấc mơ một bước lên xe hơi quả là cậu còn trẻ con chưa bao giờ mơ tới. Đặc biệt, ngoài tiền lương mà Thăng nhận ở thủ quỹ như bất cứ một nhân viên nào, thì Thăng luôn có một khoản riêng do tự tay bà chủ đưa “Bí mật, không được tiết lộ cho ai biết, kể cả bố mẹ. Tiền tiêu dư thừa cậu có thể gửi tiết kiệm sau này lấy vợ, mua nhà, mua xe”. Đi làm nhàn nhã, lương cao, Thăng thấy đời cậu sao may mắn thế, trong lòng cậu thầm biết ơn và hết sức trân quý bà chủ, luôn chỉn chu công việc sao cho tốt nhất. Cậu không biết rằng bà chủ ngoài 40 đang tuổi hồi xuân, mà chồng lại bị bệnh tiền liệt tuyến. Cậu trai trẻ bỗng trở thành niềm mơ ước để bà chủ gửi gắm tình cảm.
Trong một đêm mưa to gió lớn, trên đường đưa bà chủ đi ngoại giao ở tỉnh ngoài về, sợ cây đổ gây nguy hiểm nên bà chủ bảo Thăng tìm một khách sạn, ghé vào nghỉ ngơi, mai sáng về sớm. Và chính cơn bão thiên nhiên đã đẩy cuộc đời Thăng lọt vào một tâm bão khác. Đêm đó, bà chủ tỏ tình cảm với cậu trai trẻ. Ban đầu Thăng rất hoảng sợ, nhưng với một người đàn bà thông minh, lão luyện mà lại thực sự dạt dào tình cảm và đối xử chân tình như vậy, cũng khiến Thăng lung lay. Từ đó, Thăng trở thành “người đàn ông của riêng bà chủ”. Các khoản tiền bà chủ “trả thêm” dần cũng nhiều hơn, khiến Thăng cảm thấy kiếm tiền thật dễ dàng, cuộc sống thật dễ chịu. Ngày nào đi làm cậu cũng thấy là một ngày vui. Cậu hý hửng rằng đã gửi tiết kiệm được một số tiền, hy vọng khi cậu cưới vợ sẽ có thể mua căn hộ trả góp, dần dà sẽ có nhà, có xe hơi.
Nhưng cuộc sống đâu đơn giản vậy. Một ngày cty bỗng xuất hiện một cô gái trẻ, xinh xắn và ngoan hiền, đó là Trinh, nhân viên mới. Thăng bị “sét đánh trúng tim”. Tự tin là mình đã và sẽ có tất cả, lại được bà chủ yêu chiều, nên Thăng theo đuổi cô gái. 2 bên tâm đầu ý hợp được mấy tháng, Thăng đã nghĩ đến việc nên công khai tình cảm yêu đương với Trinh, để có thể tự tin nắm tay người yêu đi cùng trời cuối đất. Thật không ngờ, Thăng còn chưa kịp nói với Trinh “kế hoạch”, thì bà chủ đã tuyên bố với cậu: “Cậu mê cái Trinh hả? Không được đâu. Cậu phải ngoài 30 tuổi mới được yêu và cưới vợ. Bây giờ cậu vẫn phải phục vụ riêng tôi!”.
Bà chủ nói giọng vẫn nhẹ nhàng với Thăng như thường ngày, mà hôm nay cậu nghe như sét đánh bên tai, cậu choáng váng mất một lúc, cho đến khi bà chủ đưa tay bóp bóp vào vai thì Thăng mới sực tỉnh: “Nào, cậu đưa tôi đi tiếp khách ăn tối!”. Thăng lúng túng “vâng”. Bà chủ bảo cậu lái xe đến một nhà hàng món Nhật. Bà gọi bàn 2 người, bảo Thăng ngồi, bà gọi những món ngày thường Thăng rất thích, nhưng hôm nay cậu thấy như đất trời đổ sập, trong đầu trống rỗng, cậu chả quan tâm. Thì ra bà không tiếp khách, chỉ là bà đưa cậu đi ăn, để vừa đền bù cho cậu, vừa để khẳng định quyền “cậu là tài sản riêng của bà”.
Tối đó Thăng thấy ê chề, cay đắng quá. Lần đầu tiên trong đời thanh niên, cậu khóc. Trinh không thấy Thăng gọi điện hay nhắn tin với những lời yêu thương nồng cháy như ngày thường thì cô gọi điện, cậu không nghe máy. Cô nhắn tin hỏi thăm. Cậu trả lời bận đưa bà chủ đi tiếp khách. Cậu trằn trọc mãi không ngủ được. Hôm sau mệt rã rời, cậu nhắn tin xin phép bà chủ cho nghỉ ốm. Bà chủ vẫn trả lời rất nhẹ nhàng, đồng ý, và còn động viên cậu ăn uống, thuốc men cho chóng khỏe. Thăng nằm gục 2 ngày, không thấy Trinh đến thăm, cũng không thấy nàng nhắn tin. Cậu nhắn tin không thấy nàng trả lời, gọi điện thì máy tút dài. Thăng sốt ruột chạy đến cty, mới té ngửa là bà chủ đã buộc Trinh thôi việc. Mọi người trong cty ngơ ngác nói với Thăng không rõ lý do vì sao, nhưng Thăng cay đắng hiểu rất rõ nhưng cậu không thể nói ra.
Thăng cố gắng đi làm, gắng trở lại nhịp sống cũ, nhưng không thể. Mỗi lần bà chủ gọi cậu lái xe là cậu lại thấy lo sợ. Thế rồi, dù bà chủ vẫn đối xử tốt với cậu như trước, nhưng trong lòng cậu không còn muốn cầm những phong bì tiền mà bà đưa thêm nữa. Bà chủ biết tình cảm của Thăng đã thay đổi, bà cố gắng động viên, xoa dịu, dùng nhiều tiền và nhiều món quà đắt tiền để mua chuộc Thăng, nhưng cậu không thể có lại tình cảm như xưa. Rồi một ngày, Thăng gửi cho bà chủ một lá đơn xin thôi việc qua bưu điện, cậu biến mất khỏi cty với một lá thư “chào tất cả mọi người, tôi đi tìm công việc mới”. Cậu đổi số điện thoại, không liên lạc với bất cứ một ai ở cty vì sợ bà chủ lại lần ra dấu vết mà không chịu buông tha cho cậu.
![]() |
Hình ảnh minh họa |
Thăng bay thẳng vào Sài Gòn, cậu có chút tiền tiết kiệm, cậu muốn tự mở một cửa hàng bán xe đạp điện và xe máy giá thấp, tự chủ kiếm sống. Không ngờ, lạ nước lạ cái, ít đồng vốn của Thăng chả mấy mà thua lỗ hết. Thăng vay giật của chị gái, vay hết tiền tích lũy cả đời nông dân của bố mẹ, mong gỡ gạc lại, nhưng càng gỡ càng thua lỗ. Không quen làm ăn nơi đất lạ, cậu trở lại Hà Nội, lại tìm một chân nhân viên kinh doanh hàng điện tử điện lạnh.
May mắn đã mỉm cười khi Thăng vừa có đồng lương ổn định, vừa cưới được Lan và cô nhanh chóng sinh cho cậu con trai. Cuộc sống tưởng như vậy tạm ổn, rồi túc tắc sẽ có tích lũy, hướng tới anh có thể mở chi nhánh bán hàng và hưởng %. Nhưng thật không ngờ, nạn dịch Covid-19 đã xóa tan tành giấc mơ của Thăng. Bao tháng ngày giãn cách xã hội, nhiều công ty, doanh nghiệp thua lỗ, nhiều cửa hàng cửa hiệu đóng cửa, đa số mọi người đều phải rút tiết kiệm ra sinh sống. Nhà Thăng làm gì có sổ tiết kiệm nữa. Anh hối hận vì xưa kia có chút tiền thì lại nhắm mắt đầu tư sai lầm, không tìm hiểu thị trường. Đã thế anh lại còn vay của cha mẹ và vợ chồng chị gái, đến bây giờ họ chả còn gì có thể cho anh vay.
Thăng giờ chỉ còn một con đường: Hạ nhục đến tìm “bà chủ xưa”. Nhưng nếu bà không chịu giúp? Nếu bà giúp mà lại yêu cầu quay lại “con đường xưa”? Nếu bà hận mình mà không chịu giúp, thậm chí còn tổng sỉ vả mình? Thăng chần chừ mãi, cuối cùng không còn cách nào khác, anh đành đến tìm bà. Sau phút ngỡ ngàng, bà chủ vẫn nhẹ nhàng bảo anh ngồi uống nước, bà hỏi han công việc thế nào, hiện nay ở đâu. Sau ít phút mất bình tĩnh, Thăng thật thà nói với bà về khó khăn mà vợ chồng anh đang gặp phải, anh ngỏ ý muốn xin một công việc hoặc vay chút vốn nhỏ để tạm thời có thể kinh doanh online vài mặt hàng gì đó, tạm sống qua ngày. Bà chủ lắng nghe anh, xong bà nói: “Bây giờ chị đã bàn giao quản lý chính cho con trai quen dần công việc, chị làm cố vấn là chính. Nếu cậu muốn thì quay lại làm lái xe riêng cho em nó. Lương của cậu sẽ do bộ phận kế toán thông báo. Đợi hết đợt giãn cách, cậu đi làm. Nếu quá khó khăn thì chị cho cậu ứng trước một tháng lương”. Thăng hơi sững sờ vì “bà chủ xưa” không đến nỗi đáng sợ như cậu lo nghĩ. Bà đã bước qua tuổi “tri thiên mệnh”, tuy vẫn giữ được tác phong năng động trong kinh doanh nhưng bà đã rút lui dần trong công việc. Bà vẫn tạo cho Thăng một công việc trong lúc khó khăn này, đó thực sự là quá quý.
Trên đường về nhà, Thăng đã thấy tiếng tít tít của tài khoản reo trong điện thoại. Anh hồi hộp mở ra xem: Lương lái xe 8 triệu, được con trai bà chủ chuyển đến.
Lan thấy chồng về, hỏi: “Covid thế này mà anh đi đâu?”. Thăng cười tươi tỉnh: “Anh quay lại... công ty cũ, xin việc. Được nhận vào làm lái xe cho cậu giám đốc. Cậu ấy ứng trước luôn cho tháng lương đầu tiên. May quá, vợ chồng mình qua được khó khăn”. Lan hồn nhiên: “Xã hội thật có nhiều người tốt!”./.
Trần Thái Hòa