Hoạt hình Việt nam dần tiếp cận với các nền hoạt hình phát triển
Về mặt nội dung, phim hoạt hình Việt Nam không chỉ thiên về các câu chuyện đồng thoại như trước mà đã mở rộng hơn về đề tài, phạm vi phản ánh như các phim lịch sử, truyền thuyết, cổ tích, phim triết lý, phim về đời sống hiện đại, kỹ năng sống.
Đặc biệt là sự phát triển của các series phim hoạt hình nhiều tập để thỏa mãn nhu cầu xem phim ngày càng cao của khán giả.
![]() |
Đội ngũ làm phim hoạt hình Việt nam, chị Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng ( áo đỏ) |
Sự tiến bộ về mặt nội dung còn thể hiện ở sự hấp dẫn trong cách kể, cách thể hiện câu chuyện. Phim hoạt hình Việt Nam không còn bị khô cứng trong các bài học mà hướng tới sự hài hòa giữa yếu tố giáo dục và giải trí để khán giả tiếp thu nội dung một cách tự nhiên, sâu sắc hơn.
Về mặt hình thức, sự đa dạng về phương thức thể hiện của các thể loại như phim 2D, 3D, cắt giấy và phương thức kết hợp giữa các thể loại đã tạo nên sự phong phú về mặt hình ảnh. Hiện tại, phim hoạt hình Việt Nam có màu sắc tươi mới, phong cách tạo hình sinh động, diễn xuất mềm mại, uyển chuyển với kỹ thuật, kỹ xảo tương đối tốt đang dần tiếp cận với các nền hoạt hình phát triển.
Biên kịch Phạm Thanh Hà – Trưởng phòng biên kịch Hãng phim hoạt hình Việt Nam chia sẻ : "Cùng với sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ làm phim, phim hoạt hình Việt Nam những năm gần đây đã có sự tiến bộ cả về nội dung và hình thức.
"Dù đã có những bước chuyển mình như vậy nhưng phim hoạt hình Việt Nam vẫn gặp những khó khăn như: sự phát triển quá mạnh của hoạt hình thế giới nên hoạt hình Việt Nam chưa thực sự thu hút được khán giả. Thêm nữa là công nghệ làm phim hoạt hình của nước ta chưa đuổi kịp các nước nên việc thể hiện một bộ phim mất nhiều thời gian và công sức" – biên kịch Nguyễn Thu Hằng, thuộc nhóm tác giả các phim "Quà tặng cuộc sống", "Khoảnh khắc kỳ diệu" chia sẻ với Dân Việt.
Giống như các đơn vị sản xuất phim của ngành Điện ảnh nói chung, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 này, việc đưa phim trực tiếp đến với khán giả tại rạp chiếu vô cùng khó khăn. Hiện tại, phim hoạt hình chỉ có thể đưa phim đến với khán giả thông qua các hạ tầng viễn thông, bao gồm sóng truyền hình trung ương và địa phương, các kênh truyền hình trả tiền, mạng xã hội.
Mặc dù vậy, ngay cả khi khán giả có thể đến rạp chiếu để xem phim trực tiếp thì hoạt hình Việt Nam cũng chưa thu được hiệu quả về mặt lợi nhuận kinh tế bởi chúng ta vẫn chưa thể có phim truyện hoạt hình chiếu rạp mà chỉ mới có các chương trình phim ngắn kết hợp. Chính vì vậy, sức hút của phim hoạt hình Việt Nam với khán giả chưa được như kỳ vọng cũng như chưa đủ đáp ứng như cầu xem phim của khán giả. Tuy nhiên với nhu cầu rất lớn về phim hoạt hình, những người làm phim hoạt hình vẫn liên tục cho ra các sản phẩm với rất nhiều đề tài khác nhau mong đáp ứng được phần nào nhu cầu.
Ứng dụng đa phương tiện vào sản xuất và phát hành phim
Nếu trước đây hầu hết phim hoạt hình của Việt Nam là phim 2D thì ngày nay đã có nhiều nhà sản xuất cho ra đời những seri phim 3D vô cùng hấp dẫn. Hình thức sản xuất phim cũng không chỉ theo cách truyền thống như trước đây là vẽ tay mà còn có nhiều phần mềm khác hỗ trợ cho nhà sản xuất phim như: Moho, Toon Boom, Crazytakl...
![]() |
Phim hoạt hình Việt Nam đã và đang tìm ra định hướng mới cho mình |
Trước đây có thể việc đưa phim hoạt hình đến khán giả còn khó khăn bởi chúng ta chỉ có duy nhất một phương tiện truyền tải là truyền hình thì ngày nay, chúng ta có thêm rất nhiều phương tiện khác để tiếp cận khán giả đó là các mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Tiktok... Chính vì thế, khó khăn để đưa phim hoạt hình đến với khán giả hiện nay chỉ nằm ở nội dung. Nếu nội dung phim thật sự hấp dẫn thì nhà sản xuất không lo ngại vấn đề phim không đến được với công chúng.
Biên kịch Nguyễn Thu Hằng, thuộc nhóm tác giả phim "Quà tặng cuộc sống", "Khoảnh khắc kỳ diệu" chia sẻ với Dân Việt: "Trong suốt 10 năm tham gia sản xuất phim hoạt hình, tôi đã làm rất nhiều thể loại phim hoạt hình như "Quà tặng cuộc sống", "Khoảnh khắc kỳ diệu"... Nhưng hiện nay, chúng tôi đang chú trọng phát triển dòng phim hoạt hình dân gian - seri phim "Siêu quậy Tép".
Biên kịch Phạm Thanh Hà – Trưởng phòng biên kịch Hãng phim hoạt hình Việt Nam cho biết: "Với vai trò là Trưởng phòng Kịch bản - Hãng phim hoạt hình Việt Nam, cá nhân tôi cũng như bộ phận kịch bản của Hãng hiện đang đặt trọng tâm và việc khai thác các đề tài lịch sử, cổ tích, sự tích, các phim về đời sống hiện đại, phim triết lý và các series phim dài tập dành cho khán giả các độ tuổi.
Năm 2021, Hãng phim hoạt hình Việt Nam cũng đã sản xuất 16 bộ phim hoạt hình với các nội dung đa dạng: Những câu chuyện, những nhân vật lịch sử được tái hiện trên màn hình một cách sống động, có chiều sâu, toát lên tinh thần cùa lịch sử. Hình ảnh ấn tượng, cảnh phim hoành tráng, công phu, kỹ xảo hình ảnh bắt mắt, như các bộ phim hoạt hình lịch sử thời lượng 30 phút "Nữ tướng Mê Linh", "Bạch đằng nổi sóng", "Đại hành hoàng đế".
Những câu chuyện hài hước, dí dỏm, những nhân vật ngộ nghĩnh đáng yêu, các series phim hoạt hình "Chú ốc sên bay"; "Hiệp sĩ Nghé Vàng"; "Ngôi sao xanh kỳ lạ" "Thám tử đầu bạc" … Hãng phim hoạt hình Việt Nam ngoài cung cấp phim cho các đài truyền hình hiện cũng đã có kênh YouTube riêng để khán giả có thể xem dễ dàng hơn.
Cần có đào tạo chuyên sâu về biên kịch hoạt hình
"Tôi hy vọng, trong tương lai, với tiềm năng và sự phát triển không ngừng của hoạt hình, sẽ có những khóa học, chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho biên kịch hoạt hình để bổ sung cho lực lượng sáng tác những biên kịch giàu ý tưởng sáng tạo và kỹ năng viết hoạt hình chuyên nghiệp" - Biên kịch Phạm Thanh Hà chia sẻ
![]() |
Hiện tại, phim hoạt hình Việt nam chưa có ngành biên kịch |
Hiện tại ở Việt Nam chưa có trường lớp hoặc khóa đào tạo chuyên ngành về biên kịch hoạt hình. Tại các trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ có ngành Biên kịch. Thậm chí chưa có môn biên kịch phim hoạt hình mà trường chỉ mời giáo viên là các nhà biên kịch đảm nhận các chuyên đề về kịch bản hoạt hình. Chính vì vậy, hiện tại nguồn biên kịch hoạt hình chủ yếu là từ phương thức truyền nghề, do các biên kịch lâu năm, có kinh nghiệm hướng dẫn các cây bút trẻ.
"Bản thân tôi, với kinh nghiệm 23 năm làm biên kịch, ngoài việc giảng dạy các chuyên đề biên kịch phim hoạt hình tại các trường Sân khấu - Điện ảnh, trường KHXH&NV, Sư phạm Nghệ thuật TW… cũng là để tìm kiếm các cây viết cho hoạt hình".
Ngoài ra việc tìm nguồn nhân lực tại các trường đại học, nhà biên kịch Thanh Hà còn còn lập các group bồi dưỡng kỹ năng viết phim hoạt hình, lập các nhóm bút để rèn luyện kỹ năng cho các biên kịch trẻ cũng như tìm các ý tưởng, tìm kịch bản cho phim hoạt hình Việt Nam./.