Phát biếu tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam - TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, trên cơ sở đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tại Công văn số 4204/MTTW-BBT ngày 14/7/2022 về việc đề nghị góp ý phản biện xã hội đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó làm rõ nội dung: “Định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật; góp ý làm rõ quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển các ngành kỹ thuật”. Liên hiệp Hội Việt Nam coi đây là niềm vinh dự của đội ngũ trí thức được đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách và làm tốt vai trò thành viên tích cực của Cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam.
![]() |
Quang cảnh buổi hội thảo góp ý Dự thảo Quy hoạch tổng thế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ảnh VUSTA) |
Cùng với Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ năm 2019, thì Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là cơ sở quan trọng để tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch cấp vùng và cấp tỉnh, quy hoạch ngành và lĩnh vực. Do đó, việc đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch là nội dung được giới trí thức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hết sức quan tâm.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho hay, chỉ trong một thời gian ngắn, các hội thành viên như Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Hội Khoa học công nghệ Hàng không Việt Nam, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và rất nhiều chuyên gia đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến tham gia hoàn thiện dự thảo.
Cụ thể, các đại biểu là các nhà khoa học đầu ngành của Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập trung đóng góp ý kiến về bản “Định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật” bao gồm 8 lĩnh vực. Đối với Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, Dự thảo nêu ra 5 quan điểm phát triển với mục tiêu đến năm 2030, hệ thống giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường, hình thành hệ thống giao thông được bố trí hợp lý, đồng bộ giữa các phương thức vận tải; đến năm 2050, hoàn thiện mạng lưới đường bộ trong cả nước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải.
![]() |
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo (ảnh VUSTA) |
Đối với hạ tầng năng lượng, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trượng năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; loại bỏ mọi biểu hiện độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng…
Đối với hạ tầng hạ tầng thông tin và truyền thông, đó là một chỉnh thể thống nhất, tạo lập môi trường an toàn tin cậy cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng thông tin và truyền thông ưu tiên phát triển theo định hướng của “Make in Vietnam”, sử dụng sản phẩm, giải pháp do người Việt Nam làm chủ nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng và chủ quyền quốc gia.
Đối với hệ thống công trình phòng chống thiên tai và hệ thống thủy lợi, mục tiêu phát triển thổng quát là bảo đảm tưới, cấp nước, tiêu, thoát nước cho nông nghiệp, dân sinh, các ngành kinh tế, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, góp phần phục vụ phát triển KTXH bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn các lưu vực sông.
![]() |
Các nhà khoa học góp ý Dự thảo Quy hoạch tổng thế quốc gia |
Bên cạnh đó, các đại biểu là các nhà khoa học đầu ngành cũng góp ý 4 lĩnh vực gồm: Hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn và quan trắc môi trường; Quy hoạch vùng trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy; Hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược, công nghiệp quốc phòng...
Kết luận hội thảo, theo Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng, các chuyên gia, nhà khoa học Liên hiệp Hội Việt Nam đã chỉ ra Dự thảo dường như chưa nêu được luận chứng để phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật mà đi sâu vào trình bày quy mô phát triển của từng ngành; chưa đề cập tới điều kiện để thực hiện Quy hoạch, như: chưa dự kiến nhu cầu sử dụng quỹ đất, nhu cầu về vốn cho từng giai đoạn, các hình thức huy động vốn, yếu tố nguồn nhân lực hay các giải pháp về chính sách phù hợp với trình độ phát triển KT-XH và khả năng đáp ứng của Việt Nam là những yếu tố hết sức quan trọng quyết định tính khả thi của quy hoạch. Hoặc một số nội dung thiếu sự thống nhất về bố cục trong toàn bộ dự thảo, dường như còn thiếu triết lý quy hoạch, như một quan niệm nền tảng, cốt lõi và xuyên suốt, làm kim chỉ nam trong toàn bộ quy hoạch, ...
Hội thảo được tổ chức để lắng nghe ý kiến đóng góp của các hội thành viên, các chuyên gia, các nhà khoa học. đã thảo luận, đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn, khách quan đã góp phần giúp các cơ quan hoạch định chính sách tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch tổng thế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi Dự thảo được phê duyệt, Chủ tịch Phan Xuân Dũng cho biết thêm./.