![]() |
Giấy sang nhượng đầm của các chủ trước cho ông Xuân |
Tầm Nhìn - Báo Tri thức và Cuộc sống nhận được đơn kêu oan, cầu cứu của Nông dân Hồ Văn Xuân với một mong muốn vô cùng chính đáng là “Xin được tiếp tục canh tác, nuôi trồng thủy sản hoặc yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng nếu Nhà nước thu hồi”
Đơn của ông Xuân cho thấy:Năm 2017, do có nhu cầu kinh doanh sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. ông Xuân có nhận sang nhượng một cái Đầm nuôi trồng thủy sản, có nguồn gốc của gia đình bà Phạm Thị Ngọc Giang (sinh năm 1969) và chồng là ông Di Tấn Hồng (sinh năm 1970), tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích Đầm loại A (70 ha) tọa lạc tại khu vực Ngọn Chà Là (Cá Nhám, xã Thạnh An), diện tích Đầm này gia đình bà Giang và ông Hồng nuôi trồng thủy sản từ năm 1995. Việc sử dụng đất Đầm của gia đình bà Giang đã được UBND xã Thạnh An, huyện Cần Giờ xác nhận ngày 24/6/2011 .
Quá trình sử dụng đất qua các thời kỳ như sau: Bà Giang sử dụng từ năm1995, đến năm 2011 chuyển nhượng lại đầm ông Trần Xuân Đại, sử dụng đến năm 2017; sau đó ông Đại chuyển nhượng cho ông Xuân. Xuyên suốt quá trình sử dụng đến nay đã 28 năm không tranh chấp (Từ ngày 23/3/2017, ông bà Trần Xuân Đại – Trần Thị Oanh chuyển nhượng diện tích khoảng 90 ha cho vợ chồng ông Xuân)
Sau khi nhận chuyển nhượng diện tích đất trên (90 ha), ông Xuân đã tu sửa, đắp lại bờ bao, lắp đặt cống và cải tạo lại Đầm, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi trồng thủy sản, cụ thể là tôm, cá, cua, hào…
Hơn 3 năm không xảy ra vấn đề gì thì bất chợt ngày 23/11/2020, UBND xã Thạnh An xuống khu đất của tôi lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (QĐ số 233/QĐ-XPVPHC ngày 27/11/2020) về hành vi “Hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình tại một phần thửa 82, tờ bản đồ 24, diện tích 384 m2, vị trí khu đất thuộc ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh”, ông Xuân cho hay và cho rằng việc làm của UBND xã Thạnh An là không đúng, gây oan sai vì ông chỉ đắp đắp bờ bao cống bị nước cuốn trôi, bờ cũ bị sói mòn chứ không có hành vi vi phạm trên.
Trong quá trình sử dụng đất đều từ năm 2017 đến nay, tôi đều có cải tạo, bồi đắp, sửa chữa, gia cố để tăng giá trị sử dụng đất nên không thể nào được coi là hủy hoại đất được, ông Xuân nói thêm.
![]() |
Ông Xuân bên bờ bao nuôi thủy, hải sản bị vỡ cần được đắp lại |
Đến đầu năm 2021, lực lượng của UBND huyện Cần Giờ TP HCM, ban quản lý rừng phòng hộ huyện, kiểm lâm của huyện Cần Giờ đến yêu cầu tôi không được tu bổ và đắp lại bờ bao trong khi trên thực tế bờ bao vỡ đã làm ảnh hưởng và gây thiệt hại đến việc sản xuất kinh doanh của tôi. Khi tôi hỏi lý do vì sao thì lực lượng liên ngành của UBND huyện Cần Giờ, UBND xã Thạnh An, Rừng Phòng Hộ, Kiểm Lâm cho biết diện tích đất này thuộc rừng phòng hộ, yêu cầu gia đình không được canh tác, ông Xuân thất vọng cho hay!
Theo tìm hiểu của PV, Ngày 7/3/2012, UBND Huyện Cần Giờ đã ban hành quyết định số 03/2012/QĐ-UBND về việc nuôi trồng thủy hải sản và sản xuất muối trong rừng phòng hộ Cần Giờ, theo đó:
Khoản 3 điều 2 nêu rõ: “Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất trong Rừng phòng hộ đủ điều kiện được kê khai và tổ chức sản xuất theo đúng hiện trạng, quy mô sản xuất tại thời điểm kê khai. Các hoạt động sản xuất trong Rừng phòng hộ phải giữ nguyên trạng, không được mở rộng phạm vi sản xuất trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã được quy hoạch là Rừng phòng hộ”;
Điều 4 của quyết định trên cũng nêu rất rõ về Quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân như sau:
1. Trong quá trình hoạt động sản xuất trong Rừng phòng hộ, tổ chức, cá nhân được Nhà nước đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp theo pháp luật, ngoài ra còn được hưởng một số quyền lợi sau:
a) Được triển khai các hoạt động theo thiết kế hoặc phương án sản xuất đã được Ban Quản lý Rừng phòng hộ chấp thuận theo quy định của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ.
b) Được thực hiện việc sửa chữa, gia cố các khu vực sản xuất theo quy định này.
c) Được hưởng mọi thành quả lao động của mình mang lại từ hoạt động sản xuất trong Rừng phòng hộ.
d) Được cơ quan chuyên ngành phổ biến về các quy định của pháp luật, hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất.
Từ quyết định trên cho thấy gia đình Nông dân Hồ Văn Xuân thực hiện việc sửa chữa, gia cố khu vực sản xuất của mình là hoàn toàn chính đáng và phù hợp; nếu ông Xuân không báo cáo với chính quyền thì cũng chỉ là do bất cẩn chứ không nên coi là hành vi "Hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình".
Một hệ thống Pháp luật tồn tạị trong xã hội mà chỉ qui định những hình phạt …thì không thể nào quản lý được Nhân dân, làm cho Nhân dân tôn trọng. Nhận thức rõ điều đó, Nhà nước ta đã xây dựng một hệ thống Pháp luật thực sự do dân, vì dân và ngày càng nhân đạo, trở thành mục tiêu để con người vươn lên trong cuộc sống; thiết nghĩ Chính quyền Huyện Cần Giờ TP. HCM cần thấu tình đạt lý đừng quá khiêm cưỡng mà đẩy người dân thêm sâu vào sự khốn khó
Tầm Nhìn sẽ tiếp tục thông tin.