Việc tùy tiện mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh góp phần làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh (lờn thuốc), khiến việc điều trị bệnh khó hơn, lâu hơn, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn hoặc tái phát nhiều lần gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng và làm tăng chi phí điều trị... |
Vi khuẩn kháng lại mọi thuốc kháng sinh
Mắc bệnh gan mật bẩm sinh, ngay từ khi chào đời, bé N.T.M. (tỉnh Hà Tĩnh) đã phải nằm khắp các bệnh viện, từ tuyến huyện, tỉnh cho tới trung ương. Sau khi được phẫu thuật ở bệnh viện tuyến tỉnh, bé M. được cho về nhà nhưng chỉ một thời gian ngắn, đã sốt trở lại và được đưa tới Bệnh viện Nhi trung ương, được chẩn đoán sốt, nhiễm trùng trên nền bệnh cũ. Sau khi làm kháng sinh đồ (thử mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với thuốc kháng sinh), các bác sĩ bất ngờ khi thấy vi khuẩn mà bé nhiễm phải kháng lại toàn bộ các nhóm kháng sinh.
Con người tạo ra thuốc kháng sinh để chống lại các bệnh do nhiễm vi khuẩn nhưng giờ đây, vi khuẩn lại có khả năng đề kháng lại thuốc kháng sinh. Kháng thuốc kháng sinh đang là mối đe dọa lớn đối với ngành y tế và cả xã hội.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Sơn - Phó trưởng khoa Điều trị tích cực ngoại, Bệnh viện Nhi trung ương - đây là một trong những ca bệnh hiếm gặp ở bệnh viện này. Sau khi tìm kiếm, các bác sĩ đã lựa chọn được 1 loại kháng sinh rất hiếm khi được dùng và may là trẻ đáp ứng được với thuốc. Tiếc là sau đó, do bệnh nền của bé tiến triển và do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình đã xin cho bé về bệnh viện tỉnh điều trị. Nhiều khả năng bệnh viện tỉnh không có loại thuốc kháng sinh mà Bệnh viện Nhi trung ương đã áp dụng hiệu quả cho bệnh nhi này.
Theo một nghiên cứu do Bệnh viện Nhi trung ương công bố năm 2019, qua sàng lọc các bệnh nhi nhập viện có cấy phân (làm xét nghiệm nuôi cấy mẫu phân trong môi trường thạch dinh dưỡng nhằm phát hiện vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh), có 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc.
Tình trạng kháng thuốc xuất hiện ở mọi lứa tuổi chứ không chỉ ở trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới.
Trong khi nhiều nước vẫn dùng kháng sinh thế hệ 1 hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Nhiều loại vi khuẩn đã kháng thuốc kháng sinh, trong đó tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột và tiêu chảy tăng 40% trong 10 năm qua.
|
Tích cực phòng, chống kháng thuốc
Kháng thuốc kháng sinh đang để lại nhiều hệ lụy và gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, hệ thống y tế và xã hội. Theo WHO, mỗi năm, thế giới có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc. Việc kháng thuốc khiến các liệu pháp điều trị thông thường không hiệu quả, khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến thời gian bị bệnh lâu hơn, chi phí điều trị và nguy cơ tử vong cao hơn. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, lao… trở nên khó điều trị hơn, có khi không thể điều trị được.
Phó giáo sư, tiến sĩ Chu Thị Hạnh - Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam - cho hay, có 3 nhóm thuốc chính để điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng, gồm penicillin, cephalosporin và macrolid. Tuy nhiên, theo một số công trình nghiên cứu của Việt Nam và thế giới, độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với các nhóm thuốc kháng sinh này đang giảm dần.
Theo các chuyên gia y tế, việc phòng bệnh không tốt - bao gồm việc phòng bệnh của cá nhân và việc phòng, chống nhiễm khuẩn ở các cơ sở y tế - sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và kháng thuốc. Việc dùng thuốc kháng sinh tùy tiện cũng làm tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh.
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn cho biết, bệnh nhân ở các khoa hồi sức, cấp cứu của các bệnh viện có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao do phải chịu nhiều thủ thuật như đặt kim truyền, lọc máu hay cấy ghép các bộ phận trong cơ thể. Do đó, các bệnh viện phải kiểm soát chặt chẽ việc nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần dùng thuốc theo toa của bác sĩ chứ không nên tự ý mua, tùy tiện dùng.
Năm 2013, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Chính phủ cũng phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho rằng, để thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chiến lược này, cần sự nỗ lực của ngành y tế và của cả cộng đồng./.