![]() |
Nhà thờ thủy tổ nghề yến Khánh Hòa ở Hòn Nội |
Nghề khai thác yến sào ra đời cách đây 6 đến 70 trăm năm từ thời Trần. Năm 1993, sau khi thành lập Công ty Yến Sào, trong một lần ra đảo, ông Nguyễn Thế Ân, Giám đốc đã tìm đến ngôi miếu thờ có đặt tấm bia ghi công trạng của bà Lê Thị Huyền Trâm, ông đã trăn trở và rồi quyết tâm tìm cho ra cội nguồn của Thủy tổ nghề khai thác yến. Nội dung tấm bia thể hiện: Năm 1328, thuyền của Lê Văn Đạt một viên tướng nhà Trần trong một lần vào Nam đã bị bão dạt vào Hòn Tre. Ông lập ra thôn Bích Đầm và phát hiện được các đảo yến. Nghề yến sào của Khánh Hòa ra đời từ đó. Năm 1769, tời nhà Tây Sơn, trong một trận chiến đấu chống thủy quân của Nguyễn Ánh, Đại Đô đốc thủy quân, bà Lê Thị Huyền Trâm, cùng quan cha là Đô đốc Lê Văn Quang đã anh dũng hy sinh. Đó là ngày 10/5 năm Kỷ Sửu. Từ đó, bà Lê Thị Huyền Trâm được nhân dân trong vùng suy tôn là Đảo Chủ Thánh Mẫu, được lập miếu thờ trên đảo.
![]() |
Nghi thức cúng rước các vong linh ở đảo yến có công đối với nghề yến, |
Dưới thời chúa Nguyễn, nghề yến sào phát triển rất mạnh. Bên cạnh hồ tiêu, trầm hương, gỗ mun, đồi mồi, ngà voi, sừng tê giác và các sản vật quý khác, những cái tổ yến đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Đàng Trong. Các vua nhà Nguyễn coi yến sào là đặc sản Việt Nam, đặt nó thành tài nguyên quốc gia. Nối tiếp làng nghề của cha ông và cũng từ lâu ở Nha Trang, Khánh Hoà có một đội quân khai thác yến mang tính chuyên nghiệp, cha truyền con nối, bao gồm chủ yếu các cư dân sinh sống ở Cầu Đá và Tây Hải, phường Vĩnh Nguyên. Đội quân này có khoảng 30 người, hình thành sau giải phóng miền Nam đã vào HTX khai thác yến. Năm 1993 Công ty Yến Sào được thành lập, những người khai thác yến được đưa vào Công ty hình thành bộ phận kỹ thuật. Khai thác yến là một công việc nặng nhọc và nguy hiểm, không phải ai cũng làm được. Chim yến thường chọn những hang động, khe đá ở các đảo có vách đá thẳng đứng để làm tổ. Muốn vào trong hang yến, người ta phải dùng thuyền len lỏi qua các gộp đá lô nhô chìm nổi dưới đáy hang, trong khi những đợt sóng quái ác cứ chồm lên muốn xô ngã, trùm lấp, cuốn phăng đi mọi thứ. Trong các hang lớn, sào chĩa (người khai thác yến) phải dùng tre bắc giàn hết sức công phu, nhất là khâu đóng giăng (cây tre bắc ngang qua lòng hang, hai đầu ép vào hai vách đá trơn nhẵn mà không có cây nào khác đỡ). Chỉ những người có kinh nghiệm mới được giao việc này. Việc thu hái yến ở các hang nhỏ, hẹp thường nguy hiểm hơn. Nhiều hang, chỉ vào được khi nước triều xuống, người ta phải tranh thủ bóc tổ cho mau kẻo nước lên sẽ mất lối ra. Tên một số hang yến có nguồn gốc từ cách khai thác, ví dụ hang Dây chùng (vì không thể căng giây thẳng mà phải dùng dây chùng mới leo được), hang Cội Dựng (phải dựng một cây tre còn giữ các nhánh mắt để làm thang leo lên gọi là cội), hang Bắc Cầu (dùng tre vầu chèn vào hai vách đá làm cầu mà leo), hang Đá Thòng (leo lên đỉnh núi thòng dây xuống), hang Cạnh (đi thẳng vào hang rồi lách sang bên cạnh)… Vào sâu trong hang kín bưng, phân chim phủ dày dưới đáy hang bốc lên mùi hăng nồng rất khó chịu. Dân làng nghề biển nói chung và dân sào chĩa nói riêng tin vào sức mạnh thiêng liêng của biển cả và đảo yến mà họ đã quản lý. Uống nước nhớ nguồn, những người thợ khai thác yến luôn tri ân các bậc tiền nhân và cả những người bạn nghề đã quá cố.
![]() |
Lãnh đạo Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa cùng các quan khách dâng lễ, dâng hương. |
Ở Hòn Nội có miếu thờ và tượng Tổ nghề yến sào Lê Văn Đạt, Lê Văn Quang. Ở Hòn Ngoại có nhà thờ và tượng Bà Chúa đảo yến Đại Đô đốc Lê Thị Huyền Trâm do Công ty Yến sào Khánh Hoà trùng tu, xây dựng.
Hàng năm sau khi thu hoạch xong kỳ yến thứ nhất, ngày 10 tháng 5 âm lịch, Công ty Yến Sào Khánh Hòa tổ chức ngày giổ tổ. Nghi lễ rất trang nghiêm. Các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ từ ngày hôm trước bao gồm hương, đăng, hoa, bánh trái, rượu bia, heo quay, gà trống thiến, xôi thịt khác, vàng mã... Chiều ngày 9/5, từ người lãnh đạo cao nhất, đến đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Công ty được xe ô tô chở từ văn phòng xuống bến đò Cầu Đá, lên tàu du lịch ra đảo Hòn Ngoại, Hòn Nội. Đến 24 giờ đêm khi trời đất giao hoà, cảnh vật linh thiêng, điện thờ các ngài hương khói nghi ngút; tiếng trống, tiếng thanh la xập xèng nổi lên, chuẩn bị cho cho ngày giổ tổ.
![]() |
Sau giổ tổ tiếp theo là một mùa bội thu. |
Sáng 10/5/2022, sau hai năm gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, gần 700 đại biểu khách mời và CBCNV của Tổng Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa đã ra đảo để dự buổi lễ. Nhằm giờ Thìn, cung Hoàng Đạo, những người được giao nhiệm vụ ăn mặc chỉnh tề theo sắc phục mô phỏng các quan công ngày xưa tiến vào đặt lễ, đại diện Công ty dâng sớ, báo cáo kết qủa một năm mưa thuận gió hoà, đàn chim sinh sôi nẩy nở, cho nhiều tổ quí, giúp Công ty ăn nên làm ra. Bước sang năm mới, Công ty cầu mong các tổ nghề phù hộ độ trì, để cháu con thêm một năm gặp nhiều may mắn. Sau bài cúng của đại diện Công ty, lãnh đạo các phòng ban, đơn vị thành viên lần lượt vào dâng hương, lễ vật. Phần lễ diễn ra nhanh gọn trong khoảng vài giờ đồng hồ. Tiếp theo là phần hội. CBCNV Công ty cùng các quan khách, thậm chí cả khách du lịch được một bữa hưởng thụ lộc Tổ, vui vẻ ăn uống, rượu bia, chúc tụng, múa hát, đến khi kết thúc. Về chiều, ra về ai nấy trong lòng hân hoan, vui mừng bởi một ngày giổ tổ với những nét văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa, để ngày mới 9/6 (tức 11/5) bước vào Hội nghị khách hàng Yến Sào Toàn Quốc, chuẩn bị cho một một mùa bội thu năm nay đang đến.
Bài và ảnh Hoàng Quân