Bài 1: Quy định của pháp luật và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền tỉnh Khánh Hòa
![]() |
Sau 30 năm đổi mới, TP.Nha Trang đã phát triển to lớn như thế này. Nguồn tài nguyên to lớn là đất, đá, cát và sỏi đã góp một phần không nhỏ. |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đất làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường! Từ đó tổ chức, cá nhân muốn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải xin và được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác, trừ một số trường hợp quy định riêng.
Để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, ngoài giấy phép khai thác, tổ chức, cá nhân phải thực hiện các nghĩa vụ: Đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên; thuế hay lệ phí khắc phục tác động môi trường.
Ở Khánh Hòa, từ lâu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những quy định cụ thể để thực hiện Luật Khoáng sản, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên to lớn này.
Ngày 18/12/2017 Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản là cát, sỏi và đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Mỏ đá Hòn Ngang, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh được cấp phép khai thác từ nhiều năm nay. |
Cùng ngày (18/12/2017) UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ngành chức năng tiếp tục duy trì các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, đồng thời tăng cường quản lý đối với hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản là cát, sỏi và đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; trong đó UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên giám sát hoạt động khai thác khoáng sản qua việc gắn camera giám sát tại các bãi tập kết, đường vào mỏ, vị trí mốc giới khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác...; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh xử lý đúng quy định. Đối với các trường hợp không khắc phục các tồn tại vi phạm thì báo cáo, đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép; thực hiện hoặc báo cáo, đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, hủy hoại đất.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho 10 sở, ngành liên quan để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, yêu cầu Sở TN & MT khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về trách nhiệm người đứng đầu, người có trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, quy định các tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ làm cơ sở xem xét, khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc hoặc xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm về quản lý tài nguyên khoáng sản, để xảy ra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và trật tự - an ninh, kinh tế - xã hội. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) làm trưởng đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh; hàng quý, báo cáo kết quả kiểm tra, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các nội dung liên quan. Công an tỉnh có kế hoạch tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép.
![]() |
Mỏ đá Granit ở thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh hiện có 4 đơn vị được Bộ TN & MT cấp phép đang khai thác. |
UBND tỉnh còn giao các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng liên quan tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản là cát, sỏi và đất đá làm vật liệu thông thường trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện và các sở, ban, ngành định kỳ hàng tháng trước ngày 20, báo cáo kết quả, phản ánh tồn tại, khó khăn, vướng mắc qua Sở TN & MT để tổng hợp, xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; đồng thời báo cáo, tham mưu các nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh theo quy định, trước ngày 25 hàng tháng; trường hợp cần thiết thì tham mưu bằng văn bản của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tuy chủ trương và pháp luật, quy định là vậy, nhưng thực trạng ra sao?
Để nắm bắt tổng quát thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng đất, đá, cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đã tìm đến Phòng Khoáng sản, theo đó Phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) Lãnh đạo Phòng đã cung cấp cho chúng tôi một danh sách nhiều tổ chức cá nhân được cấp Bộ TN & MT và UBND tỉnh Khánh Hòa giấy phép hoạt động. Nghiên cứu danh sách được cấp, chúng tôi đầu tư khảo sát tình hình hoạt động của các đơn vị khai thác, đối chiếu với thực tế thấy đang còn quá nhiều bất cập, cần báo động, rút kinh nghiệm, xử lý! Và vấn nạn này chắc chắn không chỉ ở Khánh Hòa!
Khoản 1, Điều 64, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có 8 loại, gồm: a) Cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không có hoặc có các khoáng vật cansiterit, volframit, monazit, ziricon, ilmenit, vàng đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; b) Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đủ tiêu chuẩn sản xuất gốm xây dựng, vật liệu chịu lửa samot, xi măng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam; c) Đá cát kết, đá quarzit có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không chứa hoặc có chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, nguyên tố xạ, hiếm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc không đủ tiêu chuẩn làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam; d) Đá trầm tích các loại (trừ diatomit, bentonit, đá chứa keramzit), đá magma (trừ đá syenit nephelin, bazan dạng cột hoặc dạng bọt), đá biến chất (trừ đá phiến mica giàu vermiculit) không chứa hoặc có chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, đá quý, đá bán quý và các nguyên tố xạ, hiếm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không đủ tiêu chuẩn làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ, nguyên liệu kỹ thuật felspat sản xuất sản phẩm gốm xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam; đ) Đá phiến các loại, trừ đá phiến lợp, đá phiến cháy và đá phiến có chứa khoáng vật serixit, disten hoặc silimanit có hàm lượng lớn hơn 30%; e) Cuội, sỏi, sạn không chứa vàng, platin, đá quý và đá bán quý; đá ong không chứa kim loại tự sinh hoặc khoáng vật kim loại; g) Đá vôi, sét vôi, đá hoa (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng) không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng pooc lăng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam; h) Đá dolomit có hàm lượng MgO nhỏ hơn 15%, đá dolomit không đủ tiêu chuẩn sản xuất thủy tinh xây dựng, làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Không đề cập gì đến đất. |
(Bài 2: Còn nhiều bất cập. "Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng!"?)