Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hơn 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp sản xuất sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đã trồng sâm Ngọc Linh là 1.263,3 ha. Tổng sản lượng ước đạt khoảng 213,6 tấn.
Tỉnh Kon Tum đã đầu tư xây dựng 3 cơ sở sản xuất giống dược liệu tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu cây giống dược liệu trên địa bàn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum đã xây dựng vườn ươm cây giống để đáp ứng nhu cầu phát triển phát triển diện tích sâm Ngọc Linh theo mục tiêu đã đề ra .
![]() |
Quang cảnh buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá rất cao sự nỗ lực của địa phương cũng như các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Thời gian tới, các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu để phát triển thương hiệu Sâm Việt Nam, đưa vào danh sách Chương trình mục tiêu quốc gia.
"Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chia sẻ những khó khăn của tỉnh Kon Tum khi muốn mở rộng đất để phát triển diện tích trồng sâm. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang rà soát các dự án, đề án bị vướng mắc về Luật, Nghị định để trình Chính phủ, Quốc hội nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn". Bộ trưởng nhấn mạnh
Đánh giá được giá trị của sâm Ngọc Linh, Bộ đã định hướng, hỗ trợ các tổ chức, các nhà khoa học thực hiện một số đề tài nghiên cứu để chuẩn bị nền tảng công nghệ vững chắc nhằm phát triển nhanh chóng sản phẩm sâm Ngọc Linh xuyên suốt chuỗi giá trị của sản phẩm.
Dự kiến đến năm 2025, diện tích có trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); đến năm 2030 diện tích có trồng sâm Ngọc Linh khoảng 10 nghìn ha (100 triệu cây); đến năm 2045 trồng sâm Ngọc Linh trên toàn bộ diện tích có khả năng trồng sâm Ngọc Linh trong vùng Chỉ dẫn địa lý./.