Trong năm 2023, tình hình thủy văn các hồ thủy điện trong vài tháng trở lại đây có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Nhiều hồ thủy điện trên toàn quốc nước về rất ít, dẫn chứng là lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm của các hồ thủy điện phía Bắc chỉ đạt khoảng 60 – 70% so với trung bình nhiều năm. Nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam lượng nước về cũng kém.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa khô 2023. Và thực tế cho thấy, dẫn chứng công khai tính đến ngày 06/6/2023, hầu hết các hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đã về mực nước chết. Thời điểm các tháng mùa khô, điều kiện thủy văn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo cung ứng điện.
Hiện nay, các tỉnh miền Trung, khu vực Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa, việc cung ứng điện có nhiều biểu hiện tích cực, phụ tải giảm và nguồn nước về các hồ thủy điện được cải thiện đáng kể.
Đặc biệt, tại tỉnh Kon Tum, một số thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn có nguồn nước dồi dào, thậm chí có thời điểm dư thừa. Đây là một trong những điều kiện tốt để một tỉnh nghèo có thêm nguồn thu từ tài nguyên nước. Tuy nhiên, từ những quy định cứng trong lĩnh vực kinh doanh điện lực đã vô hình chung tạo ra lãng phí lên tới hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các Doanh nghiệp thủy điện bị khống chế công suất phát kéo dài, thủy điện thừa nước nhưng không thể phát điện vượt công suất.
![]() |
Nhiều thủy điện nhỏ vào mùa mưa không thể trữ nước do diện tích lòng hồ, thường xuyên bị xả tràn. |
Trước thực tế đó, nhiều Doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Kon Tum đã có kiến nghị đến EVNCPC về việc đề nghị huy động công suất các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được huy động theo cơ chế chi phí tránh được. Từ tháng 3/2023 đến nay, các Nhà máy thủy điện vừa và nhỏ (được huy động theo cơ chế chi phí tránh được) thường xuyên bị tiết giảm công suất, bị sa thải, không được Công ty Điện lực Kon Tum huy động công suất do phát vượt theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết, theo giấy phép hoạt động điện lực cũng như giấy khai thác nước mặt. Việc này đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác vận hành và thiệt hại về kinh tế cho các Nhà máy thủy điện nhỏ. Các nhà máy buộc phải chủ động phát điện thấp hơn công suất thiết kế để đảm bảo không bị sa thải khi công suất tăng đột biến mà không lường trước được.
Được biết, đối với một số thủy điện nhỏ, do lòng hồ của các dự án thủy điện này gần như là không chứa được nhiều, nên có mưa lớn sẽ thường xuyên bị tràn, xả thừa khi giờ thấp điểm cũng như giờ cao điểm. Điều này gây lãng phí tài nguyên phát điện và làm giảm hiệu quả cho các nhà đầu tư, đồng thời cũng làm mất đi nguồn thu ngân sách cho tỉnh Kon Tum. Đối với tỉnh Kon Tum, nguồn thu vào ngân sách địa phương từ lĩnh vực kinh doanh thủy điện chiếm 30 – 40%, đây là một con số không nhỏ.
Đại diện Công ty CP Đầu tư thủy điện Đức Bảo cho biết: Việc chỉnh sửa quy định phù hợp với mục đích để tránh lãng phí tài nguyên nước. Hơn nữa, giá bán bình quân cả năm của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ cũng rẻ hơn so với giá điện than hay điện năng lượng tái tạo, nếu được huy động tối đa thì không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà người dân cũng sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng diện với giá rẻ, tài nguyên không bị lãng phí, thuế nhà nước không bị thất thu…
![]() |
Thực trạng thủy điện thừa nước nhưng không thể phát vượt công suất điện. |
Nhằm tháo gỡ vướng mắc do quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hai văn bản số 4021/BTNMT-TNN ngày 02/6/2023 trả lời về vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 36/2020/NĐ-CP và Nghị định số 82/2017/NĐ-CP và văn bản số 1491/TNN-LVSHTB ngày 27/6/2023. Theo đó, Cục Quản lý tài nguyên nước đã có đề nghị “Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp nhằm khai thác, huy động tối đa nguồn năng lượng do tận dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước…”.
Cụ thể, trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện thì cho phép các Nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được phép phát vượt công suất thiết kế trong giấy phép theo khả năng nguồn nước cho phép. Cho phép phát lớn hơn Điện lượng trung bình năm được phê duyệt đối với các năm có lưu lượng nước đến nhiều, phần giá trị phát dư sẽ được tính toán để nộp bổ sung tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước vào đầu năm tài chính tiếp theo. Đồng thời, đề nghị EVN thanh toán phần sản lượng điện phát vượt đối với phần sản lượng đã được ghi nhận và phần sản lượng phát vượt (nếu có) trong tương lai.
Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng nên việc vận dụng vào thực tiễn hiện nay vẫn chưa được thống nhất. Từ tháng 10/2023 đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Kon Tum dự báo vẫn sẽ còn nhiều đợt mưa kéo dài, mưa lớn.
Riêng việc các thủy điện không tận dụng được nguồn nước mưa ở địa phương như hiện nay có thể thiệt hại hàng tỷ đồng/ năm, Nhà nước thất thu một khoản thuế lớn từ thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT và thuế tài nguyên nước.
Do đó, thiết nghĩ các Bộ, Ngành liên quan cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc mà hiện nay nhiều thủy điện vừa và nhỏ đang gặp phải, sớm sửa đổi kịp thời một số quy định trong lĩnh vực để phù hợp với thực tế của từng địa phương. Đồng thời, đó cũng là mong muốn của hầu hết các Doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum./.