![]() |
"Hang Tám Cô", nơi cái chết đã hóa thành bất tử. Ngày 15/6/2009, trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Chủ tịch nước đã ký Quyết định công nhận Tập thể Anh hùng cho các TNXP hy sinh tại hang Tám Cô |
Ký ức đau thương
Buổi chiều ngày 14/11/1972, một trận oanh tạc khủng khiếp của những tốp máy bay B52 Mỹ đã rải hàng ngàn quả bom xuống đường 20 Quyết Thắng.
Một quả bom của Mỹ đã ném trúng 1 cái hang đá ở km 16 dọc đường 20 Quyết Thắng thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Một tảng đá khổng lồ rơi xuống bịt kín cửa hang, vùi lấp 8 chiến sỹ thanh niên xung phong và 5 chiến sỹ pháo cao xạ.
Tất cả các liệt sỹ hang Tám Cô đều quê ở huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đường 20 Quyết Thắng xuyên dãy Trường Sơn nối từ Đông sang Tây thuộc hệ thống Đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1986.
![]() |
Bia tưởng niệm các liệt sỹ hang Tám Cô. |
Lịch sử gọi tên ngày 14/11/1972 là "Hang Tám Cô", nơi cái chết đã hóa thành bất tử, ghi dấu một câu chuyện huyền thoại luôn ám ảnh trong tâm trí biết bao người về sự quả cảm, anh dũng và linh thiêng.
Từ đó, người dân địa phương tỉnh Quảng Bình đã gọi tên hang đá này là hang Tám Cô. Và khi nhắc đến hang đá này là nói đến 1 trong nhiều sự kiện bi tráng của quân dân miền Bắc trong cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc mà Mỹ gây ra với nhân dân Việt Nam.
Hang Tám Cô nhiều năm qua đã trở thành địa chỉ tâm linh của người dân Quảng Bình và nhân dân cả nước.
Ngày 15/6/2009, trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Chủ tịch nước đã ký Quyết định công nhận Tập thể Anh hùng cho các TNXP hy sinh tại hang Tám Cô.
Khi nói về Đường 20 Quyết Thắng, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết: "Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sỹ và thanh niên xung phong làm nên".
Còn GS Vũ Khiêu đã bày tỏ sự đau đớn và tự hào trong lời văn điếu của ông tại Đền thờ 8 liệt sỹ trong hang Tám Cô : "Tuổi chẳng thọ mà huân công mãi mãi trường tồn/ Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt".
Hang Tám Cô nhưng không phải là "8 cô".
Là một di tích lịch sử đặc biệt, hang Tám Cô được người đời cho đó là chốn linh thiêng - điều mà khoa học hiện đại không thể giải thích được. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp và cả những người dân mỗi khi đến dịp lễ trọng, Tết nguyên đán, ngày 27/7 hàng năm thường đến Khu di tích này cầu may.
Điều rất đặc biệt với cái tên "Tám Cô" của hang đá này là 8 thanh niên xung phong hy sinh trong hang không phải là 8 cô gái mà là 4 chàng trai, 4 cô gái. Tên tuổi, quê quán của họ được khắc trên tấm bia đá ở cửa hang: Đỗ Thị Loan (sinh năm 1952), Nguyễn Văn Huệ (sinh năm 1951), Nguyễn Hữu Phương (sinh năm 1954), Trần Thị Tơ (sinh năm 1954), Hoàng Văn Vụ (sinh năm 1953), Nguyễn Mậu Kỷ (sinh năm 1947), Lê Thị Lương (sinh năm 1953), Lê Thị Mai (sinh năm 1951). Tất cả đều quê ở xã Hoàng Trường, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa và đều tham gia lực lượng thanh niên xung phong ngày 5/4/1971.
Trên thực tế thì cái ngày 14/11/1972 định mệnh đó, khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom để chuẩn bị dọn đường, thông xe theo yêu cầu cấp bách của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 thì máy bay Mỹ lao tới đánh phá. 8 thanh niên xung phong gồm 4 nam, 4 nữ chạy vào hang ẩn nấp. Một chiếc máy bay cường kích bắn bồi một quả tên lửa làm khối đá khổng lồ lăn xuống bịt kín cửa hang, nơi bên trong hang đang có 8 thanh niên xung phong trú ẩn.
Tiếng bom ngớt khi máy bay địch rời xa khu vực đó, mặc dù toàn đơn vị là Đội Thanh niên xung phong 25 và Binh trạm 14 đã nỗ lực hết sức, hết cách tìm mọi biện pháp để giải cứu đồng đội. Nhưng, mọi hy vọng đều bất thành trong vô vọng và tuyệt vọng. Gần 1 tuần liên tục, các đồng đội phải đau lòng chứng kiến 8 đồng chí của mình đuối sức dần… Bên ngoài hang, tiếng kêu cứu vọng ra là tiếng người con gái "Cứu con với mẹ ơi".
Có thể, vì như vậy mà người ta đã nghĩ trong hang đó toàn con gái nên gọi đó là "Hang Tám Cô".
![]() |
Tác giả - Ths Trần Trung Hiếu tại Hội thảo Khoa học Quốc tế Văn hóa và Giáo dục lần thứ III - 2022
Những giai thoại như những huyền thoại.
Nhiều người dân sống gần khu vực Hang Tám Cô đã truyền tai nhau nhiều câu chuyện khó tin. Vào những đêm trăng khuya bàng bạc, họ đã nghe đâu đây tiếng hát như từ đất vọng lên từ lòng đất, vách đá với lời ca, nhạc điệu của những bài hát quen thuộc thời đạn bom "Anh vẫn hành quân", "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát", "Đường Trường Sơn xe anh qua"...
Theo lời kể của ông Lê Thanh Lương - Trưởng Ban quản lý Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20 Quyết Thắng thì Hang Tám Cô và Đường 20 Quyết Thắng còn có những câu chuyện khó tin ở nơi này với những tình tiết lạ lùng xoay quanh có số 8 kỳ lạ mà khoa học hiện đại rất khó để có thể giải thích như: cây chuối rừng mọc trước cửa hang trổ đúng 8 nải đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại (1959 - 2009); chuyện con tắc kè đẻ 8 quả trứng và kêu 8 tiếng đúng đêm kỷ niệm và sau đó 8 quả trứng đó nở ra 8 chú tắc kè con, chẳng hỏng quả nào; câu chuyện Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị "Tổng tư lệnh" đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa trong buổi lễ kỷ niệm đó, sau khi ông vừa đọc xong bài diễn văn đầy xúc động thì bất ngờ trong hang, người ta nghe thấy tiếng con tắc kè kêu lên 8 tiếng "tắc kè, tắc kè"...
Có lẽ, chính những điều trùng hợp rất khó lý giải đó đã khiến Hang Tám Cô đã trở thành một mảnh đất thiêng mà bất kỳ ai đi qua Đường 20 Quyết Thắng huyền thoại ấy đều muốn dừng lại, vào Hang Tám Cô để lặng lẽ cúi đầu thắp những nén nhang để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sỹ Đường 20 Quyết Thắng đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nền độc lập của dân tộc.
![]() |
Ths Trần Trung Hiếu vừa đoạt giải Báo chí Toàn quốc viết về Giáo dục - 11/2022
Hàng năm qua, cứ đến ngày 14/11, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng lại tổ chức chu đáo và trang trọng Lễ giỗ, dâng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sỹ Hang Tám Cô - những người anh hùng đã anh dũng, quả cảm và linh thiêng làm nên một Hang Tám Cô của nỗi đau và huyền thoại.
Hang Tám Cô trên con đường 20 Quyết Thắng đã trở thành một địa chỉ đỏ thiêng liêng của những người đang sống, của những thế hệ trẻ đang được thụ hưởng nền hòa bình luôn cần phải biết tưởng nhớ và tri ơn./.
14/11/2022
Ths Trần Trung Hiếu
(Giáo viên Lịch Sử-Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An)