![]() |
Các nghệ sỹ hát Quan Họ trên thuyền rồng ở hồ Nguyên Phi Ỷ Lan tối 25/2/2023
Về miền Quan Họ xứ Kinh Bắc mùa xuân Quý Mão 2023, để tôi có thêm những minh chứng khẳng định vai trò, đóng góp của văn hóa dân tộc trong tiến trình lịch sử của một quốc gia, để ghi nhớ, nhắc nhở những học trò của mình và thế hệ trẻ cần biết gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cha ông trong thời kỳ hội nhập.
1. Bắc Ninh, miền quê đặc biệt về lịch sử - văn hóa trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Cái nôi của người Việt cổ: Bắc Ninh là vùng đất cổ thuộc vùng trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng với những dòng sông đỏ nặng phù sa bao quanh các phía bởi sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cầu, sông Đuống, sông Dâu đã thu hút người Việt cổ về đây sinh cơ lập nghiệp, lập làng để làm nên vùng đất Thủy tổ dân tộc ( Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ) khai sơn sáng thủy lập nước, để lại dấu ấn là khu lăng mộ, đền thờ, cùng thần phả, sắc phong, bia đá, tập tục thờ phụng các bậc Thủy tổ dân tộc Việt Nam tại thôn Á Lữ ( Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành).
![]() |
Tác giả Trần Trung Hiếu cùng với các Nghệ sỹ, Nghệ nhân Dân ca Quan họ thắp hương Đền Cùng - Giếng Ngọc ở làng Diềm, thành phố Bắc Ninh sáng 26/2/2023. |
Quê hương phát tích của vương triều Lý (1009-1225): Đến vùng đất địa linh nhân kiệt Cổ Pháp, Đình Bảng, Bắc Ninh ngày nay là nhắc tới một trong ba “Tam cổ” nổi tiếng trong lịch sử : “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp”.
Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, có nhiều hồ, đầm lầy được sông Tiêu Tương uốn khúc quanh co, thế đất mang hình con nhện, xòe ra như cánh hoa sen. Đó là huyệt đất quý phát tích đế vương của các vị vua Triều Lý, hưng thịnh và kéo dài 216 năm. Năm 1009, Lý Công Uẩn viết “Chiếu dời đô” và đặt niên hiệu là “Thuận Thiên” với các bậc vua anh minh Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông... có công khai sáng quốc hiệu Đại Việt (1054), lập nền văn minh Đại Việt làm nền móng cho muôn đời sau.
![]() |
Thành phố Bắc Ninh, nơi diễn ra FESTIVAL VỀ MIỀN QUAN HỌ ngày 26/2/2023. |
Cái nôi của Phật giáo và xứ sở của đình, chùa, lễ hội: Bắc Ninh được xem là “Tổ đình” của Phật giáo Việt Nam, nơi có những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam với những đại danh lam cổ tự danh tiếng như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Đại Lãm... gắn với các tên tuổi các Quốc sư tài cao, đức trọng như Lý Vạn Hạnh, Lý Khánh Văn, Nguyễn Minh Không, Dương Không Lộ... góp nhiều công lao to lớn trong việc phò giúp các triều vua xây dựng triều chính, trị nước, an dân, đánh giặc, chữa bệnh.
Cái nôi của Nho học và Khoa bảng: Ngót nghìn năm của Nho giáo, khoa bảng, vùng đất Kinh Bắc đã nức tiếng với gần 700 vị đỗ đại khoa của Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Tiến sỹ và hàng ngàn Cử nhân, Tú tài. Trong nhiều gia đình Kinh Bắc xưa, nói về khoa cử thì “cha đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”. Văn Miếu Bắc Ninh là một chứng tích trong nhiều di tích khắc ghi dấu ấn đặc biệt việc học hành, khoa cử và thành đạt của người Kinh Bắc.
![]() |
Tác giả Trần Trung Hiếu với NSND Thúy Cải. |
Vùng đất của truyền thống thượng võ và giàu truyền thống yêu nước cách mạng: Là một giáo viên Sử, tôi càng thấy không chỉ tự hào cho quê hương Quan Họ đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” mà đó còn là xứ sở có truyền thống thượng võ, yêu nước, cách mạng, là quê hương của những lãnh tụ kiệt xuất của Đảng, Nhà nước như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo.
2. Duyên Quan họ kết nối và lan tỏa.
Tôi là người dân xứ Nghệ, quê hương của Ví Giặm Nghệ Tĩnh, của những câu hò, điệu ví đò đưa thiết tha bên dòng Lam giang. Ví Giặm với tôi đã trở thành máu thịt, như là món “khoái khẩu” không thể thiếu trong nhiều lễ hội, sự kiện lớn của xứ Nghệ, người Nghệ. Ví Giặm là sợi dây vô hình giúp người Nghệ xa quê sẽ về với quê khi Tết đến, Xuân về, Rằm tới.
Nếu như xứ Nghệ có Ví Giặm thì xứ Kinh Bắc có Quan Họ. Với tôi, dân ca Quan Họ đã thấm đẫm từ thuở ấu thơ khi ngày xưa được cha tôi thường hát ru cho tôi những làn điệu Hoa thơm bướm lượn, Ngồi tựa mạn thuyền, Người ở đừng về... Và sau này, các con tôi sinh ra cũng được tôi bồng bế và hát ru cho các con những làn điệu quen thuộc ấy. Có lẽ đó là duyên Quan Họ.
![]() |
Tác giả Trần Trung Hiếu với NSND Thúy Hường. |
Cảm nhận của tôi, một người không sinh ra và lớn lên trên đất Quan Họ, khi được nghe, được xem, được cảm về dân ca Quan Họ là tuy không ồn ào, náo nhiệt, nhưng dân ca Quan Họ có gì đó rất riêng biệt, đặc biệt, đặc thù mang nét văn hóa được truyền từ đời này qua đời khác và vẫn vẹn nguyên giá trị tinh thần không chỉ ở Bắc Ninh mà còn vang danh quốc tế. Dân ca Quan Họ đã cuốn hút, mê hoặc những ai lần đầu tiên đến thưởng thức tại đất Quan Họ và cũng dễ làm mềm lòng, rung động những người chưa một lần đặt chân lên đất Quan Họ.
Với 49 làng quan họ gốc tại 4 huyện Tiên Du, Yên Phong, Từ Sơn, Việt Yên, hơn 200 làn điệu, có thể nói đó là một kho tư liệu quý chứa đựng đời sống văn hóa vật chất, tinh thần, tình cảm của người dân Kinh Bắc được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong các làng Quan Họ, ai cũng biết hát Quan Họ, đều có thể trở thành những liền anh, liền chị Quan Họ, thông thạo mọi lề lối, phong tục người Quan Họ. Mỗi thế hệ nam nữ của một làng thường có từ 3 đến 5 bọn Quan Họ nam nữ.
![]() |
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH, TT&DL Thừa Thiên Huế (bên phải) và tác giả trong đêm Lễ Khai mạc Festival Về miền Quan Họ - Miền di sản tinh hoa và bản sắc. |
Để hát Quan Họ, người Quan Họ phải tập hợp lại thành từng “bọn Quan Họ”, được các anh chị lớp trước hướng dẫn, truyền dạy bài bản. Khoảng 14, 15 tuổi, mỗi người trong “bọn” có thể hát đúng trên dưới 150 bài ca và có thể tập hát đối đáp cùng nhau và tiếp tục học thêm bài mới. Những “bọn Quan Họ” cứ được luyện câu, luyện giọng bền bỉ, thường xuyên cho đến lúc trở thành những liền anh, liền chị Quan Họ “biết ca đủ lối, đủ câu”, có thể hát đây, hát đó, bổ sung vào đội ngũ những người hát Quan Họ hết thế hệ này sang thế hệ khác.
Cũng như nhiều làn điệu dân ca của nhiều vùng miền khác của người Việt, dân ca Quan Họ xứ Kinh Bắc cũng có nhiều điểm tương đồng. Nhưng, nhìn chung, lề lối ca hát Quan Họ mang tính chất quy cũ, khuôn phép chặt chẽ và tác động đến sự giữ gìn và phát triển Quan Họ mang đặc trưng riêng của người Quan Họ. Trong lối hát, điệu hát Quan Họ thường có các hình thức hát là hát đối đáp, hát canh, hát hội, hát lễ thờ, hát cầu đảo, hát giải hạn, hát mừng, hát kết chạ.
Là một giáo viên Sử, tôi có nhiều cơ duyên đi và đến nhiều miền quê để khám phá, trải nghiệm những nét đặc sắc của đất và người nơi tôi đến. Tôi đã từng đến đất Quan Họ nhiều lần trong các chuyến công tác và trải nghiệm cá nhân, đã cầm mic để giao duyên với các liền chị ở Đền Đô đúng dịp khai Hội Lim năm 2019. May mắn cho tôi trong đợt này là đến Kinh Bắc đúng dịp Lễ khai mạc Festival “Về miền Quan Họ 2023” để có thể đi và đến, xem và nghe nhiều hoạt động của Festival. Ngồi trên ô tô từ Hà Nội sang đến thành phố Bắc Ninh, đi qua nhiều con đường, tuyến phố, tôi đã nghe xốn xang, rạo rực khi nhìn các biển hiệu lớn với hàng chữ “Festival Về miền Quan Họ 2023” và khi nghe các làn điệu quan họ phát ra từ nhiều chiếc loa lớn. Hoạt động mà tôi dành nhiều thời gian nhất là Hát Quan Họ từ làng Diềm đến hát Quan ọH trên thuyền rồng tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan, trung tâm thành phố Bắc Ninh. Nhờ anh em của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, NSUT Xuân Mùi, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan Họ Bắc Ninh cùng các nghệ sỹ như NSND Thúy Cải, NSUT Lệ Thanh đã giúp tôi được thật sự đắm mình trong văn hóa của lễ hội.
Quan Họ vừa tinh tế, vừa lịch lãm, gắn bó và quý trọng trong quan hệ tình bạn của những người yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Những làn điệu Quan Họ khi được các nghệ sỹ, nghệ nhân Quan Họ ngân lên mộc mạc, vừa phảng phất hương đồng gió nội, vừa sâu lắng ngọt ngào khiến tôi như thấy mình cũng đang hóa thân bồng bềnh trong tình yêu lứa đôi của câu Quan Họ. Dưới nhiều mái đình cổ mang đậu dấu ấn thời gian, nền trải chiếu hoa, liền anh, liền chị Quan Họ ngồi đối diện lúng liếng nhìn nhau, ở giữa những chén trà, cơi trầu cánh phượng. Họ đã hát mộc, hát chay, không nhạc đệm, không loa máy, chỉ có câu hát Quan Họ mà vẫn thân tình tha thiết, hát suốt canh thâu.
Khi đến xem và nghe các liền chị, liền anh Quan Họ hát trong nhiều không gian, bối cảnh, tôi thích nhất là hát Quan Họ trên thuyền rồng ở hồ Nguyên Phi Ỷ Lan. Các liền anh, liền chị được trang điểm đẹp, xúng xính ô, quạt, áo quần mớ bảy, mớ ba, quần lĩnh áo the, đội khăn mỏ quạ, nón thúng quai thao cùng tình tứ trao nhau câu hát giao duyên mượt mà như dòng sông Cầu lơ thơ chảy với “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Bèo dạt mây trôi”, “Cây trúc xinh”, “Xe chỉ luồn kim”, “Vào chùa”,“Hoa thơm bướm lượn”, “Tranh thanh gió mát”, “Con nhện giăng mùng”, “Còn duyên”, “Người ở đừng về”, “Giã bạn”...
Rời đêm hát Quan Họ trên thuyền, tôi thật sự thấy sự xúc động, lưu luyến, bịn rịn bởi ca khúc “Người ở đừng về” của liền anh, liền chị Quan Họ mới thấy hết cái hay, cái tình của người Quan Họ.
“Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo khóc thầm như mưa
Người ơi, người ở đừng về...”
“Người ơi, người ở đừng về” ngày nay đã trở thành trở thành lời níu kéo nặng tình, nặng nghĩa trong bao cuộc hội ngộ và chia tay trên mọi miền đất nước. Có lẽ, vì trong tiếng hát níu kéo thiết tha, da diết kia của người Quan Họ đã tiềm ẩn một tấm lòng những nỗi niềm của Quan Họ đối với chúng ta trong cả chiều dài lịch sử đi tìm bạn tri âm, tri kỷ.
Đã có niềm vui họp mặt thì cũng có những nỗi niềm chia xa. Buồn đến “ruột héo, dạ sầu” nhưng người Quan Họ vẫn hy vọng, hẹn hò để hy vọng :
“...Khăn áo người gửi lại đây
Nhớ thương xếp để, dạ này bao quên
Quan họ về, đến hẹn lại lên”
Âm vang của “đến hẹn lại lên” đã là âm vang ám ảnh, ẩn khuất bao thế hệ Quan Họ như một lời nguyện ước, một hy vọng về hạnh phúc, một sự trông đợi khôn nguôi. Có lẽ vì vậy, 4 chữ “người ở đừng về” và “đến hẹn lại lên” sẽ luôn được ngân lên khi về kết của một bài giã bạn của các liền anh, liền chị Quan Họ trong mùa xuân. Và sẽ không ngoa khi nói rằng : Mùa xuân đến, Quan Họ vui. Mùa xuân đi, Quan Họ buồn.
Sự phát triển của kinh tế gắn liền với quá trình đô thị hóa càng làm cho con người ngày càng được có nhiều cơ hội được hưởng thụ nhiều thành quả của văn minh thời hội nhập. Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống ở nhiều làng quê đang dần bị phai nhạt. Về miền Quan Họ xứ Kinh Bắc trong những dịp lễ hội, chúng ta vẫn thấy nhiều làng Quan Họ vẫn hiện hữu các hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, vẫn ẩn chứa tình người Quan Họ. Dân ca Quan Họ vẫn có sức sống bền bỉ, trường tồn cùng những canh Quan Họ, vẫn luôn thu hút và tạo ấn tượng sâu sắc, khó quên từ đất và người Quan Họ.
3. Về làng Diềm- cái nôi của hát Quan Họ xứ Kinh Bắc
Trong 49 làng Quan Họ xứ Kinh Bắc, làng Diềm ( hay còn gọi là Viêm Xá) là một ngôi làng cổ mang đậm màu của thời gian, mùi của lịch sử - văn hóa truyền thống của vùng quê Quan Họ. Đây là một ngôi làng đặc biệt và đặc sắc, mà điều làm nên sự đặc biệt nhất của làng này chính là cái nôi của những làn điệu dân ca Quan Họ đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Năm 2019, làng Diềm chính thức được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận là điểm du lịch của tỉnh trong hành trình khám phá, trải nghiệm vùng quê Kinh Bắc bên dòng sông Cầu.
Đưa tôi đến làng Diềm ( hay còn gọi là thôn Viêm Xá), xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh là NSUT Xuân Mùi, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, một nghệ sỹ trọn cả cuộc đời cống hiến cho Quan họ, cho bảo tồn và phát triển dân ca Quan họ. Một may mắn lớn cho tôi, 1 du khách đến từ nơi xa là sáng ngày mồng 6 tháng 2, đúng ngày khai mạc Lễ hội làng Diềm.
Trước khi tham dự Lễ khai mạc “Hội làng Diềm”, NSUT Xuân Mùi và các nghệ sỹ của Nhà hát Dân ca Quan Họ Bắc Ninh đã dẫn tôi đã đến thăm quần thể di tích đặc biệt của làng Viềm là cổng làng Diềm, Đền thờ thủy tổ hát Quan Họ, đình Diềm và Đền Cùng - giếng Ngọc.
Cổng làng Diềm được xây dựng theo lối tam môn cổ (còn gọi là tam quan) gồm 3 lối đi, một lối đi chính giữa to nhất và 2 lối đi phụ ở 2 bên. Trên cổng có đề 4 chữ “ Vãng du hữu lợi”, nghĩa là qua làng là có lợi. Bốn chữ này như một lời chào lịch sự với những ai đến làng Diềm, thể hiện cốt cách của người đất thủy tổ Quan Họ trọng tình, nặng nghĩa, hiếu khách.
Đình làng Diềm ( Đình Diềm) được xây dựng vào năm Nhâm Thân 1692. Từ xa xưa, đình làng Diềm đã được xếp vào loại lớn và đẹp nhất nhì trong vùng :
“Thứ nhất là làng Đông Khang
Thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”
Với nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc vô cùng tinh tế, đến đình Diềm, chúng ta cảm nhận được vẻ uy nghi, nề nếp và trang nghiêm đặc trưng của đình làng truyền thống đất Việt. Năm 1964, đình Diềm vinh dự được nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Đền đình làng Diềm được coi là dấu ấn thiêng liêng, là nơi cất lên tiếng ca khải hoàn đầu tiên trong chiến thắng chống giặc Tống vào một đêm tháng 3 năm 1077. Chính vì thế mà dân gian xưa đã ghi nhận sự vẻ vang của làng Diềm trong cuộc kháng chiến chống quân Tống trong những lễ hội năm nào ở cửa đình cũng căng biển lớn với 4 chữ “Vẻ vang đình Diềm”để nhắc nhớ đến bài thơ của Lý Thường Kiệt đã vang lên từ nơi đây.
Đền thờ thủy tổ Quan Họ là nơi thờ Đức Vua Bà, người đã có công xây dựng làng và sáng tạo ra những làn điệu dân ca Quan Họ. Từ xa xưa, nhân dân vùng Quan Họ Bắc Ninh vẫn lưu truyền rằng: “Thủy tổ Quan họ làng ta/ Những lời ca xướng Vua Bà sinh ra”. Sau khi bà mất, người dân làng Diềm tiếc thương, kính trọng lập đền thờ bà và lấy ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch làm lễ hội để tưởng nhớ công lao của bà. Ở 49 làng Quan ọH, không ít nơi còn lưu truyền câu chuyện chứng tỏ Quan Họ phát tích ở làng mình. Nhưng, chỉ ở làng Diềm mới có đền thờ thủy tổ Quan Họ, gọi là Đền Vua Bà. Chính từ nơi đây, những làn điệu dân ca Quan Họ đã được ra đời và ngân lên đầy sâu lắng để lan tỏa ra khắp miền Kinh Bắc và ngày nay không chỉ dừng lại một Di sản quốc gia, mà vươn ra ngoài lãnh thổ quốc gia, đã trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Sau khi được đi cùng với các nghệ sỹ, nghệ nhân Quan Họ vào dâng hương tại Đền thờ thủy tổ Quan họ, đình Diềm chúng tôi tiếp tục khám phá, trải nghiệm những nét đặc biệt nhuốm màu huyền thoại của làng Diềm.
Kiến trúc nổi bật và ấn tượng nhất khi vào làng Diềm là Đền Cùng - Giếng Ngọc, nơi thờ Mẫu thượng ngàn và 2 công chúa thời nhà Lý là Ngọc Dung, Thủy Tiên. Hai công chúa đã có công khai khẩn, trừ hại yêu ma, thú dữ. Trong đền Cùng còn lưu giữ bức đại tự “Ngân sơn thủ khố”. Nước giếng Ngọc không biết từ đâu chảy ra, được chắt ra từ một tảng đá ong nguyên khối. Dân làng Diềm khao truyền rằng, dân làng ở đây ăn uống nước giếng Ngọc nên ai cũng có đôi mắt trong veo, lấp lánh và có giọng hát hay. Giếng Ngọc nằm trước đền Cùng, bình dị, mộc mạc song hành theo năm tháng. Giếng Ngọc không mang dáng hình tròn như nhiều cái giếng khác, giếng Ngọc gần như một hình vuông, được bao bọc bên trên là thành giếng và một lối cầu thang dẫn xuống. Thoạt trông giếng Ngọc chỉ như một chiếc hồ nhân tạo, nhưng kỳ thực đó là một báu vật của tạo hóa. Làn nước trong vắt của giếng Ngọc ấy gắn liền với huyền tích đã trở nên vô cùng nổi tiếng, như một báu vật chưa đựng cả tinh túy của đất trời, của làng Diềm, thấy được hồn quê Kinh Bắc như chưa bao giờ bị thời gian vùi lấp.
Qua câu chuyện của các cụ làng Diềm, tôi được biết sự ra đời của ngôi làng này gắn với truyền thuyết xa xưa. Ở đất Kinh Bắc, hội Lim được tổ chức hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch xuất phát từ 7 làng Quan Họ ở thị Trấn Lim mà người Quan Họ gọi là hội cụ. Tổ chức hát Quan Họ chỉ là hội gốc chứ không phải là ngày lễ hát thời thủy tổ. Còn hội hát Quan Họ thời thủy tổ làng Diềm được tổ chức từ tối ngày mồng 5 và ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm. Tối mồng 5, làng đã tổ chức hát Quan Họ thâu đêm, gọi là hát canh, tức là hát thờ bà tổ đã làm nên các làn điệu Quan Họ.
![]() |
Các Nghệ sỹ Nhà hát Quan họ Bắc Ninh với tác giả tại Đền thờ Vua Bà Thủy tổ Quan họ tại làng Diềm sáng 25/2/2023. |
Theo truyền thuyết, vào đời Hùng Vương thứ 6, vua Hùng có người con gái xinh đẹp, môi đỏ như hoa, tóc đen như mun, dài như suối, dày như mây tên là Nhữ Nương. Đã đến tuổi cập kề, vua Hùng muốn kén rể nên giao cho công chúa Nhữ Nương 3 quả cầu để công chúa tung cầu kén chồng. Khi công chúa tung quả cầu lên, đã có người bắt được. Nhưng công chúa thấy người đó có tài nhưng kém đức nên xin vua cha cho đi chơi.
Vua cha đồng ý, công chúa mang theo 3 quả cầu cùng 49 người cả nam lẫn nữ đi ngao du sơn thủy. Khi Nhữ Nương và đoàn người vừa ra khỏi cung điện, bỗng dưng có một cơn phong vũ cuốn công chúa cùng 49 người và 3 quả cầu đưa lên trời rồi thả xuống vùng đất lạ. Công chúa nhìn xung quanh thấy bốn bề là núi sông hùng vỹ, sơn thủy hữu tình và cho rằng đó là ý trời, bèn ra lệnh cho mọi người khai hoang lập ấp, làm ruộng, trồng dâu và đặt tên là Viêm trang ấp. Ngày nay không gian đó là làng Diềm.
Sau một thời gian nhân dân khai khẩn ruộng đất, trồng lúa, công chúa đã đi thị sát, kiểm tra tình hình nhân dân làm ăn như thế nào. Công chúa đi đến đâu, mọi người đều làm thơ, hát thành bài với các giai điệu khác nhau và khi hát đều có nam nữ đối nhau.
Để duy trì và phát triển lối hát trên, công chúa đã cho lấy ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm để mọi người dạy cho nhau hát. Từ đó, ngày mồng 6 tháng 2 trở thành ngày hội truyền thống của Viêm trang ấp. Trong các canh hát hàng năm được chia thành 2 nhóm hát nam nữ có tên là “bọn quan họ”. Họ đã say sưa hát đối, hát giao duyên thâu đêm.
Từ khi phong vũ cuốn công chúa cùng 49 nam thanh nữ tú cùng 3 quả cầu về vùng đất này, họ đã kết nghĩa anh em với nhau, coi nhau như ruột thịt nên không được lấy nhau. Công chúa đã dựng vợ gả chồng cho 49 làng khác nhau. Những người nam nữ đi lấy vợ, lấy chồng ở các làng khác lại đem các làn điệu của Viêm trang ấp để dạy hát cho các làng. Những người đó đã trở thành ông trùm, bà trùm quan họ của làng đó. Đó là lý do vì sao các anh hai, chị hai không bao giờ được lấy nhau và vì sao Bắc Ninh chỉ có 49 làng Quan họ. Cũng vì vậy, các làng Quan họ khác chỉ gọi là gốc, còn làng Diềm mới được gọi là làng thủy tổ của Quan họ.
![]() |
Ba quả cầu ngày trước được vua ban, công chúa không dùng để chọn rể mà dùng vào việc cầu mưa thuận gió hòa cho lao động sản xuất. Hội cầu mưa này được làng Diềm gọi là “Hội cầu đảo”. Năm nào trời không mưa, dân làng lại mang 3 quả cầu ra để làm lễ cầu mưa. Hiện, làng Diềm còn lưu giữ 13 sắc phong, 32 đạo sắc còn ghi “Nhữ Nương thiên tử nam nữ Hải đại vương”.
Tìm về với làng Diềm, một ngôi làng cổ đã xốn xang, thổn thức những trái tim hoài cổ, chúng ta sẽ thấy lòng đong đầy tình cảm, tình yêu với một vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Ths Trần Trung Hiếu
(Giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An)