Hội thảo “Làm phim bền vững” là sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án sản xuất phim tài liệu Sinh thái 2021-2022 do Viện Goethe phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (FOUR PAWS Viet).
Trên thực tế từ viết kịch bản, lựa chọn cách thức sản xuất hay phương tiện di chuyển đến địa điểm quay, tiếp cận nhân vật, thậm chí quá trình lựa chọn đồ ăn trong quá trính sản xuất phim… đã có những tác động nhất định đến môi trường. Qua nhiều nghiên cứu đã cho thấy mỗi giờ sản xuất chương trình truyền hình sẽ thải ra 9,2 tấn CO2 và mỗi tấn CO2 thải ra có khả năng làm thay đổi nhiệt độ môi trường và làm tan khoảng 3 mét vuông băng biển. Bởi vậy việc đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và giảm biến đổi khí hậu nói riêng, các nhà làm phim cần quan tâm tham gia và xây dựng các kế hoạch sản xuất phim sao cho hạn chế thấp nhất đến môi trường. Không chỉ họ làm những bộ phim liên quan đến việc bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật mà chính là người thực hành, hướng đến giảm thiểu tối đa đến môi trường trong quá trình sản xuất phim. Chính vì vậy Hội thảo “Làm phim bền vững” sẽ là những câu chuyện về làm phim nói chung và làm phim tài liệu nói riêng của Việt Nam cũng như những thách thức và cơ hội trong việc đảm bảo sản xuất phim bền vững hiện nay.
Cũng tại Hội thảo “Làm phim bền vững”, hai nhóm làm phim trong khuôn khổ “Dự án sản xuất phim tài liệu Sinh thái 2021-2022” sẽ được lắng nghe những trao đổi, chia sẻ giữa các thành viên Ban cố vấn của dự án. Đó là những đạo diễn giàu kinh nghiệm như NSND Nguyễn Như Vũ – nguyên Q.Tổng Giám đốc Hãng phim tài liệu Việt Nam. Anh là đạo diễn của hơn 20 phim và tham gia quay 50 phim đóng góp vào các sự kiện lớn của Việt Nam. Các phim của anh được trao giải thưởng ở nhiều Liên hoan phim trong và ngoài nước, tiêu biểu như phim tài liệu “Người thắp lửa”, bộ phim đạt giải Cánh diều vàng của Hội điện ảnh Việt Nam, Giải ba Liên hoan ảnh, phim tài liệu, phóng sự ASEAN lần thứ nhất. Phim khoa học“Động đất sóng thần - Thảm họa khôn lường”, đạt giải Cánh diều vàng năm 2012. Liên hoan phim về môi trường “Mưa A-xít” đã đoạt giải B v.v..
![]() |
: Hội thảo trực tuyến “Làm phim bền vững”- ảnh: Viện Geothe. |
Hội thảo có sự tham gia của các đạo diễn gạo cội: đạo diễn Phan Đăng Di - nhà làm phim độc lập và là người sáng lập Gặp gỡ mùa thu, một sự kiện điện ảnh quốc tế thường niên tại Đà Nẵng, Việt Nam. Anh đã đưa nền điện ảnh đương đại Việt Nam vang danh quốc tế. Phim “Khi tôi 20” của anh là phim Việt Nam đầu tiên được chọn tranh giải tại Liên hoan phim Quốc tế Venice 2008. “Bi ơi đừng Sợ” từng đoạt hai giải tại Cannes Critic’s Week 2010 và nhiều giải thưởng khác tại nhiều liên hoan phim trên thế giới như Vancouver, Hongkong, Stockholm…Nhà biên kịch- đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt là người đồng sáng lập công ty “Ever rolling films”. Anh đã thực hiện nhiều phim ngắn tham dự và đạt giải tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế như phim “Hạt Cam và Con Mèo Vàng Không Tuổi”; “Bạn Cùng Phòng”. Video nghệ thuật “Eroica 2020” của anh đã triển lãm tại Trung tâm Nghệ Thuật Bozar (Brussels, Bỉ) và Viện Goethe Hà Nội.
Đặc biệt nhằm mang đến những góc nhìn mang tính quốc tế, Hội thảo cũng sẽ có sự tham gia của khách mời đặc biệt, ông Philip Gassmann - Giám đốc và Nhà sản xuất Truyền hình. Với kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực sản xuất phim tại các thị trường của Đức, Pháp và Hoa Kỳ. Và từ năm 2013, Ông đã nghiên cứu, tham gia hội thảo tập huấn tập trung vào sản xuất Phim Xanh, Công nghệ Phim Xanh và Truyền thông Xanh trên mọi khía cạnh của sản xuất phim từ năng lượng, ánh sáng, giao thông, thiết kế, xây dựng, phục vụ ăn uống, tòa nhà, văn phòng, dấu chân carbon. Nhất là kế hoạch sản xuất xanh cũng như kể chuyện và phát triển xanh trong quá trình sản xuất phim. Đó sẽ là những kinh nghiệm, bài học cho các làm phim tại Việt Nam.