![]() |
Bế mạc Liên hoan kịch nói Toàn quốc – 2021 tại TP.HCM |
Mượn tích xưa kể chuyện nay…
Đó là những lát cắt được khắc họa nổi bật trong bức tranh chung của Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tại TP.HCM. Từ đề tài về một gia đình bề ngoài trông hạnh phúc, vẹn toàn nhưng bên trong chỉ toàn là bi kịch; những cặp vợ chồng trẻ chỉ lo cho bản thân, sống ích kỷ, đối xử tàn tệ với đấng sinh thành; rồi câu chuyện mua quan bán chức; hy sinh, mất mát, đau thương trong cuộc chiến chống dịch Covid-19…
Đơn cử như vở kịch dân gian Chuyện làng (tác giả Ngọc Trúc, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt) là một bất ngờ lớn tại Liên hoan Kịch nói năm nay. Truyện kể về ngôi làng mang tên Hồng Phúc với ba dòng họ lớn là Vương, Lê và Nguyễn. Theo truyền thống, cứ 3 năm sẽ thay đổi vị trưởng làng, lần lượt ba dòng họ này sẽ thay phiên nhau đảm nhận chức vị. Xung đột xảy ra khi các họ quyết đấu đến cùng để giữ chức trưởng làng vĩnh viễn. Những thói hư tật xấu đã được bộc lộ ra như chạy chọt, hối lộ quan trên, thậm chí còn gài bẫy để dòng họ khác bị phạm tội… Nhưng cuối cùng tiền mất tật mang, đến lúc này ba dòng họ mới nhận ra, cùng đoàn kết chống lại bọn tham quan, giữ bình yên cho dân làng.
Vở kịch Chuyện làng với tiết tấu nhanh, tươi sáng và lối diễn tung hứng, nhuần nhuyễn của các nhân vật đã mang đến màu sắc tươi mới cho Liên hoan Kịch nói. Đặc biệt, câu chuyện kịch với cách mượn chuyện xưa nói chuyện nay, khi mà nạn tham quyền cố vị, muốn ngồi ghế to thật lâu của các quan tham đã được lồng ghép, chuyển tải đến người xem.
![]() |
Hình ảnh một trích đoạn vở kịch tham dự Liên hoan |
Và vở Câu hò đất Mẹ (tác giả Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn Hoàng Duẩn) lại là câu chuyện kịch khắc họa hình tượng nghệ thuật của hai chiến sĩ Cộng sản trẻ Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong. Đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ, đối tượng khán giả mà vở kịch hướng đến là sinh viên, cho nên, mặc dù là kịch cách mạng nhưng được dàn dựng thật trẻ và đời để chính các bạn thấy được mình trong những tấm gương của người đi trước. Đây cũng là một vở kịch mang hơi thở cuộc sống của thế hệ trẻ và sau Liên hoan, vở sẽ biểu diễn tại một số trường đại học trên địa bàn TP.HCM.
Bên cạnh đó có những đề tài về gia đình Nắng chiều (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - Quốc Thảo) nói về hoàn cảnh của ba người bạn già rời quê, theo con cái lên Sài Gòn sinh sống. Câu chuyện của ba gia đình, ba người già trong Nắng chiều không xa lạ trong nhịp sống thành thị, khi mà vật chất, mưu sinh đã khiến nhiều người đối xử với cha mẹ mình một cách vô tình đến mức vô tâm. Vở diễn đã xoáy sâu vào thế hệ trẻ - mải lo toan cuộc sống mà quên đi cha mẹ mình. Qua kịch, người xem thấy được đâu đó hình ảnh của chính mình, từ đó chạnh lòng, hoặc biết nhìn lại, điều chỉnh những sai lầm trong ứng xử.
Song song là vở kịch Mảnh vỡ (tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt). Vở kịch là câu chuyện gia đình thời hiện đại, với những bi kịch khó giãi bày, người trong cuộc vì những quy tắc của gia phong, lễ giáo mà chấp nhận sống trong một vòng kìm kẹp của hôn nhân, để rồi đều đau khổ, dằn vặt…
Đặc biệt là vở Blouse trắng (tác giả Miên Thảo, đạo diễn Hữu Tiến) đã gây xúc động cho người xem về câu chuyện hy sinh của lực lượng y tế nơi tuyến đầu trong cuộc chiến Covid-19. Bởi vở kịch đã phác họa hình ảnh một nữ bác sĩ kiên cường trong cuộc chiến chống Covid vô cùng cam go. Thông qua vở kịch các nghệ sĩ muốn gửi lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ y bác sĩ và những nghĩa cử cao đẹp, trái tim nhiệt huyết của lực lượng tình nguyện viên, đã không ngại khó khăn, hỗ trợ đắc lực, mang nhiều phần việc có ý nghĩa đến cộng đồng trong cuộc chiến chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
…hứa hẹn sân khấu trở lại
Vào tối ngày 17-1, liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021 tại TP.HCM đã bế mạc. Liên hoan lần này đã quy tụ 20 đơn vị sân khấu tại TP.HCM với 26 vở diễn và gần 800 nghệ sĩ, diễn viên tham gia. Phát biểu đánh giá chất lượng chuyên môn của Liên hoan, NSND Trần Minh Ngọc - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết, liên hoan Kịch nói lần này cho thấy nỗ lực rất lớn của sân khấu phía Nam, lòng yêu nghề của nhiều thế hệ diễn viên khao khát, tìm tòi, sáng tạo cho dù đang trong cơn đại dịch Covid-19 hoành hành. "Hội đồng đánh giá cao những nội dung kịch được thể hiện có nghề, diễn đạt ý tưởng rõ ràng, sâu sắc trong những tìm tòi nghệ thuật, hình thức phù hợp nội dung", NSND Trần Minh Ngọc cho biết thêm.
Phát biểu bế mạc Liên hoan, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban chỉ đạo đã nhấn mạnh: "Tôi biểu dương các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao đã dành sự quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn nên đưa tới Liên hoan nhiều vở diễn có chất lượng. Việc nhiều đơn vị phải cố gắng vượt bậc để có vở diễn tham gia Liên hoan là một điều đáng mừng, đáng trân trọng. Bên cạnh đó, cũng thấy rõ sự chênh lệch về trình độ chuyên môn giữa những diễn viên được đào tạo bài bản, chính quy với những diễn viên chỉ mới được học ở các trung tâm hoặc chưa qua một lớp đào tạo nào. Việc này đòi hỏi Ban Tổ chức cần có Quy chế phù hợp để đảm bảo và nâng cao tính chuyên nghiệp cho các cuộc Liên hoan lần sau".
![]() |
40 Huy chương Vàng được trao cho diễn viên |
Kết thúc Hội diễn, Ban tổ chức đã trao 6 Huy chương Vàng, 5 Bạc và 8 Đồng cho vở diễn. Giải Đạo diễn xuất sắc nhất trao cho Huỳnh Công Duẩn (vở Câu hò đất Mẹ), Tác giả xuất sắc nhất thuộc về Nguyễn Thanh Bình (Mưa bóng mây), Nhạc sĩ xuất sắc nhất là NSƯT Hồ Văn Thành (Thành phố tình yêu) và Họa sĩ xuất sắc nhất Trần Hồng Vân (Khúc nguyệt cầm). Ngoài ra, Liên hoan còn trao giải Nhà thiết kế trang phục xuất sắc nhất, được trao cho nhà thiết kế Sĩ Hoàng (vở Khóc giữa trời xanh) và Diễn viên nhỏ tuổi nhất cho diễn viên Gia Huy (vở Lạc giữa biển người),
Hạng mục Diễn viên đã có 40 Huy chương Vàng, 46 Bạc và 19 Đồng. Các diễn viên đạt Huy chương Vàng có Việt Hương, NSƯT Ngọc Trinh, NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Hoài Linh, NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Thành Hội, NSƯT Cao Đức Xuân Hồng, Lê Giang, Nam Thư, Trần Thị Như Huỳnh, Võ Ngọc Thi, Lê Lộc, Phạm Huy Thục, Puka, Thuận Nguyễn, Hòa Hiệp, Tuấn Dũng,...
Như vậy với 2 năm hoạt động cầm chừng vì dịch bệnh, ê kíp đã nỗ lực vượt qua khó khăn để tham gia Liên hoan và đạt được những thành công nhất định. Và mong muốn những vở diễn trong Liên hoan sẽ quay trở lại trong dịp Tết Nguyên đán sẽ thu hút được nhiều khán giả đến với sân khấu.