Trong những phòng học nhỏ nhắn, ngăn nắp của tại Trung tâm công tác xã hội Măng non, phường Quang Trung, TP Uông Bí, chúng tôi nghe tiếng nô đùa của các bạn nhỏ khi cùng nhau chơi đồ chơi xếp hình, phân loại đồ vật, cùng tập một bài vận động đơn giản. Nhìn sự hồn nhiên, ngây ngô, đáng yêu ấy, không ai có thể nghĩ, các em nhỏ ở đây mang trong mình hội chứng tự kỷ...
![]() |
Trung tâm công tác xã hội Măng non tại TP Uông Bí, Quảng Ninh. |
Hiện tại, trung tâm công tác xã hội Măng non tại TP Uông Bí có khoảng 40 cháu theo học, trong đó có cháu tự kỷ, cháu chậm nói, cháu tăng động giảm chú ý, cháu khuyết tật trí tuệ, mất điều khiển ngôn ngữ lời nói. Viêc chăm sóc trẻ tự kỷ diễn ra không hề dễ dàng. Do trẻ mắc hội chứng tự kỷ nên khả năng nghe, hiểu ngôn ngữ, khả năng tự phục vụ bản thân kém, một số trẻ rối loạn giác quan, không kiểm soát được hành vi.
![]() |
Tùy từng độ tuổi, tùy bệnh lý các cô giáo có phương pháp riêng. |
Những hoạt động đơn giản như ăn, ngủ, học, chơi ở lứa tuổi mầm non lại là thử thách với các em. Các giáo viên tại Trung tâm công tác xã hội Măng non phải xây dựng các nội dung rèn luyện chung, đồng thời tùy theo tình trạng của từng trẻ để áp dụng hình thức can thiệp riêng. Mục đích là rèn cho các em những kỹ năng học, giao tiếp xã hội, vận động, tự chăm sóc, chơi, giảm bớt các hành vi bất thường.
Trao đổi với phóng viên Bà Phạm Thị Khánh Linh, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội Măng non cho biết: “Tại mỗi buổi học, các giáo viên sẽ triển khai dạy giờ cá nhân, hình thức 1 cô - 1 trò. Hoạt động chăm sóc, can thiệp được tiến hành với sự thấu hiểu, tôn trọng khác biệt của các em để cùng trẻ vượt qua khó khăn. Đồng thời, trên cơ sở áp dụng các phương pháp giáo dục AAC (giao tiếp đa phương tiện) và ABA (phân tích hành vi ứng dụng), điều hòa giác quan cho trẻ, âm ngữ trị liệu, giáo dục sớm… giáo viên xây dựng các nội dung rèn luyện chung, đồng thời tùy theo tình trạng của từng trẻ để áp dụng hình thức can thiệp riêng. Mục đích là rèn cho các em những kỹ năng học, giao tiếp xã hội, vận động, tự chăm sóc, chơi, giảm bớt các hành vi bất thường.
![]() |
Cô giáo kèm trẻ tự kỷ học. |
Bà Phạm Thị Khánh Linh tâm tư: “Với gần 10 năm gắn bó với việc dạy trẻ tự kỷ tại địa bàn TP Uông Bí trải qua nhiều kỷ niệm vui buồn. Cũng là giáo viên, nhưng công việc ở đây không đơn thuần như những giáo viên bình thường. Đối tượng các cô dạy là những đứa trẻ không may mắn mắc chứng tự kỷ, không tiếp xúc với ai, hoặc quậy phá, có những em chậm nói, không nhận biết những điều xung quanh.Vì vậy, ngoài kỹ năng chuyên môn, sự kiên nhẫn, nhiệt tình, các cô còn mang trong mình tình thương, lòng yêu nghề, từ đó mới có thể giúp trẻ hòa nhập, tiến bộ”.
Bà Linh bày tỏ mong muốn trong thời gian tới rất mong nhận được sự quan tâm đồng hành nhiều hơn nữa từ cộng đồng, các tổ chức xã hội, bởi nơi đây có nhiều em nhỏ mắc bệnh tự kỷ có hoàn cảnh đáng thương, gia đình kinh tế đặc biệt khó khăn…
![]() |
Đội ngũ giáo viên tại Trung tâm công tác xã hội Măng non. |
Nhìn cách bố trí lớp học cho các nhóm, phòng cá nhân và sân chơi cùng cách dạy dỗ các em mới thấy hết được tâm huyết của các cô giáo nơi đây. Bằng kỹ năng, kiến thức chuyên môn cũng như tấm lòng yêu trẻ, tinh thần trách nhiệm, những giáo viên ở những lớp học “đặc biệt” này luôn nỗ lực để có thể đồng hành cùng các em nhỏ trong những bước phát triển đầu tiên, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng./.