![]() |
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VIESARD Hà Công Tuấn khẳng định: Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn thực hiện Luât Đất đai hiện hành và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, VIESARD thấy rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế các định hướng, chủ trương của Đảng, mà trực tiếp là tại Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển đất nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào các nhóm vấn đề chính như phân loại nhóm đất nông nghiệp; quy hoạch sử dụng đất; thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; đất có nguồn gốc nông, lâm trường, và tập trung, tích tụ đất nông nghiệp.
![]() |
Các đại biệu tham gia tại Hội Nghị |
Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào các nội dung về quy định, chế định pháp lý có liên quan về đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất chăn nuôi, đất xây dựng các công trình thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, đất làm muối; Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất.
Tham luận tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Mai Hiên nhận định, Luật Đất đai sửa đổi nếu được thông qua sẽ tác động tới 7 Luật chuyên ngành của lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cụ thể: 07 Luật chuyên ngành trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bị tác động do các điều khoản tại Luật Đất đai sửa đổi nếu được thông qua, gồm các Luật: Lâm nghiệp; Trồng trọt; Đê điều; Phòng, chống thiên tai; Chăn nuôi; Thủy sản; Thủy lợi.
“Để đảm bảo cơ sở thực hiện, giải quyết được các vướng mắc, chồng chéo hiện nay của Luật Đất đai với các Luật chuyên ngành, việc sửa Luật cần phải tiệm cận, thống nhất với các Luật chuyên ngành khác khi áp dụng nguyên tắc pháp luật tại Điều 4 của Dự thảo” - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Thị Mai Hiên phát biểu.
![]() |
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Mai Hiên |
Theo Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, nhiều nội dung góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được cơ quan chủ trì (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tiếp thu, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội. Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa được tiếp thu, chỉnh sửa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đề nghị chỉnh sửa tại Dự thảo Luật.
Cụ thể: về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, Dự thảo Luật hiện nay đang mở rộng quy định chế độ, đối tượng sử dụng, hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, chuyển mục đích đất nông nghiệp nói chung (bao gồm cả đất trồng lúa, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên), nội dung này cần tiếp tục thể chế cụ thể, đảm bảo thực hiện theo đúng tính thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên…Theo đó, đề nghị cần thể chế nội dung này.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Dương Văn Xanh UV Ban chấp hành Hội Khoa học Kinh Tế Nông Nghiệp và PTNT Việt Nam cho rằng tại điều 62 Thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp là 10 năm’’. Tuy nhiên theo ông kiến nghị: ‘’Nên quy định thời kỳ quy hoạch các cấp khác nhau do tính chất quy hoạch ở mỗi cấp khác nhau’’. Cũng theo PGS.TS Dương Văn Xanh tại điều 73 công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện. Kiến nghị: Không chỉ niêm yết ở cấp xã vì gần dân nhất và không phải chỉ treo cái sơ đồ là xong, mà phải tuyên truyền, thông báo, mời các doanh nghiệp, nông dân ra xem họ ở vị trí nào và hợp lý chưa? Họ có thắc mắc không?...
![]() |
TS Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện quản lý và phát triển nông thôn, trường ĐH Lâm Nghiệp |
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện quản lý và phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm Nghiệp cho rằng. Liên quan đến điều 14, 15 chủ sở hữu và cơ quan đại diện quyền chủ sở hữu chưa được hợp lý. Trong quyền định đoạt ở điều 14 không phải tất cả nội dung đều thuộc vai trò chức năng chủ sở hữu của Nhà nước, còn có chức năng quản lý xã hội. Nhà nước cũng có quyền định đoạt một số nội dung như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Một số vấn đề về giá bồi thường, người dân cần được quyền đàm phán giá bồi thường, có quyền đưa ra ý kiến về giá bồi thường đất, thể hiện vai trò chủ sử dụng và sở hữu toàn dân.
Từ đó, TS. Nguyễn Bá Long đề xuất, thành phần hội đồng thẩm định giá đất phải có đại diện của Hội đồng nhân dân. Như vậy mới đảm bảo tính độc lập, khách quan, cơ chế giám sát và hạn chế quyền lực tập trung vào cơ quan quản lý hành chính như hiện nay. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác tại địa phương nơi có đất bị thu hồi thì được Nhà nước bố trí tái định cư thông qua hình thức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất; được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở theo quy định của pháp luật.
![]() |
Nhân dịp này Tổng Cục lâm nghiệp Việt Nam cũng đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp với Viện Khoa học kinh tế Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam./.