"Mắt bão" là những thước phim Tài liệu ghi lại chân thực hành trình thương đau của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, vùng đất phồn hoa và xinh đẹp của đất nước khi trải qua cơn bạo bệnh đại dịch COVID-19. Trên hết đó là nỗ lực của cả dân tộc cùng chung tay cứu Sài Gòn và chứng kiến cuộc tái sinh ngoạn mục trong tình yêu đất nước, tình người cao đẹp.
Phim tài liệu “Mắt bão” được Hội đồng thẩm định và người xem đánh giá cao từ ý tưởng, bố cục, kết cấu, những phân cảnh, mạch truyện, nhân vật trong phim đến âm thanh, âm nhạc... Tất cả đều thể hiện sự chuyên nghiệp và đẳng cấp”, đạo diễn-NSƯT Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.
Bài 1: Xả thân trong đại dịch để kịp thời ghi nhận một cơn bạo bệnh kinh hoàng đối với dân tộc
Nói về phim Tài liệu "Mắt bão", đạo diễn - NSƯT Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương, chia sẻ với Tầm Nhìn: “Bộ phim Tài liệu “Mắt Bão” được thực hiện tại TP.HCM trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát vô cùng dữ dội, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng tại một thành phố năng động nhất cả nước. Thành phố đã kiên cường đối diện với đại dịch và dũng cảm vượt qua nó bằng tất cả tâm sức với sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Điều này được đạo diễn truyền tải qua những câu chuyện, nhân vật cụ thể với cách tiếp cận chân thực và sinh động nhất”.
![]() |
Sài Gòn- TP.HCM trong mắt bão COVID-19- phim tài liệu Mắt bão- Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương |
“Khi nhận nhiệm vụ của Bộ VH-TT-DL, Cục Điện ảnh, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, chúng tôi đã nhận thức rõ trách nhiệm của những người làm phim tài liệu, không ngại gian khó, hoàn thành tác phẩm tốt nhất có thể như một cách tri ân tới nhân dân, các lực lượng phòng chống dịch COVID-19 tại TP. HCM cũng như cả nước”, ông Tuấn nói.
![]() |
Đường phố giới nghiêm không một bóng người- một cảnh trong "Mắt bão" |
Ý tưởng là như vậy nhưng thực tế khi dấn thân vào trung tâm đại dịch, chứng kiến cảnh một đô thị phồn hoa tấp nập vào hàng nhất Đông Nam Á bỗng trở nên tang thương, chết lặng trong cơn bão COVID-19, những người làm phim đã không khỏi choáng váng, thậm chí “sốc nặng”. Sài Gòn đứng yên, Sài Gòn đau ốm và tê liệt. Mọi dấu hiệu sinh tồn bình thường của một đô thị bỗng không còn thấy nữa. Những người “cứu” Sài Gòn và cả những người truyền thông, làm phim... cũng phải hoang mang, còn phải tư duy lại từ đầu để thích ứng và hoàn thành nhiệm vụ.
“Mặc dù chúng tôi đã có kinh nghiệm tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 khi thực hiện bộ phim “Cuộc chiến không giới hạn” tại Mê Linh, Hà Nội, nhưng khi đặt chân tới TP. HCM trong giai đoạn khốc liệt nhất của đại dịch COVID-19 chúng tôi vẫn bị sốc trước những gì mình chứng kiến. Nó vượt ra ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Những gì dự kiến từ ý tưởng, thông điệp của phim, mạch truyện, nhân vật v.v... đều phải thay đổi theo những diễn tiến vô cùng khó lường của thực tiễn.
Vì tác nghiệp trong vùng dịch nên chúng tôi phải hạn chế tối đa về nhân sự và trang thiết bị để đảm bảo an toàn và cơ động. Bên cạnh đó, đoàn làm phim phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng chống dịch bệnh. Tác nghiệp trên một địa bàn rộng từ xóm lao động đến các nhà người dân, từ bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức COIVD-19 đến các đơn vị quân đội... là một thách thức lớn. Chúng tôi gặp khó khăn khi phải bám sát nhiều tuyến truyện và nhân vật như: cộng đồng dân tộc Chăm Hồi Giáo quận 8, những gia đình người lao động nhập cư, hay những gia đình có người thân bị tử vong vì COVID-19, hay các lực lượng phòng chống dịch như y tế, tình nguyện viên, quân đội v.v... NSUT Quang Tuấn nhớ lại.
Đất nước oằn mình đau thương và kiên cường vượt qua
Bộ phim mở đầu với hình ảnh nữ nghệ sĩ đàn vĩ cầm từ trên cửa sổ một căn phòng cao cao nhìn xuống những dãy phố dài vắng lặng. Giọng đàn vừa du dương, vừa réo rắt tựa như khúc Thánh ca tiễn biệt những nỗi đau và khích lệ những ai vẫn còn đang kiên cường giành giật lấy sự sống từ tay tử thần.
![]() |
Cụ ông tuổi cao nhất đã chiến thắng COVID-19: nhân vật trong "Mắt bão" |
Nhân vật dẫn chuyện là một người đàn ông tóc đã hoa râm. Anh mải miết chạy xe máy - phương tiện hiệu quả nhất lúc đó, đến thăm cha mình, mang theo bình ô xy và thuốc mới để ông cụ thay thuốc. Cha của anh, vẫn đeo ống thở ô xy, run rẩy dùng bàn tay già nua lau nước mắt khi thấy con trai đốt nén hương dâng lên bàn thờ cho người mẹ vừa qua đời vì đại dịch. Cả gia đình 4 người bị dương tính với virus chủng Delta - chủng bệnh hung bạo nhất và lây lan nhanh chóng nhất. Trong đó, hai cụ già đều tuổi đã cao, sức yếu lại nhiều bệnh nền. Phim không một lời nói đến cụ bà như thế nào, nhưng di ảnh và nỗi đau cố kìm nén của người thân thể hiện qua góc quay rất nhỏ cũng có thể hé lộ ra một quá trình đau thương. “Lúc đó đau đớn đến mức không còn muốn sống nữa”, cụ ông run run quệt nước mắt.
Nhưng cụ ông - người cao tuổi nhất trong gia đình vẫn ở lại. “Hôm trước vừa hỏi thì bảo bà bình thường, hôm sau hỏi lại thì bảo bà đã đi rồi’. Những gì người thân nhận lại chỉ là hộp carton chứa bình gốm đựng tro cốt của bà. Một con người đang khỏe mạnh cứ thế mất đi như vậy. Trong hoàn cảnh mọi thứ gần như đứng yên để đảm bảo phòng dịch lây lan, nghi thức an ủi người quá cố cũng vô cùng giản tiện: một cái bàn thờ đặt vội, một chỗ nhỏ nhoi trong ngôi chùa chật cứng những di ảnh người mới mất, diễm hạnh thêm được bát cơm, quả trứng. Người thân chỉ có thể lo được hình thức đơn giản tối thiểu để an ủi vong linh người mẹ. Có nỗi đau nào thấm thía hơn khi người con bất lực không thể làm gì cho giây phút tiễn đưa mẹ? Lời kể của nhân vật tưởng như đều đều nhưng nỗi đau dồn nén vời vợi trong đôi mắt, nét mặt và mái tóc rối tung nhiều sợi trắng hơn đen của người con trai mất mẹ...
![]() |
Theo dõi tình hình cứu chữa người bệnh ở Trung tâm Hồi sức tích cực của BV Bạch Mai tại TP.HCM - cảnh trong phim "Mắt bão" |
Phim có những cảnh quay hối hả, nhưng là sự bận rộn vội vàng của Trung tâm Hồi sức tích cực của BV Bạch Mai thành lập cấp tốc để cấp cứu người bệnh. Phòng cấp cứu tấp nập nhân viên y tế qua, lại. Đứng trước tử thần, họ vẫn đồng hành cùng bệnh nhân. Không giống như ở nơi khác- bệnh nhân phải ở phòng cách ly và bác sĩ dùng robot điều khiển mang thuốc vào phòng áp lực âm. Những thước phim ở đây đã cho thấy một tinh thần quả cảm của những chiến sĩ áo trắng ở tuyến cuối - nơi bệnh nhân nặng nhất được chuyển đến, nỗ lực giành giật từng cơ hội sống. “Cũng có mệt mỏi, cũng có quá tải, cũng có áp lực, nhưng mà hầu hết anh chị em từ khối lâm sàng cho đến khối hậu cần, hành chính đều cố gắng hết sức. Có bệnh nhân mang theo cả vòng vàng, trang sức, nhẫn cưới, sổ đỏ vì “Nhà chả còn ai nữa cả”... Có bệnh nhân khi vào đã hôn mê, từ đầu đến cuối chỉ im lặng. Hơn 2 tháng chứng kiến mọi hoàn cảnh... trải qua tận cùng nỗi đau thương, chúng tôi vẫn phải kiên cường vì sự hồi sinh của thành phố này, vì ngày trở về. Đằng sau chúng tôi còn là hậu phương, là gia đình thân yêu...”.
Phim cũng ghi nhận cảnh những em bé ra đời giữa đại dịch, trong hoàn cảnh mẹ bị nhiễm COVID-19. Vừa ra đời bé đã bị tách khỏi mẹ. Sinh ly cũng có thể là tử biệt. Bởi có những em chưa kịp nhìn thấy mẹ, không kịp chào nhau đã được đưa đi cách ly, rồi mãi mãi về sau, không còn được gặp mẹ nữa.
![]() |
Các bác sĩ BV Hùng Vương đưa các em bé sơ sinh về với gia đình người thân |
Khi sự sống mới ra đời, ở hoàn cảnh bình thường, cả đại gia đình sẽ tập trung chào đón thành viên mới. Những em bé ở BV Hùng Vương trong "tâm bão" thì được các nhân viên y tế bế trên tay, được nằm trong những chiếc xe nôi của bệnh viện, hay của các siêu thị quyên tặng, được chăm sóc bởi những bàn tay y, bác sĩ. Những cái đầu nhỏ cứ ngoảnh qua, ngoảnh lại trước ống kính camera, đôi mắt đen đen nhìn lơ nhìn láo. Bé không nói được. Nhưng câu hỏi “Mẹ ở đâu” cứ ám ảnh người xem. Để rồi ở phần cuối phim kia, trên những chiếc xe chở bệnh nhân, các thiên thần áo trắng đưa em về sống với những người thân, họ hàng còn sống. Có những em bé đã không được trở về trong lòng mẹ...
![]() |
Cộng đồng người Hồi giáo An Giang ở TP. HCM cầu nguyện sự bình an trong đại dịch - cảnh trong phim "Mắt bão" |
Nhịp sống bình thường thay đổi đột ngột khi đại dịch ập đến. Sinh hoạt tôn giáo thường nhật của cộng đồng Hồi Giáo An Giang ở TPHCM bỗng trở nên khó khăn và đan xen nhiều hành vi kỳ lạ để phòng lây bệnh. “Hơn 20 người qua đời vì đại dịch. Cộng đồng chúng tôi mất nhiều người hơn nơi khác, vì ở đây mọi người gần gũi nhau quá, thương nhau quá... Bây giờ cùng nhau chết”.
Nỗi đau tăng gấp nhiều lần khi những người mất phải chịu hỏa táng, trong khi theo quan niệm tôn giáo ăn sâu bén rễ ở đây là người mất phải được thủy táng hoặc chôn cất. Cũng vì những cấm kị về tôn giáo, dù đã nhận được tiếp tế lương thực của cộng đồng, nhưng vì không phù hợp, nên họ lại chia sẻ cho người khác. Trong điều kiện ngặt nghèo, vừa phải duy trì sinh tồn, vừa đảm bảo không phạm giới luật, họ gặp khó khăn hơn người bình thường rất nhiều.
Phim trung thực đến tận cùng với phân cảnh y bác sĩ quấn bệnh nhân đã mất vào những bao nilon màu trắng, dán kín băng dính và khiêng lên xe điện chở đi lặng lẽ trong âm thanh tít tít chậm chạp của chiếc máy đã không còn kết nối sự sống.
![]() |
Những cỗ quan tài carton được đưa vào máy hỏa táng điện để rồi trả lại đám tro tàn. Một con người cứ thế biến hóa. Một lần nữa, xương cốt phải khử khuẩn, đóng hộp, chở đi. Hành trình trở lại trên những chiếc xe điện lặng lẽ, họ nằm gọn trong lòng nhân viên mặc đồ bảo hộ trắng. Một nén nhang chung cho tất cả những người nằm xuống vì dịch bệnh.
![]() |
Đưa tro cốt bệnh nhân trở về |
Nhiệm vụ bình thường của một bác sĩ là chữa bệnh cứu người. Tại TP.HCM lúc đó, mọi nỗ lực của bác sĩ đều dành để cứu sống bệnh nhân. Trước đây, hầu hết các bệnh nhân đến với họ trong tình trạng ốm đau, thương tật, và được tiễn ra về với nụ cười trên môi. Nhưng trong “ngày bão”, có những nhân viên y tế của Trung tâm Hồi sức tích cực BV Việt Đức tại TP HCM lại phải thường xuyên làm một việc là kết nối với thân nhân người bệnh để thông báo tin buồn, phương thức an táng và hỏi địa chỉ tiếp nhận lại tro cốt. Dù chỉ qua điện thoại, nhưng giọng nức nở ngắt quãng của người chồng cố gắng mà không thể nói rõ địa chỉ quê nhà cho nhân viên y tế đã khiến cho cả nhân vật trong phim và người xem không thể cầm được nước mắt.
![]() |
Y bác sĩ báo tin buồn, hình thức mai táng và vận chuyển tro cốt cho người nhà bệnh nhân |
Dù đã quen với những vô thường trong bệnh viện tuyến cuối, những y bác sỹ nơi đây vẫn phải lau nước mắt “Tôi hy vọng càng có nhiều bệnh nhân trở về khỏe mạnh, không muốn nhìn thấy nữa những câu chuyện thế này”.
![]() |
Lễ cầu siêu tập thể được tổ chức hàng tuần tại khu nhà bảo quản thi hài bệnh nhân tử vong vì COVID-19 |
Những thước phim ghi lại đại lễ cầu siêu được tổ chức hàng tuần trước những dãy nhà xưởng chứa container gắn thêm dàn lạnh để lưu giữ xác người mất vì COVID-19 chờ đến lượt hỏa táng. Trong tiếng kinh cầu siêu, nhân viên y tế đốt những tờ tiền giấy. Dù thân nhân họ không thể đến để lo an táng, các vong linh vẫn được an ủi phần nào vì cộng đồng thay họ làm tất cả các cuộc tiễn đưa.
Trời Sài Gòn đỏ lên như màu máu. Trong ánh hoàng hôn, tiếng vĩ cầm trở lại, thê lương...
(Còn tiếp)