Bài 2: Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh tái sinh trong tình yêu đất nước, con người
Tình yêu vẫn có sẵn trong mỗi con người. Nhưng trước sự bận rộn, hối hả của cuộc sống, nó chìm xuống, đôi khi là ngủ yên. Khi đại dịch tràn qua, mọi sự lắng xuống thì tình yêu thương lại được đánh thức. Nó hối hả kết nối đồng loại. Nó thôi thúc những con người có lương tri hành động. Họ san sẻ những gì mình có. Họ che chở đùm bọc cho nhau. Luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau. “Thấy người khác khó khăn, ai giúp được thì giúp hết sức, không bỏ sót ai hết”. Nhiều người đã nhiễm bệnh, đã ngã xuống trong khi đi cứu trợ như anh chủ quán cơm không đồng, ca sĩ Phi Nhung... Nhưng không ai chùn bước. Một người ngã xuống tiếp sức thêm cho hàng ngàn người khác.
![]() |
Gạo cứu trợ cho đồng bào TP.HCM trong tâm dịch |
TP.HCM lúc đó đã nhận được sự sẻ chia giúp đỡ từ khắp cả nước. Những bệnh viện gửi cả nhân viên y tế và trang thiết bị, lương thực thực phẩm vào để tăng cường chống dịch. Những sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường, những người vợ, người chồng mới kết hôn còn trẻ măng, những người cha, người mẹ con vẫn còn nhỏ dại... Họ giã biệt người thân, gia đình... lao mình vào tâm bão đại dịch với tâm thế gần như thời chống chiến tranh “Một xanh cỏ, hai đỏ ngực”. Trong hơn hai tháng ròng, đợi họ là những bữa cơm nguội lạnh sau những giờ đồng hồ chiến đấu như sôi trong phòng cấp cứu, cả thân thể ướt sũng mồ hôi vì bị bó chặt trong bộ đồ bảo hộ kín mít giữa cái nóng xứ nhiệt đới; Là những phút bất lực vì thuốc men, thiết bị cạn kiệt chưa kịp bổ sung, đến cây kim cũng không đủ để phục vụ cứu chữa bệnh nhân...
Khi họ đã mỏi mệt, những đoàn quân lại tiếp nối, dòng cứu trợ, cứu viện, hàng hóa cứ kéo chảy mãi về Sài Gòn. Quân đội và Công an - lực lượng chuyên nghiệp, nhanh và mạnh đã trở thành dòng máu mới tiếp thêm cho bệnh nhân Sài Gòn. Sài Gòn yên tâm đứng yên chữa bệnh.
![]() |
Trả lại di vật cho người nhà bệnh nhân - cảnh quay trong phim "Mắt bão" |
Cuộc chiến gần đến hồi cuối. Vẫn còn những người ra đi. Hàng trăm nhân viên y tế cũng nhiễm bệnh. Nhưng họ không còn cô đơn, lặng lẽ như trước. Những bệnh viện dã chiến lần lượt hết bệnh nhân, đóng cửa. Công việc sau cùng là tìm và trả lại di vật cho người thân, đưa tro cốt về với những gia đình.
Người ra viện với nụ cười mỏi mệt. Người còn phải vật lộn từng ngày với di chứng hậu COVI-19. Nhưng tất cả không ngăn được sức mạnh của tình yêu cuộc sống. Sài Gòn lại hồi sinh. Đau thương đi qua. Thêm rất nhiều ban thờ lập vội. Trong tang lễ tập thể tại các ngôi chùa, những người xa lạ thắt hộ cho nhau những vòng khăn trắng. Người sống gạt nước mắt đứng lên. Người dìu người oằn mình đau khổ. Họ nghe như nuốt từng lời vị sư trụ trì đại lễ cầu siêu “Phật dạy, chết không phải là hết. Chết chỉ là chuyển qua một đời sống khác, lâu dài vĩnh viễn hơn”.
Những bao gạo nghĩa tình tiếp tục được đưa đến tận cộng đồng, lối xóm để hỗ trợ những con người đã kiệt quệ rất lâu vì bệnh dịch.
![]() |
Em bé sơ sinh được đón về với người thân sau một thời gian dài chờ đợi tại khu cách ly |
Những mầm non sơ sinh được đón về trong vòng tay người thân sau những ngày cách ly dài đằng đẵng. Có lẽ chưa có cuộc chăm sóc sau sinh nào kéo dài đến vậy. Nhiều em tóc đã xanh, biết làm rất nhiều việc. Ngày hội ngộ tuy không đầy đủ, nhưng vẫn ngập tràn tình thương yêu.
![]() |
Cái chết chỉ là chuyển qua một đời sống khác, lâu dài vĩnh viễn hơn |
Bài hát “Khi cơn đau đi qua” của nhạc sỹ Nguyễn Như Huy ngân lên ở đoạn cuối phim như khúc khải hoàn về tình yêu chiến thắng trận chiến bệnh dịch bạo tàn: “Khi thương đau đi qua, là khi người biết yêu thương người. Khi thương đau đi qua là khi người thấy sâu nơi tim người tình yêu tựa khúc than không chấp nhận tàn lụi. Khi thương đau đi qua, lần đầu tiên người thấy ra khuôn mặt nhau như đang soi trong gương. Từng khuôn mặt giống như đang đau buồn mà tận thẳm sâu vẫn sáng lên bao hy vọng. Dù cái chết mạnh nhường nào, dù bao dáng mộ gục đầu, người vẫn cứ tìm về người. Dù có lúc người lạc người, thì vẫn biết người còn đời thì sẽ có ngày bầu trời sẽ biếc xanh. Cỏ hoa biếc xanh. Cùng bao mắt xanh kia... biếc xanh. Khi thương đau qua đi là khi người thấy con tim bình yên. Này bình yên chẳng giống như ngày bé thơ, ngoài bình yên còn có khi cơn giông giật mù trời”.
![]() |
Yêu thương đong đầy, con người lại đắp xây hạnh phúc, tìm lối cho tương lai |
Đường phố dần đông lên bởi những người được tiêm chủng COVID-19 được phép đi lại. Sức sống của thành phố dần trở lại. Những con phố ngày một rộn ràng hơn. Người với người lại yêu nhau, cùng đắp xây hạnh phúc.
Sau cơn bệnh nặng, Sài Gòn lại trỗi dậy với sức mạnh mới. Nhưng trưởng thành hơn. Thấm thía hơn.
Tâm sự không thể quên của những người làm phim
Để có được những thước phim Tài liệu chân thực quí giá, những khoảnh khắc xuất thần, những xúc cảm tột cùng, những câu chuyện kỳ lạ... đoàn làm phim phải len lỏi khắp thành phố, dấn thân trong làn sóng kinh khiếp của đại dịch COVID, chấp nhận sẻ chia mọi thiếu thốn, khó khăn và cả nguy cơ nhiễm bệnh, chết người.
![]() |
Bầu trời Sài Gòn lại biếc xanh sau cơn bão và lại vang lên tiếng vĩ cầm |
Khoảnh khắc khi ghi hình ảnh các nhân viên y tế đang quấn xác bệnh nhân tử vong vì COVID-19 và chuyển tới container được lắp thêm máy lạnh giữ xác, trong lúc bên cạnh đó là lễ cầu siêu cho các nạn nhân có lẽ là khó quên nhất đối với đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn. “Khi đó, tôi vừa trong vai trò đạo diễn, vừa trong vai trò là quay phim, tôi vừa phải sử dụng đồng thời 2 máy quay phim và 1 máy flycam vì muốn ghi lại một cách sinh động nhất khoảng khắc đó. Còn rất nhiều những câu chuyện khác rất xúc động được ghi lại. Đoàn làm phim đã phải căng sức làm việc cả tháng trời, cho đến tận ngày đại dịch kết thúc" - đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.
“Bộ phim đã thể hiện phần nào nỗi đau, khát vọng sống, trên hết là tinh thần đoàn kết, niềm tin vào tương lai của người dân TP Hồ Chí Minh trong đại dịch”. Đó chính là thành quả lớn nhất mà bộ phim đã mang lại.
![]() |
Với phim "Mắt bão" - Đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Hãng Phim Tài liệu và khoa học Trung ương, nhận giải thưởng Cánh Diều Vàng cho Quay phim xuất sắc nhất |
Đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn chân thành chia sẻ thành công của bộ phim đến với tất cả mọi người giúp đỡ ông thực hiện bộ phim: “Để hoàn thành bộ phim, chúng tôi có sự giúp đỡ tận tình của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy, UBND TP. HCM, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương và Thành phố, cũng như các cộng đồng, người dân mà chúng tôi đã gặp gỡ, tiếp cận. Xin cảm ơn nhạc sỹ Nguyễn Như Huy đã dành nhạc phẩm “Khi cơn đau đi qua” cho nhạc phim".
- Tôi xin dành tặng giải thưởng và bộ phim này như một lời tri ân tới người dân, chính quyền TP.HCM và cả nước! - Đạo diễn-NSUT Nguyễn Quang Tuấn xúc động bày tỏ./.