Việc cấp giấy đi đường theo chỉ thị mới của TP Hà Nội, tôi xin có mấy ý kiến sau:
1. Chủ trương tăng cường chống dịch để dập dịch, đem lại cuộc sống bình thường cho xã hội là đúng đắn, ai cũng đồng tình. Nhìn Thủ tướng, Phó Thủ tướng, đội ngũ Y tế, bộ đội, công an, nhân dân lăn lưng ra chống dịch như thế, ai cũng hiểu vấn đề nghiêm trọng thế nào.
Trừ những người đi làm, đi bệnh viện hoặc mưu sinh, hầu như không ai ra đường để "đi chơi" vào lúc này cả. Đường phố vắng tanh như sáng 1 Tết. Dân ý thức được và họ lo giữ cho mình. Kiểm tra và phạt người ra đường "không vì mục đích thiết yếu" như đã làm là được.
![]() |
Qui trình cấp giấy đi đường mới rối rắm của Hà Nội đã được phác họa lại một cách hài hước |
2. Hà Nội đã ra lệnh mới " khoanh vùng dập dịch, siết chặt quản lý" là đúng. Nhưng tôi cho rằng cấp Giấy đi đường cho 6 nhóm người như đã quy định theo một quy trình nhiêu khê, gây khó cho người làm, khó cho dân như thế là chưa kín kẽ, không phù hợp. Nhà báo Nguyễn Như Phong đã có bài phân tích dài và thấu tình đạt lý rồi. Tôi chỉ xin thêm một vài ý phụ thôi.
a. Nên để các cơ quan sử dụng lao động cấp Giấy đi đường như cũ, ghi rõ nơi và lộ trình làm việc là đủ. Làm như thế đỡ dồn việc cho công an, đỡ gây khó khăn cho mọi người một cách không cần thiết. Trước đây việc chia ra còn khó, giờ dồn cho một nơi sẽ gây ra muôn vàn hệ luỵ. Còn nếu sợ người ta "dễ dãi" cấp bừa thì gửi 1 CV nhắc nhở và xử phạt nặng nếu phát hiện họ sai như cách chức, phạt hành chính, phạt tiền..., chắc sẽ ổn.
b. Ai cũng biết tình hình đang nghiêm trọng. Những lúng túng, thậm chí sai sót đã gây ra những thiệt hại lớn. Những người có trách nhiệm cần cân nhắc kỹ những quyết định quan trọng vào thời khắc này. Tính mạng con người quan trọng nhất nhưng để bảo vệ con người có nhiều cách, đừng vì những tuyên bố đã trót nói rồi, giờ lại làm để vì những tuyên bố ấy chứ không vì cái lớn hơn.
C. Anh Nguyễn Như Phong nhã nhặn "xin lãnh đạo Hà Nội nghĩ lại". "Nghĩ lại" là tạo thuận lợi cho người khác khi mình đúng, mình thay đổi cho người khác được nhờ. Tôi đề nghị nên điều chỉnh cách nghĩ và sửa sai khi thấy sai. Đó là thái độ đúng nhất. Cứ tưởng vụ ở Thanh Xuân Trung xảy ra thì phải có người mất chức, có người từ chức thế mà lại vẫn không ai sao cả! Cái nóng và cần làm ngay thì chậm trễ, cái cần cân nhắc, sáng suốt hơn thì chưa tính toán kỹ.
d. Ở khu tập thể tôi mọi chuyện làm nghiêm lắm. Mọi người thực hiện nghiêm và nhắc nhở nhau tuân thủ quy định. Khu mẹ tôi ở cũng vậy. Con cái đem đồ ăn đến cho mẹ cũng không được lên, chỉ để chỗ bảo vệ. Hà Nội nên đôn đốc việc kiểm tra thiết thực, hiệu quả chứ đừng rềnh rang, nên làm như Thủ tướng đã làm sẽ thấy hiệu quả hơn.
đ. Việc khó, lại rối. Thế mới cần sự thạo việc, sáng suốt, bản lĩnh người cầm chịch. Quyết định chưa tới sẽ làm cho tình hình rối thêm. Đó là chỗ để phân biệt đúng và sai, là kỹ năng quản trị xã hội.