Trong những năm qua, nông dân ở các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân giữ vững và mở rộng diện tích trồng mía từ 22.000 đến 23.000 ha. Đồng thời tích cực đầu tư và liên kết với các Nhà máy đường để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên chỉ có hai nhà máy mía đường chính hoạt động và có liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng mía là Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa.
![]() |
Nông dân Phú Yên đang gặp khó trong việc tìm nguồn tiêu thụ cho mùa thu hoạch mía năm nay |
Đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam hiện là doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm của người nông dân trồng mía với diện tích gần 19.000 ha và giá thu mua mía là 1,3 triệu đồng/tấn (kể cả các khoản thưởng) đối với mía có chữ đường 10 CCS. Nhờ vậy, dù giá phân bón, nhân công tăng nhưng nông dân trồng mía vẫn có lãi cao, ổn định khi liên kết với công ty.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái thì hiện nay lượng mía cây vẫn còn rất nhiều trên đồng, gần 80% diện tích mía chưa được người dân thu hoạch, lý do là công suất tiêu thụ của các Nhà máy trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất hạn chế so với sản lượng mía hiện có.
Ngoài ra Công ty Mía đường Cam Ranh tại tỉnh Khánh Hòa đã hạn chế thu mua mía cây tại địa bàn Phú Yên hơn so với các năm trước và đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nguồn tiêu thụ mía đường gặp khó khăn.
Theo lãnh đạo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, niên vụ mía 2022-2023, trên toàn tỉnh có tổng diện tích là hơn 22.335 ha.
Hiện tại, nông dân chỉ mới thu hoạch được khoảng 6.200 ha, năng suất mía bình quân ước đạt 60 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt trên 1,3 triệu tấn.
Nhiều nông dân lo rằng, nếu nguồn tiêu thụ không khả quan hơn hiện tại thì khả năng một mùa mía thất bại đang hiện rõ đối với họ./.