![]() |
Tác giả đi tìm những dấu vết thành trì xưa ở Nürnberg. Ảnh: Hồng Vân. |
Phải chuyển hai chặng máy bay và đổi hai lần tầu hỏa, tôi mới từ miền nam nước Pháp tới được thành phố Nürnberg nằm ở phía bắc bang Bayern của nước Đức, một thành phố đã trải qua bao đau thương trong chiến tranh để ngày nay trở thành một đô thị hòa bình. Tiến sĩ Phan Thị Hồng Vân, người bạn thân thiết từ hồi học phổ thông của tôi giờ đang cùng gia đình sinh sống và làm việc tại đây đã dẫn tôi đi tìm hiểu những điểm liên quan đến tội ác của phát xít Hitler mà giờ đây người dân Đức gần như tẩy chay không muốn đầu tư xây dựng bất cứ một công trình gì mới trên nền của những phế tích đó.
![]() |
Thành Hoàng đế (Kaiserburg) được xây dựng từ năm 1040, có đến 46 tháp canh lớn nhỏ. Ảnh: internet. |
Cỏ lau, rêu phong, sự hoang phế đã trải qua gần một thế kỷ. Hồng Vân kể, có hai trường phái: một là quay lưng lại hoàn toàn không muốn nhìn lại cái nơi đầy tội lỗi và tội ác đó, hai là xây dựng lại nơi đó thành một trung tâm thương mại lớn, hay một công trình phúc lợi xã hội nào đó để nhìn tới một cuộc sống mới hoàn toàn. Song cứ như một cái dớp, vẫn chẳng có nhà đầu tư nào chịu vào thực hiện ý tưởng thứ hai này. Thế mới biết, nỗi ám ảnh của người Đức về một thời mà người cầm đầu Quốc Xã cùng chủ nghĩa phát xít đã gây tội ác vẫn còn sâu đậm. Cũng giống như ở Pháp, những người bạn Pháp của chúng tôi hễ có lúc nào trong cuộc đàm đạo mà nhắc đến chiến tranh ở Đông Dương chống lại chủ nghĩa thực dân, họ đều ngại ngần nói câu “Pardon”- tức “ xin lỗi”, cho dù đó là lỗi của quá khứ. Vậy là, cái ác không thể tồn tại lâu và cái thiện mới là vĩnh cửu!
![]() |
Các bị cáo tại một phiên xử của tòa án quân sự quốc tế Nürnberg năm 1945. Hàng đầu gồm Hermann Goering, Rudolf Hess, Joachim Von Ribbentrop, Wilhelm Keitel và Ernst Kaltenbrunner. Hàng sau gồm Karl Doenitz, Erich Raeder, Baldur von Schirach và Fritz Sauckel. Ảnh: History.com |
Sau Tòa án Nürnberg, nơi xét xử tội ác phát xít Đức, điểm đến kế tiếp của du khách thường là Lâu đài đại hội (Kongressalle), công trình được Hitler cho khởi công năm 1935 nhằm tổ chức các đại hội của đảng quốc xã (nhưng chưa bao giờ họp được tại đây). Tòa nhà còn dở dang và được giữ nguyên trạng với những hành lang rộng hình vòng cung dài hun hút có thể chạy xe hơi, được xây bằng những khối đá xẻ hoa cương khổng lồ. Theo đồ án giới thiệu tại đây, nếu xây xong phòng lớn của lâu đài cao tới 70 mét và chứa được 50.000 cử tọa , nhiều gấp hai lần so với đấu trường La Mã cổ lớn nhất ở Roma , Ý. Công trình còn dang dở thì Quốc Xã đã sụp đổ nhưng vẫn thể hiện rõ ý đồ và tham vọng thống xoái của Hitler. Giờ đây, Bảo tàng xét xử tội ác chiến tranh Nürnberg được xây dựng bằng những ống kính xuyên trong Lâu đài đại hội này.
Mỗi người đến thăm bảo tàng sau khi mua vé, được phát một máy nghe thuyết minh bằng tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp, tùy theo lựa chọn của người xem. Đầu tiên, phòng chiếu phim sẽ giới thiệu tổng thể về sự hình thành đến khi sụp đổ của chủ nghĩa phát xít mà Hitler là tín đồ cực đoan và cũng là thủ lĩnh của nước Đức trong giai đoạn chiến tranh bạo tàn từ năm 1933 đến năm 1845. (Năm 1933- Hitler làm thủ tướng Đức ở tuổi 44. Ngày 2 tháng 8 năm 1934, Tổng thống Ludwig von Hindenburg qua đời, hưởng thọ 87 tuổi. Theo một luật mới do nội các ban hành ngày hôm trước, hai chức vụ Thủ tướng và Tổng thống được nhập lại làm một, và Adolf Hitler đã nhậm chức lãnh đạo đất nước kiêm Tư lệnh Tối cao Quân lực. Chức vụ Tổng thống bị bãi bỏ; Hitler chính thức là Lãnh tụ và Thủ tướng Đế chế. Ngày 30-4-1945, quân đội Đức thất thủ ở Berlin, Hitler cùng vợ tự sát.)
![]() |
Lễ đài duyệt binh của Hitler. Ảnh: internet. |
Trong suốt 12 năm đứng đầu Quốc Xã, Hitler thể hiện rõ năng khiếu chính trị, đặc biệt thành công trong việc sử dụng truyền thông để thu phục quần chúng. Song tiếc thay, con đường bạo tàn của chủ nghĩa phát xít đi ngược nhân tính khiến Hitler từ đỉnh cao thắng lợi sau những cuộc thôn tính các nước đã lại rơi xuống vực thẳm và đổ vỡ hoàn toàn. Tiếp theo phòng chiếu phim là những phòng trưng bầy ảnh, hiện vật, tư liệu về Hitler và chủ nghĩa phát xít- những trò lọc lừa, tội ác, những cuộc thảm sát người Do Thái, lò thiêu người ở Ba Lan…Và khi dừng chân để xem bất cứ một hiện vật gì, khách tham quan đều có thể nghe thuyết minh sau khi bấm mã số của máy thuyết minh đã được phát. Những tư liệu trưng bầy và thuyết minh cũng cho thấy con người Hitler có nhiều tố chất đặc biệt. Đó là: Tinh thần ái quốc cực đoan, việc làm đi đôi với lời nói, bản chất độc tài, chuyên chế, lừa dối và tài hùng biện - những vũ khí rất lợi hại của Hitler. Nhờ tài hùng biện cộng với tính lừa dối, Hitler đã chinh phục được người dân Đức, giới quân đội, ngay cả giới truyền thông và các nhà lãnh đạo nước ngoài. Thế nhưng , “ quyền uy đến độ tột vời/ vàng son cũng đủ một thời vàng son…”, cuối cùng thành trì tưởng cực mạnh như quả đấm thép cũng đã sụp đổ bởi nó đi ngược với đạo đức loài người. Phòng cuối cùng trong đường ống kính bảo tàng chiếu bộ phim tư liệu về 12 phiên tòa do Tòa án Quân sự Nürnberg mà Hoa Kỳ chủ trì (1946-1949) xét xử 185 nhân vật lãnh đạo quân sự, chính trị và kinh tế của Đức Quốc xã bị cáo buộc tội ác trong chiến tranh. Kết quả là 24 án tử hình (trong đó 11 giảm còn tù chung thân), 20 án tù chung thân, 98 án tù có thời hạn, 35 tha bổng. Có 4 người không bị xét xử vì lý do sức khỏe, và 4 người tự tử trong khi đang bị xét xử. Đi trong bảo tàng dạng ống kính xuyên trong di tích như vậy, người xem có thể nhìn được cả những chứng tích từ trong ruột đến lớp vỏ bên ngoài, cảm nhận được quá khứ, nhìn thấy thực tại và hình dung cả tương lai. Qua cách giới thiệu bảo tàng này, tôi liên tưởng tới rất nhiều công trình di tích ở Việt Nam có thể áp dụng mô hình đó.
![]() |
Tòa án Nuremberg. Ảnh: internet. |
Nürnberg giờ đây đã là một trung tâm thương mại sầm uất nhưng vẫn chưa nguôi ngoai hồi ức đau buồn bởi trong Thế chiến II, thành phố này là trọng điểm giội bom của quân đội đồng minh vì đây là cái nôi của chủ nghĩa phát xít và đảng quốc xã Đức./.