Ngày Quốc tế Đàn ông được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999, do TS Jerome Teelucksingh - giảng viên lịch sử tại Đại học Tây Ấn ở Trinidad và Tobago - sáng lập. Ông đã chọn 19/11 làm ngày tri ân người cha của mình, khuyến khích mọi người sử dụng ngày này để tuyên truyền các vấn đề ảnh hưởng đến nam giới và các bé trai.
Ý tưởng này nhanh chóng được chấp nhận trên toàn cầu và được nhiều quốc gia áp dụng, bao gồm Australia (2003) và Ấn Độ (2007).
Tuy nhiên, theo Internationalmensday.com, trang web chính thức của Ngày Quốc tế Đàn ông, được tài trợ bởi Tổ chức làm cha Dads4Kids có trụ sở tại Australia, nhu cầu về một ngày lễ cho các đấng mày râu có thể bắt nguồn từ những năm 1960, với ý tưởng dành riêng cho nam giới một ngày, tương tự như Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức vào ngày 8/3. Nó không nhằm mục đích “cạnh tranh” với Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 mà là để khích lệ phái mạnh sống một cuộc sống có giá trị, chú trọng hơn vào sức khỏe, khuyến khích nam giới bắt đầu cởi mở và giao tiếp.
“Ý tưởng và chủ đề của Ngày Quốc tế Đàn ông được thiết kế để mang lại hy vọng cho những người đang cảm thấy tuyệt vọng, thắp lên niềm tin cho người cô đơn, niềm an ủi cho trái tim tan vỡ, vượt qua rào cản, xóa bỏ định kiến và tạo ra một nhân loại biết sẻ chia hơn”, TS Teelucksingh nói.
Ngày Quốc tế Đàn ông đã nhận được sự ủng hộ lớn ở khu vực Mỹ Latin và Caribe trong những năm đầu thành lập. Tuy ngày này còn khá lạ lẫm với nhiều người Việt Nam nhưng trên thế giới, nó đã được tổ chức kỷ niệm tại hơn 170 quốc gia như: Nam Phi, Áo, Đan Mạch, Ấn Độ, Singapore, Malta, Trinidad và Tobago, Jamaica...
Vài năm gần đây, ở Việt Nam bắt đầu có các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhớ tới Ngày Quốc tế Đàn ông 19/11 và thực hiện một số hoạt động để chúc mừng nam giới.
|
Hiện trên thế giới có không ít nam giới tự tử, thậm chí nhiều quốc gia tỉ lệ nam giới tự tử còn cao hơn nữ giới. Theo dữ liệu mới được công bố, có khoảng 49.500 trường hợp tự tử tại Mỹ trong năm 2022. Còn tại Canada, mỗi ngày có khoảng 9 người đàn ông chết vì tự tử. Với sự tài trợ từ tổ chức từ thiện sức khỏe nam giới toàn cầu Movember, Tiến sĩ Zac Seidler, thành viên của nhóm nghiên cứu về giảm thiểu tình trạng tự tử ở nam giới Canada, đã tạo ra "Men in Mind", một hình thức trị liệu mới, lấy con người làm trung tâm nhằm cải thiện cách những người đàn ông gặp khủng hoảng phản ứng với việc điều trị. Nó hướng dẫn các nhà trị liệu cách kết nối với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, gặp gỡ và tạo môi trường điều trị có lợi cho họ về lâu dài.
Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã công bố một kế hoạch nhằm giảm 30% số ca tự tử vào năm 2027. Kế hoạch 5 năm bao gồm kiểm tra sức khỏe tâm thần thường xuyên, dịch vụ tư vấn và cải thiện chăm sóc cho những người có nguy cơ tự tử.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, Chính phủ nước này đã ban hành Hướng dẫn toàn diện về các biện pháp đối phó với hành vi tự tử. Nhiều công cụ như đường dây nóng chống tự tử Inochi no Denwa hay trang web Telljp.com cũng được thiết lập. Các công cụ này cung cấp thông tin nhận biết dấu hiệu cảnh báo tự tử cho những người không chuyên và đưa ra hướng dẫn về cách ứng phó nếu ai đó có ý định tự tử, gồm lắng nghe, hỗ trợ và khuyến khích họ nhận sự hỗ trợ...
Theo các chuyên gia, một yếu tố quan trọng khiến đàn ông có ý định tự tử cao hơn phụ nữ là giao tiếp. Trong khi các chị em sẵn sàng mở lòng chia sẻ những vấn đề của họ, thì nam giới có xu hướng kiềm nén chúng. Suốt nhiều thế hệ, nam giới thường được khuyến khích phải trở nên “mạnh mẽ” và không thừa nhận gặp khó khăn. Điều này bắt đầu ngay từ thời thơ ấu. Mặt khác, Mara Grunau - Giám đốc điều hành tại Trung tâm phòng chống tự tử ở Canada, cho hay cách cha mẹ nói chuyện với con và cách khuyến khích con nói về bản thân cũng ảnh hưởng đến nguy cơ tự tử. “Các bà mẹ thường nói chuyện với con gái nhiều hơn con trai... Họ chia sẻ và nhận biết cảm xúc con gái nhiều hơn so với con trai”- chuyên gia Grunau nói thêm.
Bên cạnh đó, nam giới còn cũng kín đáo hơn phụ nữ khi đi khám bác sĩ. “Đàn ông thường ít tìm kiếm sự giúp đỡ về sức khỏe tâm thần hơn phụ nữ. Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ Jill Harkavy-Friedman, điều này không phải là vì họ không gặp những vấn đề giống như phụ nữ, mà vì họ ít biết rằng mình đang gặp vấn đề căng thẳng tinh thần hay mắc bệnh tâm thần khiến họ có nguy cơ tự tử cao hơn.
Nguy hiểm hơn là thay vì tìm sự giúp đỡ qua các kênh có uy tín (như gia đình, bạn bè, chuyên gia y tế), một số lại cố tự điều trị cho bản thân. Khuynh hướng này dễ đẩy nam giới tới việc sử dụng rượu bia để thể hiện cảm xúc. Nhưng việc uống rượu có thể làm trầm cảm nặng thêm, làm tăng các hành vi bốc đồng và nghiện rượu - một yếu tố nguy cơ của tự tử.
Ngoài bản thân, các yếu tố nguy cơ khác dẫn tới tự tử ở nam giới có thể liên quan đến gia đình hoặc công việc. Thí dụ, suy thoái kinh tế thường làm tăng nguy cơ tự tử. Một nghiên cứu hồi năm 2015 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng 1% thì tỷ lệ tự tử cũng tăng 0,79%. Một yếu tố rủi ro khác là cảm giác cô lập trong xã hội, điều từng được bác sĩ Thomas Joiner đề cập trong quyển sách “Vì sao người ta chết vì tự tử”. Song, chúng ta cần nhớ rằng mặc dù yếu tố bên ngoài có thể thúc giục hành vi tự sát ở một người, nhưng tự sát không bao giờ chỉ đến từ một nguyên nhân duy nhất.
Tuy vẫn chưa có giải pháp dễ dàng cho vấn đề phức tạp nói trên, nhưng đã có nhiều chương trình, chính sách và tổ chức phi lợi nhuận đang nỗ lực ngăn chặn tự sát.
Công nghệ cũng mang đến các giải pháp mới cho người có nguy cơ tự tử. Theo đó, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cho phép một người dễ bị tổn thương giao tiếp và nhận sự giúp đỡ cần thiết mà không ngại bị người khác đánh giá.
Trước thực trang trên, Ngày Quốc tế Nam giới (19/11) năm nay có chủ đề "Không có nam giới tự tử", nhằm nêu bật vấn đề sức khỏe tâm thần của đàn ông.