Trong khi ở quê nhà những ngày Tết thực sự là hạnh phúc, trẻ già trai gái tưng bừng nhộn nhịp chờ đón xuân sang mang theo bao nhiêu hạnh phúc, may mắn và... "vui như Tết" - thì nhiều người con xa xứ không làm thơ chuyên nghiệp, nhưng Tết đến nơi đất khách gặm nhấm nỗi buồn thấu xương bỗng... nảy tâm hồn thi ca.
Bài thơ "Xuân đất khách" của tác giả Trần Trung Đạo viết rằng:
Ai có về bên kia đất nước
Thở giùm tôi hơi ấm quê hương
Tôi - con én lạc mùa xuân trước
Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương
…Tôi thèm một chiếc bánh chưng xanh
Thèm nghe ai nói lời tha thiết
Một lời chúc tụng bước sang năm
…Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống
Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.
Ông Tuệ Phong – một người con gốc Hà Nội trong "Tết tha hương" viết rằng:
Tha hương Tết đến ngậm ngùi...
Nhớ quê, nhớ bạn, đâu nguôi lòng này
Ngồi đây đếm vạn đắng cay
Giao thừa quê Mẹ, phương này tuyết rơi
Mưa bay lệ trắng khắp trời
Lạc loài đất khách, chao ôi là buồn...
Có người nói, những tâm trạng đó là của người đón Tết tha hương một mình. Nếu gia đình đầy đủ cả con cháu ở nước ngoài thì không có mấy tâm trạng về Tết – bởi ở nước ngoài mỗi tháng nghỉ thêm 1 ngày, rồi lễ trứng, lễ thỏ… đã 12 ngày nghỉ rồi – chứ không kéo dài như Tết Việt Nam.
Nhiều Việt kiều kể, một số người Việt ở trong vùng thường tự tổ chức liên hoan ăn Tết, hoặc đến nhà nhau thăm hỏi tụ tập nhậu nhẹt rồi đốt pháo… là xong Tết. Sáng ra lại túi bụi ai vào việc nấy, gặp nhau chỉ vài câu hỏi thăm chúc Tết…
Ngày Tết người xa xứ có gia đình hạnh phúc sẽ càng hạnh phúc, người cô đơn sẽ càng cô đơn, tâm trạng mới buồn - và có rất nhiều người sống ở hải ngoại những ngày Tết quả thật là cô đơn, họ phải cố giấu đi, hay cố tình đè nén nó trong lòng nỗi buồn Tết xa xứ.
Các cụ già ở hải ngoại cũng hay hoài cổ, đậm nỗi nhớ nhung quê hương khi ăn Tết xa xứ. Chưa đến giờ khắc giao thừa mà cảm giác cô đơn chạnh lòng cứ ùa về, và suốt thời khắc giao thừa cái cô quạnh buồn tủi mới cắn rứt tâm can… Người đi đã lâu không còn chảy nước mắt được như những năm đầu mới sang - bởi nỗi nhớ Tết hằn sâu vào tâm khảm đến độ nước mắt đã chảy ngược vào trong.
Mưu sinh thì phải hy sinh. Bao cái Tết xa quê hương rồi không nhớ nổi, không đếm được. Biết bao người con đất Việt đã bay đi, nhưng trong lòng luôn khao khát trở về.
![]() |
Những người con xa xứ ai cũng đau đáu có ngày trở về vào ngày Tết - ngày lễ của sự sum họp gia đình... Ảnh internet. |
Biết bao người con Hà Nội đã gọi tên một mảnh đất khác là nhà - nhưng dù có đi đến đâu, ở đó bao lâu thì 1 năm có những ngày Tết với họ chỉ có thể là nhà ở Hà Nội, ở Việt Nam. Họ đi, nhưng ai cũng đau đáu hy vọng có ngày trở về vào dịp Tết - ngày lễ của sự sum họp gia đình, bởi ai cũng có quê hương, có nơi chôn nhau cắt rốn để mà thương, để mà nhớ.
Cuối ngày khi cơm nước dọn dẹp xong, tĩnh tâm nhìn lên tờ lịch để tính xem hôm nào là giao thừa để làm cơm thắp hương, lúc đó người ta mới thực sự thấy buồn, thực sự nhớ nhung và day dứt...
Năm nào cũng cứ gần ngày Tết họ lại giở lịch Việt Nam ra đếm ngược từng ngày, lại nhớ nhung, lại khắc khoải thèm không khí, hương vị Tết Việt Nam. Rồi người ta lôi Tết từ trong ký ức ra để mà gặm nhấm cho vợi bớt buồn tủi của người con xa xứ./.