Theo đó, chiều 31/8, ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho biết: Sau khi báo phản ánh, Sở GTVT Nghệ An đã nắm được thông tin và hiện tại Sở GTVT nghệ An đã kết hợp với UBND huyện Nam Đàn kiểm tra xử lý sự việc.
Sở GTVT Nghệ An cũng như UBND huyện Nam Đàn thống nhất với chính quyền địa phương UBND xã Khánh Sơn là yêu cầu hộ gia đình ông Nguyễn Thiện Đức (người được chính quyền địa phương xã Khánh Sơn cho nhận khoán thầu địa điểm nói trên để khai thác và kinh doanh nước trái phép) phải di dời và trả lại toàn bộ mặt bằng cho hành lang an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 15A.
Trước đó, ngày 30/8, ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Nghệ An cũng cho biết, sau khi Tamnhin.trithuccuosong.vn thông tin, Sở cũng sẽ tổ chức kiểm tra để sớm chấn chỉnh lại tình trạng khai thác và kinh doanh tài nguyên nước một cách trái phép xẩy ra tại địa điểm này nói riêng, xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn) nói chung.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý cũng như theo nguyện vọng của gia đình ông Nguyễn Thiện Đức, các đơn vị liên quan đều đi đến thống nhất cho phép gia đình này tự tháo dỡ các hệ thống công trình, vật dụng đã xây dựng cũng như lắp đặt trên đất và trả lại mặt bằng cho hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 15A trước ngày 30/9/2023.
![]() |
Xe chở nước dừng đỗ lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên Quốc lộ 15A. |
Như trước đó Tamnhin.trithuccuocsong.vn (ngày 18/8/2023) đã phản ánh: Mặc dù là đất thuộc hành lang giao thông của Quốc lộ 15A (đoạn Km 347, thuộc xóm 11, xã Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) nhưng lâu nay UBND xã này đã tự ý cho một hộ dân khoán thầu để làm điểm khai thác và kinh doanh tài nguyên nước một cách trái phép, gây ảnh hưởng an toàn giao thông trên tuyến một cách nghiêm trọng.
Không ít người dân phản ánh, mặc dù đất nằm sát lòng lề đường Quốc lộ 15A và đương nhiên là thuộc hành lang an toàn giao thông của tuyến Quốc lộ này, nhưng không hiểu vì sao lâu nay UBND xã Khánh Sơn (Nam Đàn) lại tự ý cho một hộ dân trong vùng khoán thầu để khai thác và kinh doanh tài nguyên nước một cách trái phép “giữa ban ngày ban mặt”.
Theo quan sát của phóng viên Tamnhin.Trithuccucosong.vn có mặt tại hiện trường được biết, tuyến đường Quốc lộ 15A đang chạy thẳng ro, đến đoạn Km 347 thì bắt đầu có một khúc cua nhỏ, ngay lề đường được mọc lên một hệ thống nhà, lán trại và một hệ thống trang thiết bị được lắp đặt để dùng khai thác tích trữ nước từ trong khu vực Khe Kẹp chảy ra.
Hàng chục thùng tôn, can nhựa được xếp đặt bên hành lang và lề đường Quốc lộ để làm nơi trung chuyển nước cho khách hàng. Hằng ngày, khách hàng tứ xứ đổ về đây để mua nước hầu hết đều dừng và đậu xe ngay ở lòng và lề đường của Quốc lộ 15A. Không những gây mất an toàn giao thông đối với người dân qua lại khu vực này mà còn gây mất vệ sinh khi làm nước đổ tràn lan ra cả lòng và lề đường trên tuyến Quốc lộ.
![]() |
Hệ thống thùng lớn chứa nước được sắp đặt ở hành lang an toàn giao thông trên Quốc lộ 15A. |
Một số người dân xã Khánh Sơn phản ánh, ngày nào cũng từng đoàn xe tải, hết đoàn này lại đến đoàn khác về đây mua nước rồi chở đi tới các cơ sở sản xuất nước đóng chai để sản xuất kinh doanh. Vì người dân ngày càng có nhu cầu sử dụng nước sạch, nhất là nước khoáng thiên nhiên để sinh hoạt trong các hộ gia đình cũng như công sở, nhà máy, hội nghị… nên khu vực này (Km 347- Quốc lộ 15A) quanh năm đều luôn nhộn nhịp người mua, kẻ bán.
Sở dĩ tại khu vực Km 347, trên Quốc lộ 15A (đoạn qua xã Khánh Sơn, Nam Đàn) được mọc lên một cơ sở khai thác, sản xuất và kinh doanh tài nguyên nước trái phép như thế này là do, trước đây người ta phát hiện ra có một dòng nước từ trên núi chảy ra chỗ này rất trong mát nên người dân vùng quê này thường đến đây tranh nhau lấy nước về sử dụng. Không ít lần đã xẩy ra đánh nhau, gây mất an ninh trật tự. Vì thế, cách đây khoảng hơn 10 năm, chính quyền địa phương đã cho đấu thầu rộng rãi để sau đó giao khoán thầu cho một hộ dân tên là Hùng, mà người dân trong vùng xã Khánh Sơn hay gọi tên túy là “Hùng cụt”. Sau khi trúng thầu và được giao thầu, ông Hùng đã chuyển nhượng lại cho một hộ dân khác cũng tên là Hùng, mà người dân ở đây hay gọi là “Hùng điều”.
Sau đó, ông “Hùng điều” lại tiếp tục chuyển nhượng lại cho hộ dân thứ ba tiếp quản, đó là hộ gia đình ông Nguyễn Thiện Lịch. Hiện nay, ông Lịch đã giao lại cho con trai tức anh Nguyễn Thiện Đức quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên nước ở điểm này (Km 347-Quốc lộ 15A).
Theo như bà con địa phương phản ánh, việc giao khoán và đấu thầu đã được xã thông báo chỉ cho hộ dân khoán thầu trong vòng “một năm một”, nhưng không hiểu sao đã hơn 10 năm nay vẫn chỉ có gia đình bố con ông Nguyễn Thiện Lịch được phép độc quyền khai thác và kinh doanh nước tại đây.
Theo người nhà ông Lịch cho tiết lộ, hằng ngày họ khai thác và kinh doanh nước từ 5h sáng đến 11h đêm. Cứ 3h đồng hồ, lấy được khoảng 50 can 20 lít nước. Giá bán đối với người trong xã là 1.000 đồng/can 20 lít; với người ngoài địa bàn xã từ 3.000– 5.000 nghìn đồng/can 20 lít. Mỗi năm gia đình này phải nộp cho UBND xã Khánh Sơn toàn bộ chi phí khoán thầu số tiền là 120 triệu đồng.
Trao đổi với báo chí, ông Tô Bá Thắng, Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn) cho hay, đây là điểm cấp nước có từ thời Pháp thuộc. Ngày trước người dân có thể đến đây lấy nước về để sinh hoạt. Tuy nhiên, không ít lần đã xẩy ra tình trạng tranh dành nhau, gây mất an ninh trật tự, nên sau đó xã có hợp đồng 1 năm giao khoán cho1 cá nhân sử dụng. Toàn bộ số tiền giao khoán người dân nộp lên, UBND xã đều nộp đầy đủ cho ngân sách huyện Nam Đàn hàng năm.
![]() |
Xe chở nước trung chuyển luôn gây ảnh hưởng an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 15A. |
Sau khi trao đổi vấn đề trên, ông Tô Bá Thắng, Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn tỏ ra băn khoăn ở chỗ là điểm khai thách nước và kinh doanh nói trên đang nằm trong hành lang an toàn giao thông của Quốc lộ 15A.
Cũng trả lời về vấn đề trên, một cán bộ huyện Nam Đàn cho biết, việc giao khoán, nhận thầu ở đó (Km 347- Quốc lộ 15A) chưa đúng với quy định của pháp luật. Cụ thể có trong Luật Tài nguyên nước quy định, thẩm quyền cấp phép khai thác tài nguyên nước thuộc Bộ TN&MT, hoặc UBND cấp tỉnh...
Còn một cán bộ Sở Tài nguyên & Môi trường Nghệ An thì khẳng định: Việc UBND xã Khánh Sơn tổ chức đấu thầu cho người dân khai thác, kinh doanh nước ngầm thì đã làm sai quy định. Khai thác, kinh doanh nhỏ thì chưa gây ra tác hại lớn; nhưng nếu người dân (do xã cho phép) có sự đầu tư để xây dựng đường ống, bể chứa, máy bơm, dây chuyền sản xuất nước đóng chai… thì gây ra vô cùng hệ lụy. Đó là chưa nói đến vấn đề lấn chiếm hành lang gây mất an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 15A./.