Trồng rừng từ vốn vay ODA
Trước đó, ngày 30/3/2012, Bộ Tài chính- đại diện cho Chính phủ Việt Nam cùng với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ký Hiệp định số VN11-P9 vay vốn để thực hiện Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ. Trong khuôn khổ Hiệp định này, ngày 17/8/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định số 3400/QĐ-BNN-HTQT điều chỉnh kế hoạch tổng thể “Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ” vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Tiếp đó, ngày 11/9/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tiếp quyết định số 3657/QĐ-BNN-HTQT điều chỉnh phụ lục Quyết định số 3400/QĐ-BNN-HTQT.
Cũng trong khuôn khổ Hiệp đinh nói trên, ngày 17/8/2012, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định số 3135/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ Nghệ An” từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Đến ngày 13/9/2018, UBND tỉnh Nghệ An ban hành tiếp quyết định số 4214/QĐ-UBND, điều chỉnh nội dung phê duyệt dự án đầu tư “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ Nghệ An” từ nguồn vốn ODA.
![]() |
UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án đầu tư “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ Nghệ An” từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. |
Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An đã thành lập Ban quản lý Dự án JICA2 với nhiệm vụ: Quản lý, chỉ đạo, theo dõi triển khai dự án.
Mục đích mà Dự án JICA hướng tới là: Quản lý và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ ở Nghệ An; Phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học; Xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi. Cụ thể là: Phục hồi và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn tại 03 huyện: Tương Dương, Tân Kỳ và Quỳnh Lưu; Tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương và chủ rừng phòng hộ; Cải thiện sinh kế cho các cộng đồng, những người sẽ quản lý rừng phòng hộ.
Được biết, Dự án JICA2 tỉnh Nghệ An được triển khai thực hiện trên địa bàn 22 xã của 03 huyện Quỳnh Lưu, Tân Kỳ và Tương Dương. Trong đó, tại huyện Quỳnh Lưu, dự án được triển khai ở các xã: Quỳnh Thắng, Quỳnh Lập, Tân Sơn, Tân Thắng. Cụ thể, nâng cấp rừng là 240,1ha, trồng mới (keo và sao đen) là 424,94ha, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 15 tỷ đồng. Dự án này, do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An nhận thầu, triển khai thực hiện trồng từ năm 2014 đến 2016.
Chặt phá trái phép rừng trồng phòng hộ
Ngày 29/01/2022, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Bắc Nghệ An có văn bản số 13/BC-BQL gửi Ban quản lý Dự án JICA2 Nghệ An báo cáo về tình hình người dân khai thác trái phép rừng phòng hộ thuộc đầu tư của dự án phục hồi quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA2) tại 2 xã Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu. Tổng diện tích rừng trồng phòng hộ bị khai thác trái phép là 9,05ha.
Cụ thể, tại lô e khoảnh 2 tiểu khu 343 năm trồng 2015, diện tích bị khai thác trái phép là 0,3ha, thời điểm mới bị khai thác tháng 1/2022; tại lô a khoảnh 5 tiểu khu 343 năm trồng 2014, diện tích bị khai thác là 0,2ha, thời điểm mới bị khai thác tháng 1/2022; tại lô c khoảnh 5 tiểu khu 343 năm trồng 2015, diện tích bị khai thác là 1,66ha, thời điểm mới bị khai thác tháng 1/2022.
![]() |
Do chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe, khiến cho rừng dự án vẫn đang ngày đêm bị “rỉ máu”. |
Tiếp tục đi kiểm tra, đoàn phát hiện thêm các diện tích bị khai thác trái phép đã được trồng lại cây keo. Cụ thể, tại lộ c khoảnh 5 tiểu khu 343 năm trồng 2015, diện tích bị khai thác 1,94ha, hiện nay đã trồng lại keo, chiều cao cây từ 2,5-4,0 m; tại lô a khoảnh 2 tiểu khu 343 năm trồng 2014, diện tích bị khai thác 0,95ha, hiện nay diện tích trên đã trồng lại keo, tại thời điểm kiểm tra chiều cao cây từ 0,8 -3m; tại lô d khoảnh 3 tiểu khu 343 năm trồng 2014, diện tích bị khai thác 1,1ha, hiện nay diện tích trên đã trồng lại Keo, tại thời điểm kiểm tra chiều cao cây từ 1 - 3,5m; tại lô b khoảnh 5 tiểu khu 343 năm trồng 2015, diện tích bị khai thác 0,9ha, hiện nay diện tích trên đã trồng lại Keo, tại thời điểm kiểm tra chiều cao cây từ 2,5-4,0m; tại lô I, k, i khoảnh 3 tiểu khu 343 năm trồng 2014, diện tích bị khai thác 2,0ha, thời điểm khai thác khoảng tháng 1/2022, hiện diện tích trên mới được trồng lại keo.
Trước sự việc trên, Ban QLRPH Bắc Nghệ An đã phối hợp với Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu – Hoàng Mai cùng kiểm tra hiện trường, đồng thời đã có văn bản đề nghị Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu – Hoàng Mai điều tra xác minh và xử lý. Tuy nhiên, Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu – Hoàng Mai khẳng định, việc các hộ dân khai thác rừng trồng phòng hộ do người dân đầu tư trồng rừng là không đủ cơ sở xử lý vi phạm hành chính, vì vậy các hộ dân vẫn cố tình khai thác và không dừng lại.
Được biết, muốn khai thác rừng trồng phòng hộ JICA2 phải được cấp có thẩm quyền cho phép, nhưng tình trạng trên không được kiểm soát mà vẫn tiếp diễn ngày một nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến độ che phủ và chức năng phòng hộ của rừng. Cụ thể, ngày 7/2/2022, lực lượng chức năng phát hiện các hộ dân Nguyễn Đình Thái đốt chảy, cáo với làm chết 23 cây Sao đen (tại lô k khoảnh 5) đã được xử phạt hành chính 2,3 triệu đồng.
![]() |
Ban QLRPH Bắc Nghệ An báo cáo vụ việc tới UBND huyện Quỳnh Lưu. |
Đến ngày 24/2/2022, Đoàn kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng trồng phòng hộ thuộc Ban QLRPH Bắc Nghệ tiếp tục phát hiện ông Hồ Trọng Lực (trú tại xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu) đang khai thác 1,08 ha cây Keo trong rừng trồng nâng cấp và chặt hạ 6 cây thông nhựa, đem máy múc vào cáo xới làm đường. Cùng ngày, Ban QLRPH Bắc Nghệ An đã phát hiện hộ ông Nguyễn Văn Bảy chặt phá 95 cây Sao đen (tại lộ b khoảnh 5).
Ngoài ra, tại các lô rừng nâng cấp khác trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng bị chặt phá cây Sao đen (chặt sát gốc) trái phép, tuy nhiên không bắt được đối tượng vi phạm.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Sơn – Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Nghệ An, cho biết: “Hiện, Ban đã báo cáo vụ việc với Sở NN&PTNT. Đồng thời, đang xác định trách nhiệm thuộc về cán bộ nào, kiểm điểm, làm rõ xử lý kỷ luật đối với cán bộ lơ là, thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng người dân chặt phá trái phép rừng trồng phòng hộ…”.
Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ Nghệ An (JICA2) đang hoạt động, mới bàn giao cho Ban QLRPH Bắc Nghệ An quản lý, chưa quyết toán hoàn thành, nhưng đã để người dân tự ý chặt phá trái phép, phải chăng do sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm từ các cơ quan chức năng liên quan?
Hiện, vụ việc đang được Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An tiến hành thanh tra, xác minh làm rõ./.