Cảnh báo tình trạng giả mạo chuyên gia, bác sĩ bán thực phẩm chức năng
Ngày 22/5, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm". Như vậy, bất kỳ bác sỹ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sỹ, lương y tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh; các clip giới thiệu từng là bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.
Theo Cục An toàn thực phẩm, việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời sẽ bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe.
Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã liên tục cảnh báo người dân cần lưu ý 5 điểm trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm. Người dân cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe; chọn mua các sản phẩm có ghi rõ ràng tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm; mua sản phẩm phải có hóa đơn, đơn hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.
Các facebook giả mạo bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, bác sỹ Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã lên tiếng về việc bị kẻ xấu lập Facebook giả mạo tên tuổi để quảng cáo bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường và đưa ra các thông tin sai lệch về bệnh này. Bác sỹ Phan Hướng Dương lưu ý người dân cần cẩn trọng trước các thông tin trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo, đồng thời đã báo cáo cơ quan chức năng xử lý.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng nhận được một đoạn clip có âm thanh và ký tự trên clip mạo danh bác sỹ của Bệnh viện chia sẻ và giới thiệu cuốn sách mang tên "Minh triết trong ăn uống của người phương Đông". Cụ thể, người này khẳng định cuốn sách mới có thể chữa bệnh cho mọi người chứ không phải các phương pháp y học hiện đại. Không những vậy, một số cá nhân đã chia sẻ đoạn clip trên lên trang Facebook nhằm tạo niềm tin rằng "bác sỹ Quân y 108" đã khẳng định chỉ cần áp dụng "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là "chữa tất cả" và dần dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng.
Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, việc mạo danh, lấy thương hiệu "bác sỹ Quân y 108" để trục lợi cá nhân, mua bán các thực phẩm chức năng, thuốc, sách… làm ảnh hưởng tới uy tín của Bệnh viện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, tạo những tư tưởng sai sự thật.
Trước tình trạng giả danh các bác sĩ trên mạng xã hội, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo: Cục Thực phẩm không cấp phép quảng cáo nào có những câu như cam kết khỏi bệnh sau một lộ trình, chữa dứt điểm đau xương khớp chỉ sau 15 ngày, hay chữa khỏi hoàn toàn, việc sử dụng hình ảnh bác sĩ hay người bệnh để quảng cáo cũng không được cấp phép.
Người dân cần nâng cao nhận thức, cảnh giác, tránh mắc lừa
Hiện nay, tình trạng mạo danh lương y, thầy thuốc, để tạo niềm tin cho người bệnh diễn ra rất phổ biến. Mục tiêu của những người này là bán được nhiều thuốc hoặc thực phẩm chức năng, trục lợi trên niềm tin của người tiêu dùng.
Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, “còn nước còn tát”, rất nhiều người đã sẵn sàng bỏ tiền để mua các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như thần dược trên mạng xã hội bởi những lương y mạo danh này, để rồi nhẹ dạ cả tin mà sập bẫy lừa, tiền mất tật mang.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý nhưng bằng nhiều cách khác nhau, vấn nạn này vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn gây bức xúc lẫn lo lắng trong xã hội.
Quả thật thời đại 4.0, muốn tìm hiểu về bệnh tật hay các thực phẩm chức năng liên quan đến các loại bệnh là ngay lập tức trên facebook đã tràn ngập các fanpage, hội nhóm quảng cáo chữa bệnh, mời chào mua thuốc với những bài viết, hình ảnh, video đầy đủ, bắt mắt. Đặc biệt, những nội dung này được làm rất bài bản, chuyên nghiệp, có cả ekip để xây dựng hình ảnh... Nhiều page tự khẳng định là thần y trong việc chữa các bệnh về xương khớp, hay cắt ghép hình ảnh các bác sĩ các bệnh viện lớn để quảng cáo chữa bệnh và bán thuốc. Để nâng “thủ đoạn” của mình lên chiếm lấy niềm tin của khách hàng, các đơn vị sản xuất và bán thực phẩm chức năng, thuốc này còn thuê các KOLs (những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng, bao gồm: diễn viên, ca sĩ, người mẫu, nghệ sĩ hài… được nhiều người biết đến), bác sĩ, dược sĩ, những người làm công tác về y tế để PR, tạo sự tin tưởng cho sản phẩm. Trên thực tế, nhiều loại sản phẩm chưa được cơ quan chức năng cấp phép, thậm chí còn không có nguồn gốc xuất xứ nhưng quảng cáo như thần dược chữa bệnh.