Sáng 18/9, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến của các nguyên lãnh đạo Thành phố vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Thông tin bên lề hội nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, ở Thủ đô không chỉ có tòa chung cư mini bị cháy ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân xây vượt tầng so với giấy phép xây dựng, mà còn rất nhiều công trình khác xây vượt tầng.
Theo ông, đằng sau mỗi công trình, chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép là cả một thế lực lớn "chống lưng". Vì vậy, người xử phạt không chỉ phải đương đầu với chủ công trình mà còn cả với người "chống lưng" cho chủ đầu tư sai phạm.
Ông Phạm Quang Nghị cho rằng đang có một thực tế đó là xử phạt để công trình sai phép tồn tại. Nếu chỉ phạt cho tồn tại thì chủ đầu tư sẽ “mong cho được phạt” để hợp thức hóa vi phạm, bởi lẽ họ kiếm được lợi nhuận rất lớn từ phần công trình vi phạm. Đối với khoản lợi nhuận này, chủ đầu tư sẽ dùng để chạy, hối lộ, sau đó vẫn lãi nên cứ tiếp tục vi phạm.
"Thời tôi làm Bí thư không chấp nhận câu chuyện phạt cho tồn tại mà sai đâu xử đấy, vi phạm đến đâu cắt bỏ đến đó. Quá bao nhiêu tầng cắt bấy nhiêu tầng, cắt "ngọn" công trình rất quyết liệt", ông Phạm Quang Nghị khẳng định.
Cũng theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, đối với công trình vi phạm được phạt rồi cho tồn tại, nếu bị kiểm tra, cán bộ sẽ báo cáo rằng họ đã đi kiểm tra và xử phạt rồi, nhưng chỉ xử phạt nửa chừng, không thực hiện cưỡng chế. Việc cán bộ quản lý, cán bộ địa phương phạt cho tồn tại là hình thức đồng phạm một cách hợp pháp với sai phạm nên cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm.
![]() |
Toà chung cư mini bị cháy tại Khương Đình, chủ công trình đã xây vượt 3 tầng so với giấy phép (giấy phép 6 tầng, xây 9 tầng). |
Để chấn chỉnh hiện tượng này, ông Nghị cho rằng TP cần nghiêm khắc về vấn đề xử lý trách nhiệm cán bộ. Nếu cấp dưới vi phạm mà không bị xử lý thì cấp trên phải bị xử lý.
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô về các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, nguyên Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng đề nghị, mức phạt vi phạm trong xây dựng tại Hà Nội phải cao hơn những địa phương khác, thậm chí là gấp 50 lần.
Lý do mức phạt tại thủ đô cao hơn nơi khác nhằm hạn chế và ngăn ngừa người dân vi phạm. Bởi lẽ, những vi phạm như trật tự xây dựng gây ra những hậu quả rất phức tạp, nặng nề. Do đó, ông Nghị mong muốn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp ủng hộ Hà Nội theo hướng tăng mức phạt đối với vi phạm trật tự xây dựng./.