Bộ tiểu thuyết 3 tập “Nước non vạn dặm” khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chi Minh ở ba giai đoạn quan trọng của Người: Tuổi ấu thơ và tuổi thanh niên (1890 - 1911); Ba mươi năm Người “đi tìm hình của nước”, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1911 - 1941); Những năm tháng Người về nước, cùng Đảng ta, Nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, đưa Việt Nam trở thành biểu tượng của khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, là lương trị, phẩm giá của loài người (1941 - 1969).
![]() |
.Tập 2 “Lênh đênh bốn biển” trong bộ tiểu thuyết 3 tập “Nước non vạn dặm” của PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. |
Tác giả dự kiến tập 3 được hoàn thành (vào cuối 2023, đầu 2024), thì đây là bộ tiểu thuyết đầu tiên phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là hình tượng Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Hồ Chí Minh của văn học Việt Nam đương đại.
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết, cùng với bộ tiểu thuyết ba tập, sẽ có ba vở sân khấu cùng tên song hành, đã và sẽ ra mắt công chúng Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Huế và một số địa phương khác.
![]() |
. |
Năm 2022, nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 111 năm ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vượt trùng khơi đi tìm đường cứu nước, tập 1 của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” với tên gọi “Nợ nước non" và vở sân khấu cùng tên đã ra mắt công chúng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai, Long An và nhiều địa phương khác.
Tập 1 “Nợ nước non” viết về những năm tháng thơ ấu của Bác ở quê nhà, ở kinh thành Huế, tuổi thanh niên của Bác ở Huế, Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn... Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ không chỉ khắc họa thành công hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trong bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mà còn đi sâu luận giải, minh chứng những yếu tố văn hóa, chính trị, tư tưởng, xã hội đã hun đúc, rèn dũa nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến kinh đô Huế, đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5.6.1911. Như sau này Người kể lại “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.
![]() |
.Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (bên trái) và Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Lễ ra mắt tập 2 "Lênh đênh bốn biển" của bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm" |
Tập 2 “Lênh đênh bốn biển" khắc họa hình tượng Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, Anh, Mỹ, các nước châu Phi, tới Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan... cho tới ngày Người trở về Tổ Quốc, ngày 28.1. 1941.
“Lênh đênh bốn biển” là cuốn tiểu thuyết thứ 4 của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Trước khi bắt tay vào bộ tiểu thuyết này, ông đã từng có “Chuyện tình Khau Vai” (Kịch bản sân khấu, năm 2013 và tiểu thuyết, 2019), “Hừng đông” (kịch bản sân khấu, năm 2016 và tiểu thuyết, 2020).
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết, ông chủ trương tiểu thuyết hoá kịch bản sân khấu và ngược lại bởi vì ông nhận thấy mỗi thể loại văn học và nghệ thuật có thế mạnh riêng, giọng điệu riêng, công chúng riêng.
Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” về Chủ tịch Hồ Chí Minh là bộ sách ông tâm huyết nhất, nung nấu lâu dài, tích luỹ tư liệu rất công phu, nghiêm cẩn. Ông hi vọng với bộ sách này, chân dung Hồ Chí Minh một lần nữa được khắc hoạ rõ nét hơn, sâu sắc, chân thật và sinh động - một con người giản dị và vĩ đại, cao đẹp mà lão thực, Người luôn bên ta, trò chuyện cùng ta, cùng ta đi về phía tương lai.
Được biết, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ trước khi là UVTƯ Đảng, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam, ông đã từng có thời gian là Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh với làng Kim Liên lắng sâu tình cảm. Có lẽ đó là thời gian nhà văn Nguyễn Thế Kỷ sưu tầm được nhiều những tư liệu về vị Cha già dân tộc, từ đó góp phần giúp ông sáng tạo nên bộ tiểu thuyết quý giá.
![]() |
.Các Nhà văn, nhà phê bình văn học, các độc giả với tác giả Nguyễn Thế Kỷ tại Lễ ra mắt sách |
Phát biểu tại lễ ra mắt tiểu thuyết “Lênh đênh bốn biển”, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã nghiên cứu tất cả những tư liệu liên quan đến năm tháng hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài. Sau đó, tác giả đã lựa chọn xuất sắc những câu chuyện, sự kiện cốt lõi, mang tính thông điệp lớn, rồi tạo dựng toàn bộ không khí của lịch sử trong thời đại đó và đã khắc họa thành công con đường mà một vĩ nhân của dân tộc đã đi.
Tôi thấy cảm xúc, ngôn ngữ và tính biểu tượng được nhà văn Nguyễn Thế Kỷ thể hiện mang đậm chất sử thi. Cách viết ấy phù hợp hơn tất cả khi để nói về một con đường lịch sử của một nhân vật lịch sử là Hồ Chí Minh. Cách viết đó làm cho người đọc rung lên trong cảm xúc và càng nhận ra sự vĩ đại của người Anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh.
Một điều chắc chắn rằng: nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã nghiên cứu tất cả những tư liệu liên quan đến năm tháng hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài. Tất cả những tư liệu đó vừa mang lại thuận lợi cho nhà văn nhưng cũng vừa thách thức nhà văn. Nếu nhà văn bị tất cả mọi câu chuyện, mọi sự kiện trong những tư liệu ấy cuốn đi thì nhà văn sẽ rơi vào sự chênh vênh giữa một nhà sử học và một nhà văn. Nhưng tất cả những tư liệu đó chỉ mang tới cho nhà văn những mốc thời gian, những vùng không gian và những sự kiện cơ bản. Nguyễn Thế Kỷ đã chọn lựa những câu chuyện và những sự kiện nhiều thông điệp nhất để dựng lên nhân vật lịch sử của mình. Sau mỗi câu chuyện, mỗi sự kiện ấy là một khoảng trống mênh mông mà nhà văn phải lấp đầy. Đấy chính là sự sáng tạo. Và đấy thực sự là thách thức lớn nhất trong sự sáng tạo về một nhân vật lịch sử đối với mọi nhà văn, đặc biệt là một nhân vật lịch sử vĩ đại là Hồ Chí Minh".
Tại lễ ra mắt cuốn sách, Thiếu tướng-nhà văn, TS Nguyễn Hồng Thái xúc động phát biểu: "Tôi đánh giá cao nhất cuốn tiểu thuyết này là khi đọc thấy xúc động, chảy nước mắt. Đặc biệt là những chi tiết Nguyễn Ái Quốc gặp Phan Chu Trinh. Phan bội Châu, Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, Lê Hồng Phong…
Ví như ở trang 169, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ kể: "Lê Hồng Phong lần đầu gặp Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, Trung Quốc. Sau khi nghe tiếng chào của Nguyễn Ái Quốc, thì ngạc nhiên:
- Ồ, tôi không biết anh là người miền Trung đấy.
Nguyễn Ái Quốc mỉm cười:
- Tôi ở Nam Đàn.
- Còn tôi ở Thông Lạng (thuộc huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Ôi chao, từ chỗ tôi qua chỗ anh chi có một quãng đường thôi. Sao tôi không biết anh nhỉ?
Nguyễn Ái Quốc mỉm cười:
- Có lẽ khi tôi nói đến cha tôi thì anh sẽ biết. Tôi là con trai cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Lê Hồng Phong đã ngồi xuống ghế chợt đứng bật dậy, giơ tay lên trời:
- Ôi ôi! Là anh đó ư? Chính là anh, là Nguyễn Ái Quốc đáng kính đó ư?
Lê Hồng Phong xúc động đến mức bật khóc.
Nguyễn Ái Quốc cũng xúc động không kém, anh mỉm cười mà mắt đỏ lên.
Lê Hồng Phong bước ra khỏi ghế, vòng sang bên kia bàn, ôm chầm lấy Nguyễn Ái Quốc".
Đó là những trang văn mới mẻ khiến người đọc rơi nước mắt. Tôi nghĩ một tác phẩm văn chương khi đã trung thành với lịch sử, mà khiến người đọc xúc động tiếp nhận nó qua từng trang văn, thì đó là tác giả đã thành công". - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái khẳng định./.
Trần Thu Hằng