Tiền thân của Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh là Câu lạc bộ Người khuyết tật xã Diên Phú, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12/2013, tập hợp từ các câu lạc bộ người khuyết tật ở các xã: Diên Phú, Diên Điền, Diên Sơn, Diên An và thị trấn Diên Khánh. Đến nay, Hội đã qua 2 kỳ đại hội (2013 – 2018 và 2019 -2023), tập hợp được gần 200 hội viên, trong đó chiếm một nửa là người khuyết tật có khả năng lao động, còn lại là già yếu.
Ông Đinh Công Thạnh - Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội đã có trụ sở sinh hoạt cũng như nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm do hội viên làm nên. Tại trụ sở sinh hoạt vừa là nơi dạy nghề và gia công, chạm khắc mỹ nghệ…vừa là nơi để anh em học viên gặp gỡ nhau hàng ngày và định kỳ sinh hoạt hàng tháng.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Một trong những nhiệm vụ được Hội đặt lên hàng đầu là hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Cụ thể, Hội đã vận động nhiều tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, các nhà chùa, tổ chức, cá nhân, nhóm từ thiện tài trợ các dự án đào tạo nghề, việc làm cho người khuyết tật với một số nghề đơn giản như: Chạm khắc gỗ mỹ nghệ, hỗ trợ dụng cụ sửa xe máy, sản xuất ốc mỹ nghệ, làm bánh ngọt các loại, trồng nấm… Các hội viên sau khi tham gia học nghề sẽ được hỗ trợ việc làm, tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay hàng chục học viên đã có việc làm, thu nhập ổn định từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Đối với những hội viên chưa có sinh kế ổn định, Hội cũng kêu gọi trợ giúp kinh phí tạo việc làm từ các nhà hảo tâm lên đến hàng tỷ đồng với một số việc như: uốn cần câu, sửa điện cơ, bán cà phê, may mặc…
Tại trụ sở chạm khắc mỹ nghệ của Hội, thôn 3 xã Diên Phú, anh Huỳnh Trung Dũng (thôn 2, xã Diên Phú) hai tay thoăn thoắt làm việc, mắt không rời những thớ gỗ. Anh Dũng kể, sinh ra là một người bình thường, lớn lên và có làm thợ mộc ổn định thì anh gặp phải tai nạn trong lao động, từ đó 2 chi dưới của anh bị liệt. Nhờ tập vật lý trị liệu nên bệnh tình anh thuyên giảm, sau 4 năm anh có thể đi lại và làm việc. Được giúp đỡ của Hội, anh đã học nghề chạm khắc từ một người trong xóm. Giờ đây anh trở thành người dẫn dắt lại cho những người khác. “Công việc mang lại cho tôi niềm vui, không còn nghĩ là bản thân vô dụng như trước. Từ khi học và làm được nghề chạm khắc, tôi tự lo được cho bản thân, phụ thêm cho vợ nuôi hai con nhỏ”, anh Dũng chia sẻ.
Anh Nguyễn Vĩnh Truyền là Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Diên Khánh, dù bị teo cơ chi dưới, hàng ngày anh vẫn rong ruổi khắp nơi, vận động tài trợ để giúp đỡ người bất hạnh, khiến ai cũng cảm phục. Anh trải lòng: Ngoài nghị lực của bản thân, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại và nhờ mưa thuận gió hòa, mảnh vườn trồng rau của anh đến nay đã mở rộng 6.000 m2. Vào mùa vụ rau, anh phải thuê thêm lao động để hỗ trợ, bình quân mỗi năm cũng lãi được vài chục triệu. Anh quan niệm bản thân cũng là người khuyết tật, nhưng còn sức khỏe, trí lực nên giúp được gì cho người khuyết tật là phải sẵn sàng. “Từ ngày tham gia Hội, tôi được giao làm phong trào văn nghệ, nay được anh em hội viên tín nhiệm giao làm nhiệm vụ kêu gọi được tài trợ cũng như kết nối được đầu ra cho các sản phẩm của hội viên khác” - anh Truyền chia sẻ.
Ngoài tạo việc làm và sinh kế cho hội viên, Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh còn thực hiện nhiều công tác từ thiện xã hội khác như: vận động tài trợ xe lăn, xe lắc, tác hợp vợ chồng, trợ giúp thăm nom hiếu hỉ hay tổ chức các buổi sinh hoạt giao lưu với các câu lạc bộ thơ ca trên địa bàn huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm, thành phố Nha Trang…
“Các buổi giao lưu giúp người khuyết tật tự tin hơn vào năng lực của mình, bớt mặc cảm, phấn đấu trong lao động, sản xuất và tự vận động nuôi sống chính bản thân mình… Bên cạnh đó là làm thay đổi nhận thức của cộng đồng đối với người khuyết tật”, ông Đinh Công Thạnh - Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh cho biết thêm.
Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, những năm qua các cấp, ngành, địa phương luôn tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận học nghề, giải quyết việc làm và các dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống của người khuyết tật ngày càng nâng cao với nhiều hơn các hoạt động như: văn hóa, văn nghệ, biểu dương, khen thưởng, thăm hỏi tặng quà để động viên, khuyến khích người khuyết tật vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Đối với Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh, đơn vị này đã làm tốt vai trò của mình; đồng thời là chỗ dựa tinh thần cho các hội viên vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng, làm chủ cuộc sống của mình.