Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ
Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm nay với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, dự kiến sẽ thu hút lượng lớn du khách hành hương về nguồn cội. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sẽ được tổ chức với quy mô rộng khắp từ thành phố Việt Trì đến Trung tâm Lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận.
![]() |
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương |
Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam gồm 5 sự kiện, hoạt động chính: Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hội nghị - Hội thảo "Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch" và Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam.
Theo Ban Tổ chức, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 sẽ có nhiều hoạt động giới thiệu và quảng bá đậm nét các di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là hai Di sản Văn hóa đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và "Hát Xoan Phú Thọ" để người dân hiểu thêm về các giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Tổ.
Đặc biệt, trong những ngày diễn ra Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, tỉnh sẽ tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.
Tuần phim kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Các tác phẩm được trình chiếu trong Tuần phim gồm: Phim tài liệu “Hóa giải”, phim truyện “Khúc mưa” do Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất; phim tài liệu “Ngày cuối của chiến tranh” do Hãng phim Tài liệu và Khoa học TƯ sản xuất; phim truyện “Sinh mệnh”, do Hãng phim Truyện I sản xuất; phim tài liệu “Sống và kể lại” của Trung tâm Phim tài liệu, phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất.
Ngoài ra còn có phim truyện “Cha cõng con” do Tứ Vân Media sản xuất; phim tài liệu “Còn lại với thời gian” của Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư sản xuất; phim truyện “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” do Cục Điện ảnh, Công ty TNHH MTV Phương Nam Phim, Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP Hồ Chí Minh (Saigon Concert), Công ty CP Truyền thông và Giải trí Galaxy sản xuất.
Tuần phim nhằm tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận, thực tiễn, sức sống lâu bền và quá trình kế thừa, vận dụng, phát triển những nội dung cốt lõi của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, phát triển bền vững của đất nước hiện nay.
Đồng thời khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Triển lãm ảnh "Tự hào một dải biên cương" và Ngày hội "Non sông thống nhất"
Nằm trong chuỗi hoạt động hấp dẫn tại TP HCM dịp lễ 30-4 và 1-5, triển lãm ảnh "Tự hào một dải biên cương" và Ngày hội "Non sông thống nhất" khai mạc từ 7h30 ngày 25/4 đến ngày 6/5 tại đường Đồng Khởi (phía trước Sở Văn hóa và Thể thao, đối diện Công viên Chi Lăng, Lễ khai mạc tại Công viên Lam Sơn); Cung Văn hóa Lao Động (quận 1).
Đồng thời, TP HCM còn tổ chức Lễ viếng Nghĩa trang Thành phố; Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt (1943-2023), diễn ra lúc 19h thứ Sáu, ngày 28/4/2023, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Dịp này, TP HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 2 điểm, điểm bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đường hầm vượt sông Sài Gòn và tầm thấp ở Công viên văn hóa Đầm Sen, thời gian bắn pháo hoa trong 15 phút, từ 21h đến 21h15 ngày 30-4.
Thứ Hai, ngày 1/5/2023, diễn ra 19h tại quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.
Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”
Tại Hà Nội, tối 28/4, chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra tại sân khấu trước Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, khu vực đền Bà Kiệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại đây, khán giả được thưởng thức nhiều tiết mục đặc biệt ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ và những chiến công của quân dân ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và sự nghiệp xây dựng đất nước.
![]() |
Cũng vào tối 28/4, Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức chương trình biểu diễn ca múa nhạc kịch tại sân khấu Trung tâm quận Tây Hồ. Các nghệ sĩ sẽ mang đến khán giả nhiều tiết mục ca nhạc đặc sắc: “Vinh quang Việt Nam”, “Bài ca thống nhất”, “Cung đàn mùa xuân”, “Hello Việt Nam”, “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Hà Nội 12 mùa hoa”, “Tiến về Sài Gòn”, “Đất nước trọn niềm vui”… Đặc biệt, khán giả được thưởng thức hai tiểu phẩm hài vui nhộn: “Chuyện tình lính đảo” và “Ở rể”.
Trong khi đó, khán giả các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Ứng Hòa sẽ được thưởng thức một loạt tiết mục đặc biệt của Nhà hát Chèo Hà Nội. Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ có ba buổi biểu diễn tại: Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, Đông Anh) vào tối 27/4; tại xã Yên Thường (Gia Lâm) vào tối 29/4; tại thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa) vào tối 1/5. Các nghệ sĩ sẽ mang đến những tiết mục, trích đoạn chèo nổi tiếng và biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc ca ngợi đất nước, ca ngợi Thủ đô.
Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng đem những tiết mục đặc sắc nhất để phục vụ công chúng vào tối 28/4 tại sân khấu ngoài trời cuối đường Hàm Nghi, phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm). Vào tối 29/4, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội sẽ biểu diễn tại xã Phù Lỗ (Sóc Sơn).
Tối 30/4, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long sẽ biểu diễn phục vụ khán giả tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín; Nhà hát Múa rối Thăng Long có đêm diễn tại trung tâm huyện Quốc Oai…