Ngày Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Có câu "cúng cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng", hay "đi lễ cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng" bởi vậy vào ngày này các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng, cầu mong một năm bình an, may mắn. Đây cũng là ngày được coi là thời điểm thích hợp để người dân, phật tử tới đền, chùa cầu xin một năm mới may mắn, suôn sẻ, bình an.
Cùng điểm qua những địa điểm cúng rằm tháng Giêng mà được nhiều người cho là linh thiêng nhất tại Hà Nội, hằng năm vẫn thu hút đông đảo người dân đi lễ vào dịp này.
1.Chùa Phúc Khánh
![]() |
Nổi tiếng linh thiêng nên chùa Phúc Khánh luôn thu hút nhiều Phật tử đến thành tâm lễ bái và cầu bình an, đặc biệt là vào ngày rằm tháng Giêng. |
Chùa Phúc Khánh là một trong những ngôi chùa đông đúc nhất Hà Nội mỗi dịp rằm tháng Giêng. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Sở, hay chùa Thịnh Quang. Đây cũng là một trong những ngôi chùa lâu đời và linh thiêng bậc nhất tại thủ đô. Với giá trị tín ngưỡng Bắc Tông, chùa vừa thờ Phật vừa thờ Thánh Mẫu cùng các chư vị cao tăng công đức vô lượng ở chùa.
Điện Phật trong chùa được bài trí tôn nghiêm và có 20 pho tượng có giá trị nghệ thuật cao. Chùa Phúc Khánh có 21 tấm bia đá, tấm cổ nhất là năm 1698; 3 đại hồng chung, chuông cổ nhất đúc năm 1796; 14 bộ bao lam (cửa võng) và các đồ thờ khác như bát hương đồng, long ngai, nhang án...
Chùa nổi tiếng linh thiêng nên hàng năm người dân tụ tập về đây lễ bái, lễ Phật, cầu bình an, cúng sao giải hạn, cầu siêu rất đông.
2.Chùa Hà
![]() |
Chùa Hà luôn rất đông khách thập phương đến tham quan, lễ Phật. |
Nếu như các chùa khác tập trung nhiều người có gia đình, trung niên tới cầu bình an, tài lộc thì chùa Hà là điểm đến của thanh niên. Bởi lẽ đây là ngôi chùa cầu duyên được coi là linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Chùa Hà được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), nổi tiếng là linh thiêng nên chùa thu hút rất đông khách thập phương đến tham quan, lễ Phật. Trai chưa vợ, gái chưa chồng đến sắp lễ xin tìm được một nửa của mình. Những đôi yêu nhau cũng đến chắp tay thành kính cầu cho tình duyên trăm năm hạnh phúc.
Khi đến chùa Hà, bạn sẽ thấy chùa được thiết kế thành từng khu riêng biệt với những ban thờ Phật và ban thờ Thánh Mẫu. Người dân đến đây cầu bình an, vạn sự hanh thông, tình duyên trọn vẹn sẽ cầu nguyện trước các vị Đức Ông, Đức Thánh Hiền, các vị Phật và tam tòa Thánh Mẫu. Khi bước sang đình Bối Hà bên cạnh, bạn sẽ thấy ban thờ Thành Hoàng làng Triệu Chí Thành - vị tướng thời Triệu Việt Vương có công đánh đuổi giặc Lương bảo toàn lãnh thổ của dân tộc.
3.Chùa Trấn Quốc
Trải qua bao cuộc bể dâu, Trấn Quốc vẫn là một trong những ngôi chùa thiêng liêng bậc nhất đối với Phật tử Việt Nam. Ngôi chùa cổ nhất của thủ đô Hà Nội đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngay từ đợt đầu (1962).
Chùa Trấn Quốc còn là một trong những ngôi chùa cổ đẹp nhất thế giới. Chùa được tọa lạc ở một vị trí rất đẹp đó là hòn đảo duy nhất của hồ Tây trên đường Thanh Niên nên phong thủy vô cùng hữu tình.
![]() |
Chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử, khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước. |
Chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử, khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước. Vào ngày rằm, đặc biệt là rằm tháng Giêng, người dân đổ về đây để cầu lộc, cầu sức khỏe, và bình an rất đông.
Đây cũng là ngôi chùa xưa kia thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãn cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, ngày lễ Tết.
Chùa Trấn Quốc theo hệ phái Bắc Tông, bên trong điện thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Quan Âm. Ngoài ra, còn có ban thờ Quan Vũ, Quan Bình, Chu Thương, Đức Ông cùng các thị giả.
4.Chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ (phố Quán Sứ) còn là trụ sở trung tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là ngôi chùa linh thiêng nằm giữa trung tâm Hà Nội.
|
Chùa Quán Sứ có địa chỉ ở số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đặc biệt đay là một trong rất ít ngôi chùa ở phía Bắc mà tên chùa cũng được viết bằng chữ Quốc Ngữ. Chùa Quán Sứ là nơi trang nghiêm thờ Phật, các vị Bồ Tát cùng Thiền sư Nguyễn Minh Không. Tại gian Quán Âm của chùa đặt bức tượng sáp của Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tạo hình tỉ lệ 1:1 rất chân thực như người thật.
Trong dịp năm mới, nhất là vào ngày rằm tháng Giêng, rất đông người dân đến chùa Quán Sứ để đi lễ cầu mong gia đình gặp nhiều may mắn, bình an.
5. Phủ Tây Hồ
![]() |
Phủ Tây Hồ được coi là một trong những ngôi đền linh thiêng để cầu tài lộc mỗi dịp đầu xuân năm mới. |
Phủ Tây Hồ (số 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội) nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông của Hồ Tây.
Phủ Tây Hồ là nơi thờ Chúa Liễu Hạnh. Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Chúa Liễu Hạnh là một trong Tứ bất tử (gồm Thánh Gióng, Sơn Tinh, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu). Bà là một trong những vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ mà cụ thể là tín ngưỡng thờ Mẫu - một trong những tín ngưỡng có lịch sử lâu đời và vô cùng độc đáo của Việt Nam.
Phủ Tây Hồ được coi là một trong những ngôi đền linh thiêng để cầu tài lộc mỗi dịp đầu xuân năm mới. Đây còn là ngôi chùa khiến các phật tử nghĩ đến mỗi khi muốn đi lễ vào ngày rằm và mùng 1 hàng tháng. Ngay từ ngày mùng Tết, người dân đã đổ về đây thắp hương cầu an. Đặc biệt, vào ngày rằm tháng Giêng, rất đông người dân đến Phủ Tây Hồ để cầu sức khỏe, may mắn, bình an cho cả gia đình.
6.Chùa Tảo Sách
![]() |
Chùa Tảo Sách cũng là một địa chỉ tâm linh, tín ngưỡng nhiều người tìm đến trong ngày rằm tháng Giêng. |
Chùa Tảo Sách, còn có tên chữ là Linh Sơn Tự ở thôn Nam, phường Nhật Tân ( Số 386 Đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội). Đây là một ngôi chùa có khuôn viên rộng lớn, cảnh quan đẹp đẽ, nước Hồ Tây vỗ ngay trước mặt tiền. Theo bi kí và câu đối ở đài kỷ niệm thì có thể chùa được dựng vào thời Tiền Lê.
Được đánh giá là một trong những chùa đẹp nhất Hà Nội với kiến trúc độc đáo và nằm kề hồ Tây lộng gió, chùa Tảo Sách được đông đảo cư dân và khách thập phương ghé thăm, nhất là vào rằm tháng giêng.
Người ta đến để thăm cảnh chùa, để làm lễ, để cầu xin… và cả để được ăn bữa cơm chay cho tâm hồn được thanh tịnh.
7.Chùa Hương
Chùa Hương là một trong những cái tên quen thuộc không chỉ với người dân Hà Nội mà các vùng miền khác cũng biết đến. Bởi lẽ đây là điểm đến đã đi vào rất nhiều tác phẩm văn học ca ngợi vẻ đẹp và những giá trị thiêng liêng của cảnh sắc và lịch sử của ngôi chùa. Chùa Hương, hay chùa Hương Sơn là quần thể tôn giáo – tâm linh nằm ven bờ phải sông Đáy, được hình thành từ thế kỳ 15.
Nơi đây được gọi là quần thể vì được tập hợp bởi các công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến. Quần thể chùa Hương bao gồm rất nhiều ngôi chùa thờ Phật, và các đình, đền thờ những vị thần và còn được gọi là chùa Trong và chùa Ngoài phân theo vị trí địa lý.
“Trẩy hội chùa Hương" từ lâu đã là hoạt động thường niên mỗi dịp lễ Phật Đản hay lễ Tết. Du khách bốn phương nô nức về đây ngoài đến dâng hương lễ Phật còn mong muốn tham gia vào các hoạt động văn hoá như chèo thuyền, leo núi, nghe hát chèo, hát văn,...
![]() |
Chùa Hương |
8. Chùa Linh Ứng
Chùa Linh Ứng được xây từ thế kỷ 19 và tôn tạo nhiều lần nên giờ đây ngôi chùa trông rất khang trang. Ngoài thờ Phật, chùa còn là nơi thờ đức thánh Trần, tức Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, và còn lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật quý từ thời Nguyễn.
Hiện tại chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia với những giá trị lịch sử, tâm linh và là chốn được nhiều người dân thủ đô và du khách gần xa ghé thăm.
![]() |
Chùa Linh Ứng |
9. Chùa Bộc
![]() |
Chùa Bộc |
Chùa Bộc, còn có tên là Sùng Phúc Tự hay Thiên Phúc Tự, được cho là khởi lập từ thời Hậu Lê với mục đích ban đầu là để thờ Phật. Tuy nhiên trải qua thời kỳ chiến tranh ác liệt, ngôi chùa lúc bấy giờ nằm gần chiến trường giữa quân Tây Sơn và quân Thanh, nên còn được xem là nơi để tưởng nhớ vua Quang Trung và vong linh những người lính tử trận.
Hiện tại chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, và vẫn còn lưu giữ những cổ vật giá trị từ thời Tây Sơn.
Ngày nay dù chùa tọa lạc trên một con phố tấp nập, sôi động nhưng không gian nơi đây vẫn yên bình, tĩnh lặng. Đặc biệt trong chùa còn có một cơ sở chữa bệnh bằng thuốc Nam nổi tiếng nữa.
10. Chùa Phổ Quang
Chùa Phổ Quang, hay còn gọi là chùa Tình Quang, do Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử kiến tạo và thành lập dưới thời vua Lê Thái Tông, tức cách đây khoảng 800 năm. Từ lúc ban đầu được xây dựng nơi đây được xem là chốn đại danh lam thắng cảnh của giang sơn thờ thành hoàng làng, và thờ Phật.
Mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử và nhiều lần trùng tu, kiến trúc ban sơ của ngôi chùa đã không còn nhưng hệ thống tượng tròn ở hiên chùa vẫn còn giá trị nghệ thuật của nó.
Nơi đây là chốn linh thiêng, an lạc thường được nhiều người lui tới để tìm về an yên và cầu điều lành.
![]() |
Chùa Phổ Quang |
11. Chùa Láng
![]() |
Chùa Láng |
Chùa có tên chính thức là Chiêu Thiền Tự. Nguồn gốc của chùa Láng là được xây trên chính nền nhà cũ của thiền sư Từ Đạo Hạnh từ thời vua Lý Thần Tông. Vì thế ngoài thờ Phật và các thần, chùa Láng còn là nơi thờ vua Lý và vị thiền sư này.
Điểm ấn tượng của chùa là công trình kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên, từ sân vườn đến những hàng cây cổ thụ. Nên ngày xưa chùa còn được biết đến là đệ nhất tùng lâm của chốn kinh kỳ Thăng Long.
Một sự việc thú vị về nơi này là khi xưa, các sĩ tử thường đến chùa Láng cầu xin thi cử đỗ đạt. Ngày nay, trước sân chùa là điểm ôn bài lý tưởng của các bạn học sinh, sinh viên vì sự kiện lịch sử này và cũng bởi nơi đây quá mát mẻ và yên tĩnh.
12. Chùa Pháp Vân
Chùa Pháp Vân, còn có tên chùa Nành, chùa Cả, là một ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nội. Được xây dựng từ thế kỷ 11, dưới thời nhà Lý, trải qua nhiều lần trùng tu hiện chùa nhưng vẫn còn giữ nguyên những kiến trúc điêu khắc trạm trổ cổ kính khi xưa. Trong khuôn viên chùa còn tọa lạc một ngôi Thủy Đình nổi bật trên hồ nước, vốn là nơi biểu diễn múa rối nước ở chùa năm xưa.
![]() |
Chùa Pháp Vân |