![]() |
Dưới đây là những kỷ lục bộ đội ta đã lập được trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ |
Khi dây tời kéo pháo bị đứt, ai đã dũng cảm hy sinh thân mình chèn pháo bảo vệ pháo an toàn đêm mùng 1 tháng 2 năm 1954? Đó là đồng chí Tô Vĩnh Diện. Với sự hy sinh dũng cảm này, đồng chí đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
- Ai đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai tạo điều kiện cho đồng đội tiến sâu vào sào huyệt của địch? Đó là chiến sĩ Phan Đình Giót. Anh đã hy sinh anh dũng tại cứ điểm Him Lam, ngày 13 tháng 3 năm 1954, khi quân ta mở đợt tấn công thứ nhất vào các căn cứ điểm vòng ngoài của địch ở phía bắc và đông bắc.
- “Những đồng chí thân chôn làm giá súng” trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu và sau này còn có một bài hát của Huy Du ca ngợi tấm gương hy sinh anh dũng của anh? Đó là ai? Và bài hát đó có tựa đề là gì? Chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn. Bài hát đó có tên là Bế Văn Đàn sống mãi.
- Hoạ sĩ nào đã hy sinh trên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ? - Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân.
- Trong trận Tà Lèng (phía đông Điện Biên Phủ), ai đã dùng lưỡi lê diệt năm tên địch và được truy tặng danh hiệu “Dũng sĩ đâm lê”? - Chiến sĩ Hoàng Văn Nô, Đại đoàn 316.
- Khi phá thác trên dòng suối Nậm Na để khơi thông dòng chảy cho thuyền chở gạo, có một cán bộ tiểu đội công binh đã dũng cảm ôm những gói bộc phá nặng mấy kg có đầu dây cháy chậm đã được điểm hoả, lặn xuống sông đặt vào hộc đá để phá đá. Người cán bộ đó là ai? Đó là đồng chí Phan Tư, thuộc Đại đội 555, Cục Công binh. Với thành tích này, đồng chí Phan Tư đã được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
- Chiến sĩ điện thanh nào đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân? Đó là chiến sĩ điện thanh Chu Văn Mùi. Khi được tuyên dương Anh hùng, Chu Văn Mùi là trung đội trưởng thông tin vô tuyến điện thuộc Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Trong trận chiến đấu ác liệt trên đồi A1, khi bị lọt vào giữa vòng vây địch, bị đói nhiều ngày, Chu Văn Mùi vẫn bình tĩnh, dũng cảm, dùng máy liên lạc, hướng dẫn các trận địa pháo ta bắn vào quân địch, bảo vệ thương binh.
- Chiến sĩ anh nuôi nào được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ? Anh nuôi Đinh Văn Mẫu. Khi được tuyên dương Anh hùng, Đinh Văn Mẫu đang là tiểu đội trưởng nuôi quân thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Thành tích của anh trong chiến dịch là khắc phục khó khăn, mưu trí, dũng cảm, vượt qua bom đạn, bảo đảm ăn uống cho bộ đội phòng ngự trên đồi C1, D1, D2.
- Những cán bộ, chiến sĩ nào được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ? Liệt sĩ Phan Đình Giót; Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện; Liệt sĩ Trần Can; Nguyễn Văn Ty; Lê Văn Trọng; Chu Văn Mùi; Phan Tư; Phùng Văn Khầu; Bùi Đình Cự; Đặng Đình Hồ; Trần Đình Hùng; Đinh Văn Mẫu; Đặng Đức Song; Lưu Viết Thoảng; Dương Quảng Châu (tức Dương Ngọc Chiến); Nguyễn Văn Thuần.
- Năm chiến sĩ Điện Biên về báo công lên Trung ương Đảng và Chính phủ là những ai?
1. Lê Thế Nhận - Đại đội trưởng 397, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308;
2. Bạch Ngọc Giáp - Trung đội trưởng Đại đội 806, Đại đoàn công pháo 351;
3. Hoàng Đăng Vinh - thành viên trong tổ chiến đấu vào hầm bắt sống Đờ Cát;
4. Nguyễn Quang Thuận - pháo thủ số 2 Trung đoàn pháo cao xạ;
5. Nguyễn Dũng - đại diện cho cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 57, Đại đoàn 304.
- Đám cưới của ai đã được tổ chức tại hầm Đờ Cát sau chiến thắng Điện Biên Phủ?
Đó là đám cưới đồng chí Cao Văn Khánh, lúc đó là Đại đoàn phó Đại đoàn quân Tiên Phong (Sư đoàn 308) và đồng chí Nguyễn Phúc Ngọc Toản, lúc đó là nữ quân y thuộc Đội điều trị số 2 thuộc Cục Quân y. Đám cưới được diễn ra vào chiều ngày 22 tháng 5 năm 1954.
- Người sĩ quan Pháp cuối cùng rời khỏi Điện Biên Phủ là ai? Lúc đó ông ta đang làm nhiệm vụ gì? Grôvanh. Lúc đó ông ta là thiếu tá quân y của quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi ra hàng, ông được lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận ở lại để chăm sóc các thương, bệnh binh Pháp.
- Người thuỷ thủ nào đã cùng các đồng chí của mình vận động một phong trào phản chiến dữ dội trong lính hải quân Pháp và trong công nhân bốc dỡ hàng quân sự ở cảng Mác xây, sau đó trở thành người lãnh đạo có uy tín của phong trào công đoàn, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp? Đó là Hăngri Máctanh. Sau này ông trở thành người phụ trách cơ quan phát hành báo L ’Humanité.
-Người nữ thanh niên Pháp nào đã nằm trên đường ray để ngăn chặn những chuyến tàu chở lính và vũ khí sang Việt Nam để phản đối cuộc chiến tranh Đông Dương của nhà cầm quyền Pháp? Đó là Ray mông Điêng. Chị đã sang thăm Việt Nam nhiều lần.
- Một nhà điện ảnh nổi tiếng của Liên Xô trước đây và thế giới, khi sang quay phim ở Điện Biên Phủ đã nói: “Cả thế giới đang chú ý đến Điện Biên Phủ. Trong phim của chúng tôi không thể thiếu hình ảnh Điện Biên Phủ được. Nếu chúng tôi có hy sinh, chúng tôi cũng rất vinh dự là những người Xôviết đầu tiên hy sinh cho cách mạng Việt Nam... Ông là ai và bộ phim về Điện Biên Phủ của ông có tựa đề gì?
Đó là Rôman Cácmen (1906-1978). Bộ phim tài liệu của ông về Điện Biên Phủ có tựa đề "Việt Nam trên đường thắng lợi”. Sau tám tháng ở Việt Nam, ông đã viết cuốn sách “Ánh sáng trong rừng sâu”.
- Ai đã đến Việt Nam và viết những bài báo “nảy lửa ” từ chiến khu Việt Bắc về đăng trên các báo Pháp, góp phần làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ thêm về cuộc chiến tranh phi nghĩa, về những thất bại và những chính sách sai lầm của thực dân Pháp ở Đông Dương?
Đó là Lêo Phighe (Léo Figuerre), Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Tổ chức thanh niên cộng sản Pháp, đồng thời là Phó Chủ tịch Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới. Ông đã đến Việt Nam từ giữa năm 1950 và từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để góp phần thúc đẩy phong trào chống chiến tranh của Pháp, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trao trả cho Pháp 228 tù binh và nhân viên dân sự Pháp; nhân dịp này Chính phủ ta đã đưa danh sách cho Lêo Phighe về Pháp công bố
- Ai lập kỷ lục vác hàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ? Trong một lần chuyển hàng đột xuất, Nguyễn Văn Thành (Vĩnh Phúc) vác được 100kg.
- Ai lập kỷ lục thồ nhiều nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ? Đó là anh Ma Văn Thắng (Phú Thọ) đã lập kỷ lục thồ bằng xe đạp được 352 kg, anh Cao Văn Ty (Thanh Hoá) thồ 320 kg một chuyến.
- Chiến sĩ nào lập được kỷ lục quai búa khi đục đá núi mở đường? Đó là chiến sĩ Tào Tư thuộc D555. Khi làm nhiệm vụ mở đường Tuần Giáo - Điện Biên, anh đã quai được liên tục 2.800 búa (loại 5kg), trong khi thông thường một người khoẻ chỉ có thể quai được 20 búa đã phải nghỉ lấy sức.
- Trung đội của anh hùng Phan Tư đã phá được bao nhiêu thác trong chiến dịch Điện Biên Phủ? 99 thác, riêng Phan Tư phá được 9 thác hung dữ nhất.
- Chiến sĩ nào lập kỷ lục về thành tích đào hầm hào đánh địch? Đó là chiến sĩ Phạm Viết Nghĩ. Trong cuộc thi đua đào trận địa, trong 18 đêm liền, một mình anh đào được 18 hầm và 110 mét hào dưới làn bom đạn địch.
- Kỷ lục bắn tỉa trong chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc về ai? Đồng chí Lục Văn Thông ở Trung đoàn 98 đã lập kỷ lục bắn tỉa: một ngày diệt 30 tên địch. Sau đó, phong trào “bắn tỉa” từ bộ binh đã lan sang các binh chủng khác. Phùng Văn Khầu với khẩu sơn pháo 75 trên đồi D1, nhân lúc địch di chuyển trận địa, đã dùng cách bắn tỉa lần lượt diệt bốn khẩu pháo 105 ly của địch.