Gia đình chồng có điều kiện, nhà lại ở Thủ đô, anh xã đẹp trai, công tác tại một cơ quan nhà nước có thu nhập ổn định, lại vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Xuân cũng là một tiểu thư, là con út trong gia đình, nên Xuân luôn được bố mẹ hết mực yêu thương, chăm sóc. Gia đình khá giả, nhưng tính cách của Xuân thì rất đỗi giản dị, chân thành. Bởi vậy mà các anh cảm mến Xuân không ít, và trong số ấy Xuân đã lựa chọn người bạn đời mà mình rung động bằng tất cả xúc cảm của mối tình đầu.
Thấm thoắt cô con gái đầu lòng của vợ chồng Xuân cũng lên lớp 4, cô công chúa thứ 2 bước vào lớp 1, cũng là lúc vợ chồng Xuân chạy chữa khắp nơi để tìm phương thuốc sinh một cậu con trai theo mong mỏi của bố mẹ chồng. Suốt 3 năm qua, niềm vui ấy vẫn chưa gõ cửa.
Trong tuyệt vọng về tinh thần, đớn đau về thân xác khi ca đặt phôi lần 2 thất bại. Nước mắt của người mẹ trẻ đã hiển hiện rõ nét quãng thời gian 10 năm làm dâu của cô:
Bố mẹ chồng Xuân đều là công chức nhà nước về hưu. Khi còn công tác, mẹ chồng Xuân từng làm trong ban chấp hành hội phụ nữ của cơ quan. Khi về nghỉ chế độ bà năng nổ tham gia làm tổ trưởng tổ dân phố. Bề ngoài hàng xóm ai ai cũng đều ngưỡng mộ với việc nuôi dạy con cái thành đạt, ngoan ngoãn của bố mẹ chồng cô. Nhưng chỉ có Xuân - người hàng ngày sống chung mới hiểu được sự lạnh lẽo, vô cảm bủa vây trong ngôi nhà ấy. Trong những bữa cơm quây quần cả đại gia đình bố chồng Xuân luôn bóng gió đề cập đến chuyện Xuân phải sinh cho ông một cậu con trai. Còn mẹ chồng Xuân, với tính cách vốn ghê gớm, trọng nam khinh nữ thì lại chọn cách nói thẳng tuột với hai vợ chồng: Hai đứa phải đẻ cho bằng được một thằng cu để nối dõi tông đường, có thế mới duy trì được nền nếp, phong tục của các cụ…
Mỗi lần bà nhắc đến chuyện đó, vợ chồng Xuân chỉ biết nhìn nhau và thở dài. Vấn đề chính nằm ở phía chồng Xuân. Hai vợ chồng đã đi khám bệnh viện chuyên khoa, bác sĩ kết luận việc sinh con trai của chồng Xuân là rất khó. Vì vậy, nhiệm vụ mà bố mẹ chồng giao cho đối với vợ chồng Xuân lúc này là việc không dễ dàng như bà nghĩ. Xuân đã nhiều lần bày tỏ cho mẹ chồng sự thực, nhưng trong suy nghĩ của bà, mọi nguyên do đều bắt nguồn từ người phụ nữ. Khi mới về làm dâu, mẹ chồng Xuân cũng rất đỗi quan tâm đến cô. Hai mẹ con cũng hay trò chuyện, tâm sự. Nhưng từ khi Xuân sinh bé thứ 2 là con gái, rồi việc bà thúc giục 2 vợ chồng sớm sinh thêm cậu con trai mà vợ chồng Xuân chưa làm được khiến mẹ chồng Xuân không khỏi muộn phiền. Phải chăng vì quá khao khát có được một đứa cháu trai mà tính tình mẹ chồng Xuân thay đổi. Bà trở nên soi mói, cay nghiệt, để ý vặt vãnh mọi sinh hoạt của Xuân trong gia đình. Anh là người đàn ông thương vợ, quý con, nhưng phải chăng “mưa dầm thấm lâu”, trước những lời thì thầm to nhỏ của mẹ, chồng Xuân cũng có lúc không giữ vững được lập trường. Không ít lần vì bà mà vợ chồng xô xát, thậm chí đã nghĩ đến chuyện ly hôn để giải thoát cho nhau.
Mặc dù anh chồng của Xuân đã sinh được con trai, về lý coi như có cháu đích tôn để nối dõi, duy trì việc hương khói cho dòng họ. Nhưng mẹ chồng Xuân vẫn tạo áp lực sinh con trai lên vợ chồng Xuân với lý do rất giời ơi rằng chồng Xuân là con thứ nhưng mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do chồng cô đứng ra lo liệu cả.
Không muốn gia đình nhỏ tan đàn sẻ nghé mà suốt 3 năm qua vợ chồng Xuân đã không ngừng tìm kiếm, tiếp cận mọi phương pháp y học hiện đại để có thể sinh con thêm lần nữa. Chồng Xuân cũng rất tích cực hợp tác cùng vợ trong việc đi khám chữa, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để có được kết quả điều trị tốt. Còn với Xuân, thuốc nội tiết, thuốc kích trứng, thuốc giảm đau, có những viên thuốc bên ngoài bọc bằng giấy bản vo viên trông rất kỳ lạ... mỗi ngày đưa vào cơ thể người mẹ trẻ một nhiều. Sau mỗi lần lấy phôi, bơm kích trứng, cấy phôi như thế... những cơn đau vật vã không rõ nguyên nhân xuất hiện ngày càng nhiều. Có lúc người Xuân lạnh toát, trán vã vượi mồ hôi, bụng trương cứng, hay mỗi khi thay đổi thời tiết là toàn thân mẩn ngứa… do tác động của thuốc gây ra.
Ba năm, là 36 tháng, là 1.095 ngày, là 26.280 giờ người con dâu vì thương 2 con gái nhỏ, không muốn con mất đi tình yêu thương và sự chăm sóc của bố mà đành chấp nhận tốn kém tiền bạc để thực hiện ước nguyện của bố mẹ chồng. Đối với vợ chồng Xuân, nếu như việc này cứ đeo đuổi mãi thì một lúc nào đó gia đình cô sẽ không thể có tiền tích lũy để xây dựng, phát triển cuộc sống ổn định, không có kinh tế để chi phí cho việc học tập, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là quan tâm chu đáo cho hai công chúa nhỏ đang mỗi ngày một lớn. Và nếu như việc này không kết thúc sớm, thì sẽ còn những mất mát, hao tổn sức khoẻ, nguy cơ dẫn đến ung thư cao sau mỗi lần tiêm thuốc, kích trứng... những tổn hại về thể chất, mỏi mệt, căng thẳng về tinh thần mà bác sĩ đã khuyến cáo sẽ không gì đong đếm nổi.
Chúng ta đã đi qua gần một thập kỷ của thế kỷ XXI, cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đai, cùng với đó là các chương trình về bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta đã được tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể bà con trên mọi miền Tổ quốc, bản thân mẹ chồng Xuân lại là một cán bộ công chức hưu trí, có tri thức, từng tham gia hoạt động đoàn thể, quần chúng, đúng ra mẹ chồng Xuân phải là người đầu tiên hiểu được vấn đề nam nữ bình quyền trong cuộc sống ngày nay. Cớ sao bà lại mang ý nghĩ cổ hủ, phong kiến. Sống giữa thời đại công nghệ thông tin phát triển hiện đại nhưng mẹ chồng Xuân vẫn giữ lối suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu. Theo bà sinh con trai để nối dõi dòng giống, là để gìn giữ phong tục của các cụ ư? Đó là hủ tục chứ không thể là phong tục.
![]() |
Hình ảnh minh họa |
Là mẹ chồng Xuân không hiểu hay cố tình mang tâm chấp chước, bướng bỉnh, ngoan cố với lối suy nghĩ còn tối, cái suy nghĩ không thông suốt, còn u mê, khư khư giữ tư tưởng con trai tốt hơn con gái thời phong kiến. Xin bà đừng dùng chữ “phong tục” để bao biện cho sự ích kỷ và sĩ diện của bản thân. Phong tục là những giá trị thuộc về nét đẹp, sự văn minh, nó hoàn toàn đối lập với những hủ tục mà bà đang gây sức ép bắt con dâu làm. Và việc hương khói, chăm sóc, báo hiếu đấng sinh thành có ai cấm con gái làm đâu? Con gái cũng là con của mình, cũng mang một nửa bộ gen và dòng máu của mình. Phải chăng chính những người cổ hủ như bà đã tự gạt đi cái quyền được yêu thương, săn sóc ấy từ những người con gái. Sinh con trai là gìn giữ phong tục của các cụ ư? Tạo áp lực cho người khác, để người khác phải chịu đựng sự sa sút về sức khỏe, hoang mang về tinh thần thì đó là hành động chà đạp lên những giá trị nhân văn tốt đẹp bấy lâu nay của dân tộc Việt Nam - một nét văn hóa thực sự cần gìn giữ và phát huy.
Thiết nghĩ, mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, đừng ép buộc người khác phải theo đuổi những mong mỏi hư ảo, ích kỷ của bản thân. Hãy tự tạo ra niềm vui và tận hưởng hạnh phúc từ chính những gì ta đang có trong cuộc sống thực tại. Và như thế, cuộc đời của những cô gái sinh con một bề như Xuân sẽ vơi đi những giọt nước mắt rơi…
Nguyễn Chương Mỹ Bình