Trong các ngày 19.3 và 20.3, tại khu vực nhà chính thuộc chợ Hạ Long 1 (phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) vắng lặng, hàng trăm gian hàng trong chợ cửa đóng then cài.
Đáng chú ý, trong ngày 19.3, nhiều tiểu thương chợ Hạ Long 1 cũng đã kéo đến UBND tỉnh để phản đối việc ban quản lý chợ tăng giá vệ sinh môi trường, sau đó cắt điện đối với những người không chấp hành việc đóng tiền vệ sinh môi trường theo mức thu mới.
![]() |
Chợ Hạ Long 1, Quảng Ninh. Ảnh: Báo Giao thông |
Trước đó, ngày 7.3, UBND thành phố Hạ Long đã ra thông báo về việc điều chỉnh mức phí vệ sinh môi trường của 5 ngành hàng chính tại chợ. Trong đó ngành hàng hải sản tươi sống tăng từ 125.000 đồng lên 235.000 đồng; kinh doanh ăn uống, thực phẩm tăng từ 100.000 đồng lên 210.000 đồng; ngành hàng rau củ quả tăng từ 85.000 đồng lên 195.000 đồng; kinh doanh hoa quả, giải khát tăng từ 75.000 đồng lên 165.000 đồng; ngành hàng khác (quần áo, điện máy tạp phẩm) tăng từ 65.000 đồng lên 135.000 đồng.
Trong số 1.437 hộ kinh doanh tại chợ Hạ Long I, có hơn 1.000 hộ đồng thuận với việc điều chỉnh giá. Các tiểu thương ngành hàng rau củ quả, hải sản tươi sống vẫn hoạt động bình thường.
Riêng ngành quần áo và tạp phẩm, bị các tiểu thương phản ứng vì cho rằng hoạt động của mình không gây ô nhiễm, mất vệ sinh.
Việc các ki ốt đồng loạt đóng cửa, không bán hàng đã gây cho người tiêu dùng cảm thấy lo lắng cũng như việc mua bán của người dân gặp rất nhiều khó khăn do phải di chuyển khá xa mới có thể mua đồ. Đây là khu chợ trung tâm nên du khách cũng thấy "thất vọng" khi đến đây mà không được mua sắm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, một tiểu thương ngành hàng tạp phẩm, cho biết: “Hôm nay, cả chợ không ai bán hàng để phản đối về việc ban quản lý chợ tự ý tăng giá vệ sinh môi trường, sau đó cắt điện 3 ngày nay”. Tương tự, tiểu thương Nguyễn Thị Vân cho rằng, việc tăng thu phí môi trường đối với ngành hàng quần áo mà tiểu thương này kinh doanh là không hợp lý, bởi đây là mặt hàng ít tác động đến môi trường của chợ.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long cho biết: "Chợ Hạ Long 1 do Ban quản lý chợ và UBND thành phố phụ trách và xử lý mọi việc. Do chợ nằm trên địa bàn nên chúng tôi cũng luôn theo sát tình hình và cho rằng đây là hành vi tự phát của một số tiểu thương và chưa ảnh hưởng gì lớn đến vấn đề dân sinh".