![]() |
Một góc nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn |
Ngày 11/9/2021 Chuyên trang Tầm Nhìn báo Tri Thức và Cuộc sống đăng tải bài báo “Nợ lương công nhân trách nhiệm thuộc về ai?”. Sau 5 tiếng đồng hồ đăng tải đã có hàng ngàn độc giả khắp 3 miền cả nước cập nhật chia sẻ. Hàng trăm cuộc điện thoại gửi đến tờ báo hoan nghênh sự sâu sát thực tế, thấu hiểu tình hình, cảm thông với những người yếu thế trong xã hội. Lên án cái sai, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
https://tamnhin.trithuccuocsong.vn/no-luong-cong-nhan-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-109215.html
Những “chủ nợ” bất đắc dĩ
Ông Nguyễn Tuấn Toàn thường trú tại Quận 12 thành phố Hồ Chí Minh và ông Phan Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Phú Vĩnh Thành, địa chỉ tỉnh Bình Dương, đơn vị cung cấp thiết bị và lao động đại diện hơn 200 công nhân làm việc tại Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 chưa được nhà thầu trả lương nhiều tháng qua đã có đơn kêu cứu gửi đến các cấp có thẩm quyền và các cơ quan thông tin đại chúng.
Sau khi Chuyên trang Tầm Nhìn phản ánh sự việc gây bức xúc dư luận về việc nhà thầu Dự án nợ lương người lao động. Trực tiếp đại diện của các chủ nợ “bất đắc dĩ” này thông qua điện thoại đã gửi lời cảm ơn và hoan nghênh Chuyên trang Tầm Nhìn báo Tri Thức và Cuộc sống phản ánh chân thực về những “mảng tối” của Dự án này trong đó nổi lên vấn đề vi phạm quyền lợi chính đáng của người lao động. Đặc biệt trong thời gian chống chọi với dịch covid.
Làm rõ hơn về lá những đơn kêu cứu của mình. Ông Nguyễn Tuấn Toàn cho biết: Ông đứng ra ký hợp đồng và trực tiếp cùng công nhân của mình từ những ngày đầu thi công Dự án. Do khắt khe về an toàn và chất lượng, áp lực về tiến độ thi công của Dự án nên những tháng thời điểm cuối của Dự án. Ông Toàn đã buộc phải thế chấp căn nhà ở duy nhất của gia đình để lấy tiền chi phí ăn ở, bồi dưỡng động viên người lao động để họ yên tâm làm việc. Nhưng cũng chính từ việc quan tâm tới người lao động này mà đến nay nhà ở của gia đình ông Toàn đang có nguy cơ bị siết nợ dẫn đến tình cảm gia đình vợ con sứt mẻ.
![]() |
Công nhân miệt mài thi công 3 ca để kịp tiến độ |
Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Phan Văn Thành ký hợp đồng đưa công nhân tham gia thi công Dự án. Do phải vay vốn Ngân hàng để trả lương cho người lao động, chậm trả lãi Ngân hàng nên đã bị Ngân hàng xếp vào hồ sơ nợ xấu. Hiện tại, doanh nghiệp của ông đang chờ hoàn tất thủ tục phá sản vì không còn khả năng duy trì doanh nghiệp.
Ông Thành còn cho biết thêm: Không chỉ có doanh nghiệp của ông kêu cứu mà còn một số doanh nghiệp khác nữa tham gia thi công Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 đã hoặc đang trên bờ vực phá sản do chậm thanh toán tiền lương và thiết bị từ Tổng thầu LILAMA và nhà Đầu tư Ban Quản lý Dự án Đông Nam Bộ. Tất cả các phản hồi sau bài báo nổi lên dư luận đều “tiếc rẻ” cho rằng:
Giá như những người có trách nhiệm ở dự án lớn này đừng thiếu trách nhiệm, không vô cảm trước khó khăn của người lao động thì đã không đẩy hàng trăm con người đến cảnh khốn cùng? Giá như mốc 90% theo qui định được thanh toán kịp thời, sòng phẳng thì nụ cười sẽ thay thế những khuôn mặt thiểu não. Và, giá như sẽ không có một doanh nghiệp, doanh nhân nào phải đi vào con đường phá sản thì hạnh phúc sẽ hoàn mỹ biết nhường nào?
Trách nhiệm của những người trong cuộc?
Sau khi bài báo được đăng tải, phóng viên làm một cuộc khảo sát qua phỏng vấn: Ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Giám đốc xây dựng nhà thầu phụ Đức Châu cho rằng mặc dù nhà thầu Đức Châu đang là “con nợ” được bài báo nêu đích danh, nhưng nhà thầu vẫn chân thành cảm ơn quí báo đã quan tâm phản ánh chân thực, không nói quá việc nợ lương người lao động ở Dự án này.
Hỏi về con số Đức Châu đang nợ lương trong bài báo phản ánh? Ông Đạt cho rằng: Con số đó mới chỉ thể hiện ở 2 lá đơn kêu cứu của người lao động gửi cho quí báo. Còn thực tế Đức Châu đang nợ vượt xa con số 200 người này. Chưa kể số nợ các nhà cung cấp lao động, vật tư thiết bị khác cũng không hề nhỏ.
Việc đó đã gây áp lực mất kiểm soát đối với nhà thầu ở cả thời điểm đang gấp rút thi công cũng như hiện tại. Áp lực trả nợ của Đức Châu là vô cùng lớn. Nếu không nhanh chóng giải quyết thì diễn biến xấu và phức tạp về an ninh trật tự chắc chắn sẽ khó kiểm soát.
Hỏi nhà thầu có hướng gì giải quyết tình trạng nợ trên? Ông Đạt cho rằng: Do số tiền nợ còn quá lớn, mấy chục tỷ đồng. Mọi nguồn lực của mình, kể cả vay mượn Ngân hàng, nhà thầu đã dồn hết vào thi công để hoàn thành Dự án đúng tiến độ nên đành bất lực. Chỉ còn phương án duy nhất là trông chờ vào nhà Đầu tư và Tổng thầu tháo gỡ. Nếu chúng tôi được thanh toán nhanh mốc 90% hợp đồng thì mọi vướng mắc của người lao động và các doanh nghiệp cung cấp vật tư thiết bị nhà thầu đang nợ sẽ được giải quyết.
![]() |
Công trình trọng điểm quốc gia đã hoàn thành gần 9 tháng nhưng nhà thầu vẫn nợ lương công nhân |
5 lần liên hệ với ông Lê Xuân Hiệu - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đông Nam Bộ (chủ đầu tư) để trao đổi về nội dung bài báo và hướng giải quyết sự việc này nhưng ông Hiệu đều viện cớ né tránh!?
Liên lạc phỏng vấn Tổng thầu LILAMA. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Tổng thầu nhiều tháng qua đã có văn bản gửi các nhà thầu phụ yêu cầu báo cáo danh sách nợ lương để Tổng thầu trực tiếp giải quyết nhưng đều không có phản hồi. Nên không có việc nợ lương công nhân của Dự án.
Về bài báo trên chuyên trang Tầm Nhìn báo Tri thức và Cuộc sống ông Hùng tuyên bố: Không tiếp chuyện và “cấm cửa” phóng viên vì tội làm “đảo lộn” lãnh đạo Dự án. Đồng thời kèm theo lời đe dọa sẽ kiện lên Ban Tuyên giáo Trung ương để xử lý tờ báo và phóng viên viết bài (?)
Trao đổi với ông Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nam Côn Sơn 2 (dưới quyền ông Hùng) ông Tuấn thừa nhận đã nhiều lần tiếp và chứng kiến số đông người lao động và các nhà thầu phụ đến văn phòng Ban để yêu cầu trả lương, thanh toán tiền vật tư, thiết bị nhưng ông không có thẩm quyền giải quyết. Về nội dung bài báo đã phản ánh, ông thừa nhận là rất trung thực, khách quan về những tồn tại đối với quyền lợi của người lao động làm việc tại Dự án này.
Trong lúc đang viết bài báo tiếp theo về sự kiện này, tác giả liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại cung cấp thông tin, chứng cứ về nhà thầu nợ tiền lương và vật tư, thiết bị thi công Dự án với mong muốn công luận lên tiếng đòi lại công bằng? Những trường hợp như thế này ở Hà Nội cách xa Dự án hàng ngàn ki-lô-mét chắc ông Phó Tổng Giám đốc LILAMA Nguyễn Văn Hùng không thể biết được rằng Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 do LILAMA là Tổng thầu đang nợ lương công nhân lao động của các nhà thầu phụ? Không lẽ để các doanh nghiệp tham gia thi công bị siết nợ, bị phá sản, và công nhân bị đói vì bị nợ lương kéo dài, thì Phó Tổng Giám đốc LILAMA Nguyễn Văn Hùng mới biết chăng?
Như vậy bài báo “Nợ lương công nhân trách nhiệm thuộc về ai?” đã được rộng rãi dư luận đồng tình ủng hộ. Tin tưởng quyền lợi chính đáng của người lao động sẽ được bảo vệ? Tin tưởng nhưng vẫn băn khoăn khi ông lớn “Quyền sinh, quyền sát” là Tổng thầu LILAMA vẫn đang né tránh trách nhiệm của mình. Tổng thầu không những không tiếp thu sửa chữa sai phạm của mình còn lộng ngôn, quan liêu, vô trách nhiệm; và... lại thiếu hiểu biết pháp luật?
Dư luận mong muốn Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sớm vào cuộc chấn chỉnh công tác cán bộ thuộc quyền. Nhanh chóng chỉ đạo giải quyết quyền lợi chính đáng của người lao động và doanh nghiệp. Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có thêm thông tin mới.