Nâng cao giá trị, hiệu quả
Tỉnh Vĩnh Long có diện tích cây trái thứ hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Tiền Giang. Với lợi thế từ cây ăn trái, địa phương này đã phát triển mạnh các vùng chuyên canh như: cam sành ở huyện Trà Ôn và Tam Bình, chôm chôm ở huyện Long Hồ, bưởi Năm Roi ở thị xã Bình Minh...
Mỗi vùng chuyên canh đều có hợp tác xã, các tổ hợp tác được chứng nhận các mô hình an toàn sinh học và có đầu ra tương đối ổn định. Các sản phẩm cây ăn trái từng bước đảm bảo theo thị trường tiêu thụ. Mẫu mã, chất lượng ngày càng được nông dân quan tâm, nhất là khả năng vận chuyển theo hướng hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh.
Trong đó, tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, Hợp tác xã cam sành Phương Thuý chỉ mới thành lập năm 2019, nhưng đến nay đã trở thành một trong những Hợp tác xã điểm của tỉnh chuyên về cây cam sành. Khi mới thành lập, Hợp tác xã chỉ có 25ha trồng cam sành, nhưng đến nay đã phát triển lên 65ha, sản xuất tập trung diện tích lớn, mỗi khu vực liền kề từ 20- 30ha.
![]() |
Tỉnh Vĩnh Long có nhiều lợi thế trong việc trồng cây ăn trái. |
Theo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững. Trong đó, việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm cũng ngày càng được quan tâm và diện tích áp dụng ngày càng gia tăng, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nông dân cũng chủ động thực hiện cải tạo vườn tạp, vườn có hiệu quả kinh tế thấp.
Phát triển bền vững
Đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được nhiều mô hình được ký cam kết an toàn thực phẩm cùng với mô hình người dân tự thực hiện. Qua đó, đạt chứng nhận VietGAP hơn 260 ha trên nhiều loại cây trồng. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai đề án phát triển nông nghiệp̣ hữu cơ đến năm 2030.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, thực hiện từ 3- 5 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh; nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm trên một hécta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3- 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Để phát triển chuỗi giá trị trái cây của tỉnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tăng cường hướng dẫn nông dân theo dõi và kịp thời phòng trị các dịch bệnh trên vườn cây ăn trái; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp thâm canh, tăng chất lượng và hiệu quả sản xuất trái cây chủ lực của tỉnh.
Đồng thời, theo dõi tình hình sản xuất, kiểm tra bảo vệ cây trồng trước khí hậu khắc nghiệt, nắng hạn và nhiễm mặn bất thường.
Mới đây, tại cuộp họp báo quý II, tỉnh Vĩnh Long, ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 120 nghìn hécta trong đó cây ăn trái chiếm gần 50%.
Hiện nay, đối với mặt hàng bưởi năm roi, chôm, nhãn, thanh long, khoai lang, xoài,... của tỉnh Vĩnh Long, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh vẫn đang tiếp tục đề nghị Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cấp thêm mã số vùng trồng. Ông Trương Thành Dãnh cũng cho biết, diện tích đất trồng cam sành chiếm tỷ trọng cao là 14.973 hecta, giá tương đối ổn định và có lãi nên diện tích đất trồng cam sành sẽ tăng nhanh.
Bên cạnh đó, ông Trương Thành Dãnh cho biết thêm: "Vừa qua, mã số vùng trồng khoai lang được Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cấp 4 mã, Sở đề nghị cấp 30 nhưng chưa đủ hồ sơ vì hiện nay giá khoai lang thấp, quá khó khăn nên bà con không trồng, không làm mã số vùng trồng được. Khi nào đàm phán xong và sản xuất theo tiêu chí bên phía Trung Quốc thì chúng ta mới giải quyết cho khoai lang xuất khẩu được".
Hải Lam