![]() | Gần 700 bệnh nhân tâm thần đầu tiên được tiêm vắc xin phòng COVID-19. |
![]() | Đề xuất cho xe buýt Hà Nội hoạt động trở lại |
![]() |
Ảnh minh họa |
Vaccine - "vũ khí" bảo vệ hiệu quả phụ nữ mang thai trước COVID-19
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện chưa có bằng chứng nào được ghi nhận về ảnh hưởng của vaccine phòng COVID-19 lên sức khỏe của thai nhi. Thậm chí, việc tiêm vaccine cho thai phụ không chỉ tạo được miễn dịch cho chính bản thân người mẹ mà còn có khả năng tạo được miễn dịch cho thai nhi vì kháng thể được truyền qua nhau thai. Vì vậy, thai phụ hoàn toàn yên tâm vì vaccine sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi.
"Điều quan trọng là tất cả phụ nữ mang thai tại các quốc gia cần biết rằng, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ có lợi ích nhiều hơn là không tiêm chủng nếu đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh. Và phụ nữ mang thai cần được cung cấp vaccine nếu họ muốn tiêm".
Theo nghiên cứu mới nhất của Mỹ, phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 15 lần, nguy cơ phải đặt ống thở cao gấp 14 lần so với bình thường. Và nguy hiểm hơn, thai phụ mắc COVID-19 còn có nguy cơ sinh non cao gấp 22 lần so với những phụ nữ mang thai không mắc bệnh.
Việc mắc COVID-19 trong lúc đang mang thai có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như sinh non, trẻ sơ sinh yếu phải chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt, thậm chí thai chết lưu.
![]() |
Khoa học khẳng định tiêm vaccine giúp bảo vệ thai phụ và truyền kháng thể cho trẻ sơ sinh.
Theo Bà Rochelle Walensky, giám đốc CDC mỹ, khẳng định: ‘’Vaccine COVID-19 an toàn cho thai phụ và có thể tiêm vào bất kỳ giai đoạn nào, chúng tôi đã ghi nhận những trường hợp kháng thể tạo ra nhờ vaccine đã được truyền từ mẹ sang bé".
"Chúng tôi có dữ liệu chứng minh rằng vaccine dù được tiêm vào bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú đều thực sự an toàn và hiệu quả, không có tác dụng phụ đối với mẹ và bé", bà Walensky khẳng định.
Một nghiên cứu của Mỹ cho kết quả những bà mẹ mới sinh từng vượt qua COVID-19 có thể truyền kháng thể virus SARS-CoV-2 cho con cái qua sữa mẹ trong 10 tháng.
Trong cảnh báo được phát ngày 29/9, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nhấn mạnh "đặc biệt khuyến cáo nên tiêm vắc xin COVID-19 trước hoặc trong khi mang thai vì lợi ích của việc tiêm phòng vượt trội hơn những rủi ro đã biết hoặc tiềm ẩn".
Ngoài người đang mang thai, CDC đề nghị những người vừa sinh con và đang nuôi con bằng sữa mẹ hoặc đang chuẩn bị có con cũng nên tiêm vaccine COVID-19.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập sữa do 75 bà mẹ quyên góp, họ đều từng mắc COVID-19 và hồi phục. Họ phát hiện ra rằng 88% mẫu sữa chứa kháng thể có thể chặn virus gây lây nhiễm trong đường hô hấp.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng gần một nửa phụ nữ có nồng độ kháng thể COVID-19 trong sữa của họ cao hơn theo thời gian. Điều này gây bất ngờ bởi kháng thể trong máu thường giảm đi theo thời gian.
Khẩn trương tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần
Với lợi ích của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú, ngày 10/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 3802/QĐ-BYT đưa phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên vào chỉ định tiêm chủng, đồng thời đưa phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ ra khỏi nhóm cần thận trọng tiêm chủng.
Ngày 10/9/2021, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 4355/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, trong đó quy định tiêm cho phụ nữ mang thai.
Theo "Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19" của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai, đang cho con bú chống chỉ định với vaccine COVID-19 Sputnik V.
Các sản phụ và bà mẹ đến tiêm được thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt, khám sàng lọc theo quy định của Bộ Y tế bằng các trang thiết bị hiện đại đảm bảo an toàn, chính xác của phòng khám.
Ngoài ra, các bác sĩ và nhân viên y tế còn thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19, kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến tiền sử dị ứng, tiền sử sử dụng thuốc, từ đó chỉ định và có những khuyến cáo trước khi tiêm.
Đối với phụ nữ mang thai, bên cạnh việc khám sàng lọc cho mẹ, các bác sĩ đều thực hiện khám thai, đánh giá tình trạng thai nhi và sàng lọc trước tiêm.
Sau tiêm, các sản phụ sẽ được theo dõi sức khoẻ tại chỗ trong 30 phút, nhân viên của phòng khám sẽ hướng dẫn cho sản phụ và các bà mẹ tiếp tục theo dõi trong 24 giờ đầu tiên và 7 ngày sau tiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế.