Diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh hàng năm khoảng 8.000 ha gây giảm rất lớn về năng suất, sản lượng sắn và thu nhập của người nông dân, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động của các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có diện tích sản xuất sắn hàng năm dao động khoảng 14.000 ha - 16.000 ha, cây sắn từng là cây xóa đói giảm nghèo của nông dân đại bộ phận khu vực miền núi.
Chính vì lẽ đó, việc tìm kiếm các giải pháp nhằm ứng phó với bệnh hại này là một trong các nhiệm vụ cấp bách của ngành nông nghiệp. Trong năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định chi ngân sách hơn 365 triệu đồng mua giống sắn HN3 từ Viện Di truyền Nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) với hình thức chỉ định thầu. Báo giá của sản phẩm là 3.500 đồng/1 hom sắn.
Sau khi mua, 100.000 hom giống này đã được cấp phát về trồng tại 2 xã Hành Nhân (huyện Nghĩa Hành) và xã Sơn Cao (huyện Sơn Hà); mỗi xã 5ha niên vụ 2021-2022 với mục đích trồng nhân giống cho các mùa vụ sau.
Đáng nói, việc đưa giống này vào trồng gây ra lo ngại về pháp lý. Bởi hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt, được quy định tại khoản 1, Điều 9, Luật Trồng trọt: “Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bốlưu hành, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.
Báo cáo kết quả từ cơ quan chuyên môn tỉnh này cho biết giống sắn HN3 có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn. Sau khi thu hoạch, ngành trồng trọt đã để lại số giống HN3 cho 10ha ở 2 xã này tiếp tục trồng; số còn lại thu gom và cấp phát về các xã khác để tiếp tục trồng... mở rộng bất chấp các quy định của luật như đã nêu.
![]() |
Diện tích triển khai trồng "thử nghiệm" giống sắn HN3 tại xã Hành Nhân (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi). |
Ông Nguyễn Hòa Phương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Nhân – cho biết: “Giống sắn HN3 được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cấp về và hỗ trợ toàn bộ các khâu từ giống, phân bón, kỹ thuật trồng.
Thực địa tại nơi trồng giống HN3, người dân canh tác ở đây cho rằng giống sắn này là giống “nhà giàu” khi phải bón 3 lần phân, trồng cây cách nhau 1m và phải chăm sóc kỹ lưỡng.
Trong khi đó, giống KM94 được người dân trồng nhiều năm nay có thể xen canh với cây lạc, thu hoạch lạc xong chỉ bón thúc một lần và ít công chăm sóc hơn.
Theo ông Phương, giống sắn KM94 cây thẳng đứng nên thích hợp trồng xen canh, còn giống HN3 cây lên tán xuề xòa, không trồng xen canh với cây ngắn ngày được.
![]() |
Giống sắn HN3 sớm đẻ nhánh, trổ hoa khiến cho tán phủ rộng không thể trồng xen canh cây ngắn ngày khác. |
Cũng tại xã Hành Nhân, phóng viên được người dân cho biết, phương thức so sánh của ngành chuyên môn là dùng giống HN3 được chăm bón phân và hướng dẫn kỹ thuật kỹ càng đem so với một bên là giống KM94 được nhổ ngẫu nhiên của ruộng dân (bị nhiễm bệnh, chăm sóc không theo quy trình) bên cạnh.
“Nhìn chung, ngoài kháng bệnh thì giống HN3 có nhược điểm là đẻ nhánh, tán cây phát triển xuề xòa, cây yếu, không chống chịu được thời tiết mưa bão, không thể trồng xen canh. Do đó, nếu không có bệnh khảm lá thì dân vẫn chọn giống KM94”, ông Phương cho biết.
Hiện tại, ngoài các vùng trồng thí điểm thì toàn bộ diện tích trồng sắn ở Quảng Ngãi vẫn đang trồng các loại giống truyền thống, với tình hình bệnh khảm lá ngày càng nhiều.
![]() |
Giống KM94 sạch bệnh được người dân canh tác theo phương pháp truyền thống, kết hợp xen canh. |
Đưa giống chưa được phép vào trồng mở rộng
Trước tình hình dịch bệnh, từ năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã có nhiều chỉ đạo nhằm tìm giống sắn mới kháng bệnh. Trong đó, có việc chỉ đạo trồng giống sắn HN3, HN5.
Mặt khác, khi tham vấn ý kiến của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT, tỉnh đã nhận được phúc đáp của Cục trưởng Nguyễn Như Cường ngày 13/4/2022 như sau: “Đến nay đã có 6 giống sắn kháng bệnh khảm lá sắn được công bố lưu hành tại vùng Đông Nam Bộ bao gồm: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97; đơn vị trình hồ sơ tự công bố lưu hành giống là Viện Di truyền Nông nghiệp. Hiện nay, Viện Di truyền Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai khảo nghiệm các giống sắn nêu trên ở các vùng sinh thái khác nhau để có cơ sở hoàn thiện hồ sơ công bố lưu hành giống đảm bảo theo quy định để các địa phương có căn cứ mở rộng diện tích trong sản xuất”.
Cục khẳng định: “Các giống sắn nêu trên chưa được công bố lưu hành cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng nên chưa đủ căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn để mở rộng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.
![]() |
Các giống sắn HN3, HN5 của Viện di truyền Nông nghiệp hiện chưa được phép lưu hành tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, việc sản xuất, buôn bán, nhập khẩu các giống này là hành vi bị nghiêm cấm. |
Tuy nhiên, ngày 22/4/2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chỉ đạo thực hiện việc trồng giống mới HN3 trên địa bàn 3 huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành.
Sau đó, ngày 11/7/2022, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi đã làm tờ trình về kế hoạch sản xuất thí điểm 20ha giống sắn HN3 và HN5 tại 8 huyện thị dù biết khuyến cáo của Cục Trồng trọt.
Kế hoạch này đã được ông Trần Phước Hiền phê duyệt tại quyết định số 108/KH-UBND ngày 13/7/2022 với tổng kinh phí hơn 744 triệu đồng cho niên vụ sắn 2022-2023. Theo đó, tại huyện Nghĩa Hành, niên vụ 2022-2023 mở rộng trồng thí điểm 27,5ha với 187 hộ dân của 6 xã tham gia.
Đồng thời, ngày 17/10/2022, ông Trần Phước Hiền ký công văn chỉ đạo Sở NNPTNTtiếp tục triển khai “trồng thí điểm” giống sắn HN3 bằng cách gom nguồn hom giống ở 2 mô hình huyện Sơn Hà và Nghĩa Hành “cấp phát cho nông dân sản xuất trong niên vụ sắn 2022-2023”.
Ngày 27/12/2022, ông Trần Phước Hiền tiếp tục ký công văn gửi Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cung ứng giống sắn HN3 để đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra là 34ha, lượng hom giống là 340.000 hom.
Đáng nói, trong quá trình này, giống sắn HN5 là một trong các giống sắn đang được Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: “Tuyển chọn, nhân nhanh một số giống sắn mới kháng bệnh khảm lá, năng suất cao phục vụ canh tác sắn bền vững tại tỉnh Quảng Ngãi”.
Và theo tìm hiểu, cụm từ “sản xuất thí điểm” không có trong Luật Trồng trọt 2018 và Nghị định 94/2019/NĐ-CP.
Không tiếp tục triển khai vì thiếu giống?
Rất lạ, sau đó Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi có đề nghị dừng kế hoạch trồng thí điểm. Ngày 15/2/20223, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có thông báo kết luận của Phó chủ tịch Thường trực Trần Hoàng Tuấn “thống nhất dừng thực hiện kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 13/7/2022 của UBND tỉnh về sản xuất thí điểm giống sắn kháng bệnh virus khảm lá trên địa bàn tỉnh niên vụ 2022-2023”. UBND tỉnh giao Sở NNPTNT phối hợp với Sở Tài chính đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xử lý nguồn kinh phí 1,2 tỉ đồng đã bố trí trong năm 2022 để phục vụ thí điểm trồng giống sắn kháng bệnh khảm lá.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện theo kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng sắn sang trồng cây trồng cạn hằng năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022-2025 để phòngchống bệnh virus khảm lá sắn.
Trả lời phóng viên về việc trồng giống sắn HN3, ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – cho biết: “Nội dung này là thí điểm mình trồng chứ vi phạm gì. Hiện nay sắn bị hư hỏng thì mình phải thí điểm để xem kết quả xem sao. Việc dừng kế hoạch là do đơn vị cung cấp giống không đủ khả năng cung cấp nên phải dừng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Vĩnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đơn vị tham mưu cho Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi về việc đưa giống sắn HN3, HN5 vào trồng – cho biết: “Việc triển khai trồng mở rộng 50-55ha sau khi trồng thí điểm 10ha ở 2 huyện Nghĩa Hành và Sơn Hà thì trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh nên Sở NNPTNT mới bàn giao cho huyện toàn quyền quản lý và cấp phát để trồng trên đó chứ Sở NNPTNT không giữ lại giống”.
Tuy nhiên trả lời việc để các địa phương mở rộng sản xuất giống HN3 có vi phạm Luật Trồng trọt và khuyến cáo của Cục Trồng trọt hay không, ông Vĩnh cho rằng đó là chủ trương của tỉnh và dựa trên nhu cầu thực tiễn.
“Chúng tôi cũng đã tiến hành lên kế hoạch xây dựng vùng sản xuất sạch để giữ nguồn giống sạch bệnh (đối với các giống sắn đã được cấp phép) nhưng chi phí lớn và không làm được. Ngoài ra, việc chuyển đổi cây trồng đối với các địa phương miền núi cũng là một bài toán khó”.
“Có một số nhiệm vụ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh; trong đó có việc trồng thí điểm giống HN3 trong bối cảnh bệnh khảm lá sắn”, ông Vĩnh phân trần và cho biết Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền sẽ đăng ký với Bộ NNPTNT để họp có biện pháp tháo gỡ vấn đề này./.