Ông Nguyễn Hữu Căn và vợ là bà Trần Thị Thiện (trú tại: Khu phố 8, phường 3, thị xã Quảng Trị) vừa có Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với bản án số 13/2022 ngày 20/5/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, gia đình ông Nguyễn Hữu Căn có sở hữu một thửa đất tọa lạc tại khu vực đồi An Lạc (thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng), diện tích 4432 m2, thửa đất số 250, tờ bản đồ số 19, đất nông nghiệp và được Sở TNMT tỉnh Quảng Trị ghi nhận tại sổ mục kê đất đai ngày 18/12/2006. (thửa đất này nguyên là của cha mẹ ông Căn sở hữu trước năm 1975 và để lại cho ông thừa kế).
![]() |
Đơn đề nghị Giám đốc thẩm |
![]() |
của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Căn và bà Trần Thị Thiện |
Vào năm 1995, gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn và bà Trương Thị Sen (con dì ruột của ông Căn) có tới nhà ông Căn xin mượn một phần diện tích đất khoảng 1920 m2 của thửa đất số 250, tờ bản đồ số 19, để trồng hoa màu. Vì là chỗ người thân trong gia đình (em con dì ruột), nên ông Căn và vợ đã đồng ý cho mượn.
Đến năm 2017, gia đình ông Căn đã nhiều lần đề nghị ông Sơn, bà Sen trả lại phần diện tích đất đã mượn, bởi vì đây là nơi chôn cất và thờ tự ông bà, tổ tiên của gia đình ông Căn, nhưng bà Sen và ông Sơn đã nhất quyết không trả lại.
Búc xúc vấn đề trên, ông Căn đã làm đơn gửi đến chính quyền địa phương. Tại nội dung các Biên bản hòa giải ngày 29/10/2018 và ngày 06/9/2019 của UBND xã Hải Phú huyện Hải Lăng, thì Hội đồng hòa giải đều khẳng định: “Diện tích đất nông nghiệp tại thửa số 250, tờ bản đồ số 19, đã được Nhà nước công nhận là đất của hộ ông Nguyễn Hữu Căn, năm 2006 đã thể hiện trong bản đồ địa chính xã. Năm 1996 ông Sơn, bà Sen mượn để trồng cây lâm nghiệp, đến nay gia đình ông Căn đề nghị gia đình ông Sơn trả lại đất mượn. Phía UBND xã đề nghị gia đình ông Sơn trả lại đất cho gia đình ông Căn”.
![]() |
Bản đồ hiện trạng khu đất của gia đình ông Nguyễn Hữu Căn |
Mặc dù sự thật về quá trình quy chủ và sở hữu thửa đất là đã rõ, nhưng gia đình ông Sơn vẫn nhất quyết không trả lại đất, vụ việc đã được phía ông Căn gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân để giải quyết theo luật định. Ngày 24/9/2001, Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng đã đưa vụ án dân sự ra xét xử sơ thẩm và ngày 20/5/2022 Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm theo đơn yêu cầu của ông Nguyễn Hữu Căn. Tuy nhiên, cả hai bản án trên đều có nhiều nội dung uẩn khúc dẫn đến việc tuyên án không đúng với thực tế, vì vậy phía nguyên đơn đã tiếp tục đề nghị Tòa án cấp cao xem xét lại hai bản án trên theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Soi lại bản án phúc thẩm số 13/2022/DS-PT
Ngày 20/5/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lại vụ án dân sự đòi lại đất do ông Nguyễn Hữu Căn là nguyên đơn, chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Đinh Viết Nam.
Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định rằng Sổ mục kê lập trước ngày 15/10/1993 mới được xem là giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất. Trong khi đó, ông Căn và bà Thiện mới chỉ thực hiện việc đăng ký vào sổ mục kê năm 2006. Theo kết quả thẩm định thì thửa đất số 250, tờ bản đồ 19 đã quy chủ cho hộ ông Căn có diện tích là 4.432 m2, diện tích tranh chấp là 1.920 m2 và không có 1.030 m2 phần vượt quá như bị đơn trình bày và cấp sơ thẩm xác định.
![]() |
Bản án số 13/2022/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị |
![]() |
Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, mặc dù thừa nhận vợ chồng ông Sơn có mượn đất? |
Hội đồng phúc thẩm cũng xác nhận rằng, vợ chồng ông Sơn, bà Sen có thừa nhận việc xin đất trồng cây từ bố mẹ của ông Căn, nhưng không lập văn bản và chỉ thỏa thuận bằng miệng.
Tuy nhiên, căn cứ theo lời khai của những người làm chứng thì vợ chồng ông Sơn sử dụng trực tiếp và canh tác trên thửa đất đó. Năm 2006, đơn vị thực hiện đo đạc, lập sổ mục kê đã không hỏi ý kiến ông Sơn, bà Sen mà chỉ căn cứ theo lời khai của ông Căn, bà Thiện là chưa đủ pháp lý? Hơn nữa, ông Căn và bà Thiện không trực tiếp sử dụng và không nộp bất cứ một loại thuế, phí gì có liên quan, đến thời điểm hiện tại ông Căn cũng không có bất kỳ loại giấy tờ pháp lý gì để thể hiện thửa đất số 250, tờ bản đồ số 19 tại xã Hải Phú huyện Hải Lăng?
![]() |
Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng đối với bà Nguyễn Thị Dương (mẹ ông Nguyễn Hữu Căn) |
Bởi vì các lý do trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là ông Nguyễn Hữu Căn, bà Trần Thị Thiện, giữ nguyên bản án Sơ thẩm.
Theo tìm hiểu của nhóm PV, thửa đất số 250 tọa lạc tại đồi An Lạc (thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) hiện đang được gia đình ông Căn sử dụng với mục đích làm nơi chôn cất, thờ tự cha mẹ, tổ tiên và những người quá cố của gia đình. Được biết, mẹ ông Căn là bà Nguyễn Thị Dương đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng và ngoài ra ông Căn còn có 2 người anh em là Liệt sỹ và hiện những người này đều đang được nằm yên nghỉ trên thửa đất nói trên.
![]() |
Hiện tại mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dương, cùng các con là Liệt sỹ và các người thân đã quá cố trong gia đình ông Nguyễn Hữu Căn đều được yên nghỉ tại phần đất của thửa 250 tờ bản đồ số 19 thuộc đồi An Lạc, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. (từ ngày bị tranh chấp, các ngôi mộ ở đây bị kẻ xấu dùng sơn xịt, phá hoại). |
Vì sao nguyên thửa đất trên đã được Chính quyền địa phương xác nhận là của gia đình ông Căn, sổ mục kê của Sở TNMT tỉnh Quảng Trị cũng đã quy chủ cho gia đình ông Căn và vợ chồng ông Sơn, bà Sen cũng đã thừa nhận là có mượn đất của gia đình ông Căn và thêm một cơ sở pháp lý thực tế không thể chối cãi là phần mộ của cha mẹ, tổ tiên và họ hàng thân thuộc của ông Căn đều đang nằm yên nghỉ tại đây, nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị vẫn không chấp nhận yêu cầu đòi lại đất của ông Căn và bà Thiện? Vì sao?
Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng sẽ xem xét lại vấn đề trên theo hướng nào? Các bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị có bị hủy để xét xử lại vụ việc như kiến nghị Giám đốc thẩm của nguyên đơn là ông Nguyễn Hữu Căn và bà Trần Thị Thiện hay không?
Nhóm PV chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên./.