Chưa công bằng trong thực thi pháp luật?
Theo đơn phản ánh của gia đình ông Lê Văn Thịnh, tháng 4 năm 2022 nhà ông tổ chức đào móng xây dựng công trình 2 tầng với diện tích 250m2 và căn nhà cấp 4 lợp mái tôn tại thôn Thạch Bắc, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, đến cuối năm 2022 công trình hoàn thành, được gia đình đưa vào sử dụng.
![]() |
Đơn phản ánh của gia đình ông Lê Văn Thịnh |
Theo ghi nhận, trong quá trình xây dựng cán bộ chính quyền cũng đã xuống kiểm tra và lập biên bản với lý do“tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng” và “xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt”, do thực tế phần diện tích xây dựng thuộc nguồn gốc đất thổ cư của gia đình được cấp GCNQSDĐ từ năm 1993 (thửa đất số 26 tờ bản đồ số 3), cho rằng có sự nhầm lẫn, vì vậy gia đình ông Thịnh vẫn tiếp tục cho xây dựng và hoàn thành công trình.
Theo Quyết định số 4048/QĐ-XPHC ngày 26/9/2022, do Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương Nguyễn Đức Thịnh ký, phạt ông Lê Văn Thịnh số tiền 80 triệu đồng vì các hành vi: Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; Xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt”.
Điều khiến ông Thịnh thắc mắc với quyết định trên là mảnh đất gia đình ông đang sinh sống ổn định hàng chục năm nay, được xác định là đất ở nông thôn, không có quyết định thu hồi đất. Không hiểu vì cớ gì huyện Quảng Xương lại ra Quyết định xử phạt, trong khi hàng loạt hộ gia đình liền kề cũng xây dựng tương tự như ông Thịnh lại không hề bị xử phạt gì?
“Chẳng nhẽ, pháp luật lại phân biệt đối xử với từng cá nhân khác nhau? Chẳng nhẽ, tôi lại bị áp dụng luật khác so với phần còn lại của xã hội?” – Ông Thịnh bức xúc cho biết.
![]() |
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thịnh - chủ công trình bị cưỡng chế cho biết, “Trước khi xây dựng, gia đình tôi nhận thấy có rất nhiều công trình trong làng, xã có cùng nguồn gốc đất như vậy, đã và đang xây dựng cũng không hề có giấy phép nhưng đâu có bị chính quyền can thiệp, vì vậy gia đình tôi cũng cho xây dựng thì lại bị chính quyền xử phạt và cưỡng chế. Như vậy thử hỏi công bằng của pháp luật ở đâu? Nếu các công trình khác có chung tình trạng cũng bị xử phạt và tháo dỡ thì gia đình tôi hoàn toàn tự nguyện chấp hành”
Như vậy theo ông Lê Văn Thịnh thì có rất nhiều công trình trong làng, xã có cùng nguồn gốc đất như vậy, đã và đang xây dựng cũng không hề có giấy phép nhưng đâu có bị chính quyền xử lý.
Dư luận và nhân dân đặt câu hỏi phải chăng, chính quyền địa phương đã “bỏ quên” những công trình vi phạm về trật tự xây dựng khác đã và đang tồn tại trên địa bàn, hay vì một lý do nào khác không thể xử lý?
Trong khi trước đó tại quyết định 1854/QĐ-UBND đại diện UBND huyện Quảng Xương đã xác nhận qua xác minh nhận thấy có một số hộ dân đã và đang xây dựng công trình không phép giống gia đình ông Thịnh, UBND huyện đã giao các phòng ban chuyên môn kiểm tra, rà soát xử lý theo quy định nhưng có vẻ đến nay việc xử lý các hộ này mới chỉ nằm trên giấy tờ và khẩu hiệu; duy chỉ có nhà ông Lê Văn Thịnh bị cưỡng chế triệt để khiến dư luận không khỏi thắc mắc về tính công bằng trong thực thi pháp luật?
Cũng bởi công trình đồ sộ đã hoàn thành khang trang, cho nên buổi cưỡng chế đã phải huy động nhiều cơ quan ban ngành, với lực lượng đông đảo, cùng với sự quan tâm của người dân địa phương đến xem đã tạo nên một bầu không khí hết sức căng thẳng và ồn ào, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương, vốn dĩ rất bình yên tại một vùng quê còn khó khăn như xã Quảng Thạch từ trước tới nay.
Có thể thấy, việc xử lý ngăn chặn các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng của chính quyền xã Quảng Thạch và UBND huyện Quảng Xương hết sức “chậm chạp”, lẽ ra chính quyền cần quyết liệt hơn, sát sao hơn trong việc xử lý, ngăn chặn sự việc ngay từ ban đầu thì đâu có công trình “khủng” như vậy phải cưỡng chế vừa qua. Từ đó gây thiệt hại lớn cho người dân, cũng như ngân sách nhà nước, nghiêm trọng hơn sẽ tạo dư luận xấu trong nhân dân.
Dự án chậm tiến độ gần 20 năm, dân khốn đốn
Qua tìm hiểu của phóng viên, lãnh đạo xã Quảng Thạch cho biết, một phần diện tích của xã Quảng Thạch nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị biển Tiên Trang. Dự án này manh nha từ năm 2002. Đến nay, đối với phần diện tích trên địa bàn xã Quảng Thạch, Dự án vẫn nằm “bất động” chưa có quyết định thu hồi đất, chưa tiến hành đền bù và giải phóng mặt bằng.
![]() |
Được biết, dự án Khu đô thị biển Tiên Trang được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, dự án này cũng từng dính lùm xùm khi hơn chục năm chỉ mới có một số hạng mục được hoàn thiện và vài điểm kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ.
Trước thực trạng trên, vào đầu năm 2017, UBND huyện Quảng Xương đã làm việc với Công ty SOTO là Chủ đầu tư Dự án và có kết luận về việc chủ đầu tư triển khai dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội ở địa phương. Qua khảo sát của PV tại hiện trường cho thấy Dự án chưa đầu tư các hạng mục hạ tầng theo quy hoạch; chưa đầu tư hình thành các khu chức năng, nhà nghỉ… các công trình để phục vụ khu du lịch hầu như chưa có gì.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh yêu cầu Công ty SOTO tích cực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà soát lại dự án, cả về quy mô, tiến độ và cam kết thời gian thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang.
Chính vì thế, hệ lụy là người dân tại xã Quảng Thạch không được cấp GCNQSDĐ, và không được xây dựng gần 20 năm nay dù nhà cửa dột nát và dân số trong gia đình mỗi lúc lại tăng thêm. Cực chẳng đã, các hộ dân vẫn âm thầm xây dựng trong sự “tạo điều kiện” của chính quyền.
Bên cạnh đó người dân cho biết, một phần do dự án “ khu đô thị du lịch ven biển Tiên Trang” do Công ty TNHH SOTO làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch từ năm 2004, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch và gia hạn bởi những lý do khác nhau, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng, chậm tiến độ nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa bị thu hồi dự án, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của các hộ dân có đất dính vào vùng quy hoạch “treo” nói trên, hệ quả là sự việc căng thẳng khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn.
Sự việc nêu trên cũng là bài học cảnh tỉnh cho các hộ dân xây dựng công trình trái phép, không phép, cụ thể như trường hợp của hộ gia đình ông Lê Văn Thịnh khiến nhiều người không khỏi xót xa khi hiện nay không còn nơi để ở, mọi chi phí đầu tư xây dựng lên đến 5 tỷ nay trở thành đống đổ nát, đồng thời mang khoản nợ khổng lồ từ việc vay mượn để đầu tư xây dựng.
Còn phía chính quyền UBND xã Quảng Thạch, UBND huyện Quảng Xương cũng cần nghiêm túc nhìn lại sự việc, để xảy ra sự việc đau lòng trên, những người đại diện cho nhân dân, được dân cử, dân bầu với niềm tin sẽ mang lại quyền lợi, hạnh phúc và bình an cho người dân, đặc biệt với gia đình chính sách, có công với cách mạng như gia đình ông Lê Văn Thịnh, họ đã làm tròn trách nhiệm hay chưa? Đó là những ý kiến còn tồn đọng trong dư luận, mà chưa có câu trả lời thích đáng.
Đối với UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo các ban ngành liên quan phải rà soát đánh giá lại năng lực của nhà thầu mà cụ thể là Công ty TNHH SOTO chủ đầu tư đối với dự án “khu đô thị du lịch ven biển Tiên Trang”, xem có đủ nguồn lực để thực thi dự án hay không để kịp thời đưa ra quyết định thu hồi hay không thu hồi dự án. Giúp người dân thoát khỏi cảnh trông chờ, vật vã sống trong dự án chậm tiến độ gần 20 năm nay.