![]() |
Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc điều hành SIHUB |
"Runway to the World"
Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc điều hành SIHUB chia sẻ: Là đơn vị Nhà nước với sứ mệnh kết nối và chia sẻ nguồn lực trong lĩnh vực KN&ĐMST, SIHUB luôn tìm kiếm và tạo ra những cơ hội tốt nhất cho startup và doanh nghiệp Việt Nam để từng bước đưa doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. Thông qua chương trình Runway to the World, chúng tôi mong muốn startup Việt có cơ hội giao lưu, học hỏi với các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển của thế giới và khu vực, từ đó từng bước khắc tên Việt Nam lên bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Theo đó, từ rất sớm, SIHUB đã triển khai mô hình "Runway to the World" - một sáng kiến về trao đổi và hội nhập quốc tế của startup Việt Nam và các nước công nghệ tiên tiến như Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Á và các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu chỉ coi startup gọi được vốn thì đó chỉ giải được bài toán trước mắt cho doanh nghiệp. Cái lâu dài, đó là liên kết cả một hệ sinh thái khởi nghiệp với các hệ sinh thái toàn cầu. Nhiều startup Việt Nam được sử dụng nguồn lực thế giới, thông qua chương trình ươm tạo, mentor quốc tế, thị trường quốc tế, đối tác thế giới…
Với Runway to the World, SIHUB sẽ hợp tác với các tổ chức và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các quốc gia để tuyển chọn startup nước ngoài đến tìm hiểu thị trường, nghiên cứu và kết nối giao thương tại Việt Nam, đồng thời mang startup Việt ra thế giới.
Tới nay, mô hình Runway to the World của Saigon Innovation Hub đã có 40 tỉnh - thành phố, 6 quốc gia học tập, 12/17 startup gọi được vốn thành công (có startup gọi vốn hơn 1 triệu USD). Bộ Ngoại giao Israel đã chọn SIHUB là hình mẫu để giới thiệu với thế giới năm 2019, hàng chục đoàn ngoại giao, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, chuyên gia cũng đã tham gia các hoạt động mang tính liên kết tại SIHUB thông qua các chương trình pitching, mentor, gọi vốn…
![]() |
SIHUB trao đổi kinh nghiệm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của 10 startup đến từ Malaysia |
Tuy nhiên, ông Huỳnh Kim Tước cũng cho biết thêm: Startup gọi vốn thành công chưa phải là mục tiêu chính của Runway To The World. Ở góc độ nhà khoa học, bản chất cuối cùng của cuộc chơi khởi nghiệp thương mại hóa của nhà khoa học. Phần lớn người khởi nghiệp là xuất thân từ trường đại học (ĐH), từ doanh nghiệp. SIHUB đã liên kết với các tổ chức quốc tế đưa ĐH, tổ chức quản lý nhà nước ra nước ngoài học cách hình thành các mô hình ươm tạo trong ĐH, phát triển đội ngũ khởi nghiệp từ ĐH, thương mại hóa kết quả nghiên cứu…
Dồn sức phát triển start-up trong trường học
Thông tin cụ thể hơn về những nội dung và định hướng trọng tâm trong thời gian tới, ông Huỳnh Kim Tước chia sẻ: “Với cái nhìn tổng thể về thị trường, SIHUB không chỉ chú tâm vào ươm tạo mà còn liên kết quốc tế để ươm tạo doanh nghiệp; đào tạo, kiến thức STEM cho hàng nghìn giáo viên, học sinh, giảng viên ĐH. Điều quan trọng nhất, chúng tôi tạo ra những giá trị bền vững, chứ không phải tức thời trong một thời điểm nào đó”.
![]() |
Các chuyên gia chia sẻ trong khóa huấn luyện “Đào tạo kỹ năng định giá và thẩm định giá tài sản sở hữu trí tuệ và định giá doanh nghiệp” do SIHUB tổ chức |
Quan trọng hơn hết là những chương trình của SIHUB có thể đóng góp về mặt chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước tạo ra môi trường tốt nhất cho startup hoạt động, làm sao để doanh nghiệp khởi nghiệp Việt không bị “chảy máu” sang Singapore, tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn để hút đối tác quốc tế tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Những chương trình hợp tác về đổi mới sáng tạo của TP.HCM với Phần Lan, Thụy Điển, chương trình về AI (trí tuệ nhân tạo) của thành phố là những minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Chính sách đúng có giá trị hơn gấp nhiều lần so với việc startup gọi được vốn.
Ông Huỳnh Kim Tước cũng đánh giá: Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt, startup Việt có nhiều triển vọng tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đầu tư khởi nghiệp gia tăng. Trọng tâm của SIHUB trong năm 2022 và những năm sau là làm sao phát triển được nhiều công ty spin-off trong trường đại học, viện nghiên cứu. “SIHUB sẽ dồn sức phát triển hệ thống các công ty spin-off, các startup trong trường đại học. Thứ hai, tập trung xây dựng các chương trình tăng tốc dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm một kênh giúp họ tháo gỡ và kết nối với thị trường”.
Đại diện SIHUB đặt vấn đề Việt Nam có 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 100 dự án được gọi vốn; thậm chí có năm chỉ 60 dự án gọi vốn. Đơn cử năm 2021 rất thành công nhưng chỉ có 147 dự án được gọi vốn, dù hiện có 200 tổ chức đầu tư tại Việt Nam. Trung bình mỗi quỹ đầu tư 1 năm gọi vốn chưa được một dự án. Do vậy, các vườn ươm, đơn vị tăng tốc khởi nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt được nhà đầu tư cần gì để đáp ứng được thị trường này.
Thanh Xuân