Số hóa phim tư liệu là cấp thiết…
Tại Việt Nam, trong khi các lĩnh vực sản xuất, phát hành, chiếu bóng của ngành điện ảnh đều đã chuyển đổi sang kỹ thuật số, thì các đơn vị lưu trữ phim mới đang ở những giai đoạn đầu tiên của quá trình số hóa, phục chế tư liệu. Đây là công phức tạp và khó khăn hơn vì vừa phải tiếp thu công nghệ khoa học kỹ thuật mới, vừa phải tiếp tục duy trì việc bảo quản phim nhựa truyền thống. Đặc biệt khi đối tượng là những thước phim tài liệu, phim nhựa truyền thống lâu năm có giá trị lịch sử, truyền thống to lớn, cũng là di sản quý giá của quốc gia – dân tộc.
![]() |
Số hóa các di sản điện ảnh để bảo vệ “kho báu” lịch sử. |
Thời gian qua, Viện Phim Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh - truyền hình, bảo quản, lưu trữ phim.
Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến đóng góp, những trao đổi trực tiếp từ các đại biểu tham dự, xoay quanh hoạt động lưu trữ, bảo quản phim ở Việt Nam; Ý nghĩa của hoạt động bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam thông qua việc phục chế và số hoá 4K phim 35mm chọn lọc thông qua hợp tác xã hội hoá; Thực trạng hoạt động lưu trữ, bảo quản, số hoá phim tại một số đơn vị... Cùng nhiều tham luận đề cập đến xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực điện ảnh, trong công tác lưu trữ, bảo quản và số hoá phim, xu thế áp dụng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào tu sửa, phục hồi phim điện ảnh lưu trữ…
Những thước phim điện ảnh, tài liệu cũ thường xuất hiện liền với vết xước trắng, loang lổ, giật, nháy... Đây chính là cảnh báo về sự tổn hại có trên các cuộn phim nhựa. Vì thế, việc số hóa phim được cho là cấp thiết, giúp giảm thiểu, khắc phục những hao mòn hữu hình của phim nhựa khi đã xuống cấp và hỏng hóc, nhằm đảm bảo chất lượng khi cần trình chiếu cho nhiều mục đích quảng bá văn hóa, du lịch, bảo tồn các giá trị nghệ thuật của con người và giá trị lịch sử.
Nguyên nhân của tình trạng này là hạn chế về kinh phí tổ chức thực hiện cũng như cơ sở vật chất. Hiện nay máy móc, trang thiết bị để phục vụ công việc số hóa còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được thực tế là có hàng ngàn thước phim hư hỏng cần được “điều trị”.
Hơn nữa, vì đang trong giai đoạn đầu tiên của quá trình số hóa, phục chế tư liệu nên nguồn nhân lực còn mỏng, vừa làm nhiệm vụ tiếp thu công nghệ mới vừa tiếp tục duy trì bảo quản phim nhựa truyền thống nên tiến độ chưa thể nhanh. Đó là chưa kể đến kỹ thuật, tay nghề của những người tham gia công tác này còn yếu kém, chưa được đào tạo đồng bộ.
Theo Viện Phim Việt Nam cho biết, mỗi năm Viện chỉ có thể số hóa được 700 cuốn phim nhựa, phục chế được khoảng 100 phút phim. Trong khi đó, số lượng phim nhựa cần số hóa là gồm 80.000 cuốn, mà khả năng lưu trữ hiện nay cũng chỉ có thể chứa 600 cuốn phim ở độ phân giải từ 2K trở xuống. Viện Phim cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác phục chế triệt để các vết xước dọc, sâu trong nhiều khung hình. Khả năng xử lý, khắc phục những vết loang lổ, vết xước, hay vấn đề rung lắc khung hình, hiệu chỉnh màu vẫn còn nhiều hạn chế, khó có thể thực hiện tốt, trả lại những thước phim như ban đầu.
Quay trở lại câu chuyện điện ảnh Việt, có hàng trăm ngàn cuốn phim nhựa được lưu trữ trong các kho hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề hư hại, xuống cấp, do đó việc chuyển đổi sang kỹ thuật số là một khối lượng công việc khổng lồ. Vì không đơn giản là chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số, mà còn phải tu sửa, phục hồi từng thước phim theo yêu cầu cụ thể.
Công việc này ngoài thời gian còn là vấn đề tài chính, cần một sự đầu tư lớn về kinh phí. Số hóa yêu cầu phải có một hệ thống thiết bị hiện đại đồng bộ thì mới làm triệt để được, vì sự tương thích giữa các hệ thống máy móc sẽ giúp cho công tác quản lý và vận hành được liên kết và hoạt động hiệu quả. Trong điều kiện khả năng tài chính còn eo hẹp, có thể chọn phương án đầu tư từng phần trọng điểm trong từng giai đoạn, ưu tiên các khâu quan trọng dễ tổn thương nhất.
Về vấn đề xã hội hóa, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó viện trưởng điều hành Viện Phim Việt Nam cho biết: Vì cần đảm bảo, lưu ý về bản quyền nên hướng đi xã hội hóa nếu có cũng phải rất cẩn thận, đề phòng sự thất thoát khi để bất cứ doanh nghiệp nào tham gia vào thực hiện chuyển đổi số và lưu trữ. Ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “ Tuổi thọ những tư liệu giảm đi, do tác động môi trường cho nên chúng tôi mong rằng xã hội quan tâm đến lĩnh vực này mà chung tay để làm sao sớm chuyển đổi số hoá các phim này để đồng bào được xem trên nền tảng số cũng như yên tâm giữ gìn kho di sản”.
Khi nhà nước chưa đủ sức để “cáng đáng” việc này thì rất cần sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là các đơn vị chuyên về cung cấp giải pháp kỹ thuật số. Việc Viện Phim Việt Nam phối hợp với một đơn vị là “Ơ kìa Hà Nội Film Production” thực hiện hiệu quả dự án “Bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam thông qua số hóa một số phim nhựa” là rất đáng mừng. Mong rằng sẽ có nhiều đơn vị như vậy chung tay cùng nhà nước để sớm hoàn thiện việc phục chế, bảo tồn phim.
…Và những bước tiến ban đầu
Thời gian vừa qua, thiếu nhi Việt Nam đã được thưởng thức 50 bộ phim hoạt hình tiêu biểu trên ứng dụng VTVGO. Những bộ phim được sản xuất bởi bàn tay tài hoa và tài năng của các nhà làm phim hoạt hình Việt, luôn cố gắng mang đến cho các em những bài học giáo dục ý nghĩa thông qua những câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, cuộc sống con người.
Trước đó, “Tuần phim Việt” trên VTVGO theo chủ đề phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, cũng đã khiến nhiều khán giả xúc động về những bộ phim kinh điển trong lịch sử điện ảnh Việt như: “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Tư Hậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Chuyện của Pao”, “Đừng đốt”…Những bộ phim đã sản xuất từ thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng đã được số hoá, giữ gìn bảo quản cho khán giả hôm nay.
Vẫn biết, việc “số hóa” phim là công việc đường dài, nhưng với sự quan tâm nỗ lực của ngành văn hóa, ngành điện ảnh và nhiều tổ chức cá nhân, hy vọng các di sản điện ảnh sẽ được gìn giữ, bảo quản, số hóa tốt nhất. Để các thế hệ khán giả tương lai có cơ hội được thưởng thức và tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc thông qua những bộ phim từ quá khứ.
Tất cả các thước phim tư liệu phản ánh các thời kỳ cũng như sự phát triển của dân tộc là “kho báu” lịch sử cần phải được bảo tồn. Hy vọng với những bước tiến trong công nghệ tu sửa phục hồi hình ảnh động bằng kỹ thuật số, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành công cuộc số hóa những thước phim lịch sử - di sản vô giá của dân tộc Việt Nam./.