![]() |
Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện chưa đầy đủ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương, dẫn đến các đơn vị điện lực tại các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà. |
![]() | Phát hiện nhiều sai phạm tại các đơn vị điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung |
![]() | Phát hiện nhiều sai phạm tại các đơn vị điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam |
Vừa qua, Chuyên trang Tầm nhìn Báo Tri thức đã đăng tải 02 bài viết phản ánh về những sai phạm trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà, xảy ra tại các đơn vị điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đáng chú ý, điểm chung của các sai phạm xảy ra tại các đơn vị điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam là làm trái quy định một số điều, khoản Thông tư số 18 của Bộ Công thương; Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ; Luật Điện lực 2004.
Cụ thể, các đơn vị điện lực trực thuộc đã làm trái quy định khoản 2, Điều 5; khoản 1, Điều 8 Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Trái quy định khoản 5, Điều 3; khoản 3 Điều 8; khoản 2 Điều 9; khoản 4, Điều 11 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Bộ Công thương cũng khẳng định, để xảy ra sai phạm tại các đơn vị nêu trên là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện chưa đầy đủ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương, dẫn đến các đơn vị điện lực tại các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà.
![]() |
Tổng Công ty Điện lực miền Nam. |
Điều đó có nghĩa là, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện chưa đầy đủ việc “công bố nội dung hồ sơ xin thỏa thuận đấu nối, thí nghiệm, ký hợp đồng mua bán điện và nghiệm thu để đưa vào vận hành áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà; định kỳ 6 tháng thực hiện tổng hợp, báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên toàn quốc”.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủy quyền cho các đơn vị thực hiện, nhưng kiểm tra, theo dõi chưa kịp thời, dẫn đến nhiều đơn vị điện lực chấp thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải lưới điện quốc gia.
Ngoài việc chỉ rõ trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương cũng nêu rõ, UBND các tỉnh được kiểm tra: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk... chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền.
Cụ thể, một số hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 01/01/2021, nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
![]() |
Tổng Công ty Điện lực miền Trung. |
Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của trang trại nông nghiệp (chăn nuôi hoặc trồng trọt, ...), đã đưa vào vận hành thương mại trước ngày 01/01/2021, nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Mặc dù đã chỉ rõ nhiều sai phạm tại các đơn vị điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đồng thời khẳng định, những sai phạm xảy ra tại các đơn vị điện lực có liên quan đến trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk… nhưng, Bộ Công thương lại không kiến nghị cấp có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND các tỉnh có tên nêu trên!?.
Trao đổi về vấn đề nêu trên, một số chuyên gia pháp lý cho hay, lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà) là lĩnh vực mới được phát triển trong thời gian gần đây, phần lớn các nhà đầu tư trong lĩnh vực này mới được thành lập hoặc các doanh nghiệp tư nhân chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn cần phải phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể các đơn vị thực hiện.
Tuy nhiên, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện chưa đầy đủ quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương; UBND các tỉnh được kiểm tra chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời đã dẫn đến hàng loạt sai phạm tại các đơn vị điện lực trực thuộc. Đáng nói, có những sai phạm được cho là nghiêm trọng như, thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Một số chuyên gia cho rằng, trong trường hợp này, Bộ Công thương cần có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ) chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND các tỉnh được kiểm tra tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến những sai phạm đã được chỉ ra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.