Thời gian gần đây, bên cạnh không khí sôi động của Giải Vô địch Bóng đá Đông Nam Á - AFF Cup, hình ảnh sân Mỹ Đình với chất lượng xuống cấp là một trong những chủ đề nóng được công chúng quan tâm. Thế nhưng, nếu đi sâu vào tìm hiểu câu chuyện, ít ai biết rằng, để một lần trái bóng tiếp tục được lăn trên sân Mỹ Đình, khu liên hợp đã phải bỏ ra một số tiền lớn, thậm chí chịu hao hụt với giá cao hơn cả tiền thuê.
Trước năm 2012, khu liên hợp thể thao Mỹ Đình theo nằm hoàn toàn dưới sự quản lý của nhà nước. Từ năm 2012 - 2017, khu liên hợp này được thí điểm hình thức tự chủ tài chính 100%. Tức là khu liên hợp này sẽ thực hiện cho thuê đất đai, cơ sở vật chất… để phục vụ các nhu cầu thương mại chứ không chỉ dừng lại ở việc phục vụ thể thao quốc gia. Và các vấn đề cũng bắt đầu phát sinh từ đây.
![]() |
Diện mạo sân Mỹ Đình 4 năm trước và bây giờ. Ảnh PV |
Đầu tiên, cứ mỗi 5 năm thì mặt cỏ sẽ được thay mới hoàn toàn. Và lần thay mới toàn diện cuối cùng đã từ trước khi tự chủ tài chính. Tức là cách đây đã hơn 10 năm, như vậy là quá lâu.
Trong những năm từ 2009 đến 2018, nhờ cơ chế tự chủ tài chính, mỗi năm khu liên hợp thể thao Mỹ Đình thu được 30 - 60 tỷ đồng, số tiền này vừa đủ để trả lương nhân viên, duy trì khu liên hợp. Cần phải biết rằng, sân Mỹ Đình nằm trong khu liên hợp thể thao Mỹ Đình nên số tiền nhìn có vẻ lớn nhưng thực chất sân Mỹ Đình chỉ được xài một phần trong số tiền kể trên. Nhưng với số tiền kiếm được, sân Mỹ Đình vẫn có thể hoạt động “không đến nỗi nào”.
Từ năm 2018, hết thí điểm, bắt đầu tiến hành thanh tra toàn diện việc tự chủ tài chính của khu liên hợp Mỹ Đình và một loạt các vụ việc được phát giác ra. Ví dụ như tự ý cho thuê các phần diện tích đất ngắn hạn để khi chưa có sự đồng ý của đơn vị chủ quản là Bộ VH-TT&DL và Bộ Tài chính, cho các đơn vị thuê với mức giá rẻ rồi các đơn vị này cho thuê lại với mức giá cao gấp 3 lần gây ra thất thoát nghiêm trọng cho nhà nước, không hạch toán một khoản thu vào báo cáo tài chính, nâng cấp hạ tầng khu liên hợp với các vật tư có mức giá cao hơn từ 3 đến 7 lần so với mức giá thị trường, cho một số doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính và chuyên môn tham gia các hoạt động cải tạo nâng cấp khu liên hợp...
![]() |
HLV Park Hang Seo không ít lần tỏ ra chưa hài lòng với mặt cỏ sân Mỹ Đình. (Ảnh: PV) |
Trong 2 năm 2020 - 2021, vì việc bị thanh tra, điều tra nên các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều không mặn mà thuê đất tại đây nữa, các giải đấu thể thao bị đình chỉ, các hoạt động kinh tế lễ hội thuê mặt bằng tại Mỹ Đình diễn ra rất hạn chế. Dẫn tới nguồn thu không đủ tiền trả lương nhân viên, không đủ tiền duy trì hoạt động, khu liên hợp Mỹ Đình (trong đó có sân Mỹ Đình) xuống cấp không phanh. Trong khi đó, các khoản thuế phải nộp và lãi liên tục tăng cao. Mỗi năm, khu liên hợp này phải nộp thuế sử dụng đất lên tới trên 60 tỷ đồng trong khi doanh thu hiện tại chỉ vài tỷ đồng.
![]() |
Khán giả đến xem trận cầu phải lót túi nilon để ngồi vì ghế bẩn. (Ảnh: Beatvn) |
Mới đây, một lãnh đạo tại khu liên hợp đã lên tiếng chia sẻ về nguồn quỹ cạn kiệt của khu liên hợp. Ông cho biết, ngân khố hiện tại đã trống rỗng và khu liên hợp đang cực kỳ bế tắc trước vấn đề này. Vì vậy, ông tha thiết mong các cấp có thẩm quyền điều chỉnh về cơ chế quản lý, đồng ý cho khu liên hợp tiếp tục các hợp đồng liên kết cũ hoặc ký mới.
Vậy nên sai phạm tại sân Mỹ Đình là những sai phạm mang tính hệ thống và tồn tại trong nhiều năm liền, đặc biệt từ giai đoạn 2012 - 2018. Dẫn tới hệ quả từ sau 2018 đến nay, khu liên hợp này trong giai đoạn nằm chờ kết quả điều tra, xử lý. Việc nâng cấp sân Mỹ Đình chỉ mang tính thời điểm tạm thời và không giải quyết được tận gốc vấn đề./.