Sự kỳ lạ của vụ án chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài viết khác. Về các kỷ lục của vụ án doanh nhân Phạm Thanh Hải, có thể kể: Kỷ lục thứ nhất, bị can có thời gian bị tạm giam lâu nhất (7 năm 6 tháng từ 29/10/2015 đến nay); Kỷ lục thứ hai, những người ra lệnh bắt và người điều tra lại vụ này đều đang ở tù, đó là cựu Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung và cựu đại tá Phùng Anh Lê (cựu trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội); Kỷ lục thứ ba, 90% những người mất tiền đều nhất tề từ chối không nhận là bị hại, đồng thời còn kiên trì kêu oan cho bị cáo Phạm Thanh Hải suốt gần 8 năm qua. Kỷ lục thứ tư, sau hơn 3 năm điều tra lại, cơ quan điều tra không tìm ra được thêm một tình tiết mới nào để trả lời các yêu cầu Tòa phúc thẩm đặt ra. Còn một số kỷ lục nữa chúng tôi sẽ đề cập sau.
![]() |
Bị cáo Phạm Thanh Hải trình bày tại phiên tòa |
Sau 2 năm 7 tháng điều tra, vụ án đã được tòa án Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu từ ngày 16 đến 21/5/2018 và tuyên Phạm Thanh Hải tù chung thân với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 10/5/2019 tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án ra xử phúc thẩm và tuyên: “Hủy bản án sơ thẩm số 186/2018 ngày 16 đến ngày 21 tháng 5 năm 2018 của tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự” (Trang 24 Bản án phúc thẩm) vì tòa sơ thẩm “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” (trang 23 Bản án phúc thẩm).
Ngày 19-4-2023 tòa án Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm lần hai xét xử Phạm Thanh Hải, dự kiến diễn ra trong 5 ngày, do thẩm phán Mai Văn Quang chủ toạ. Là người dự phiên tòa từ ngày đầu, cảm giác đầu tiên là chủ tọa đã lắng nghe ý kiến của bị cáo, luật sư và đông đảo những người có quyền lợi liên quan, và những người được coi là “bị hại”.
Được trình bày trước tòa, Phạm Thanh Hải khẳng định, quy cho anh tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không đúng, bởi anh không có hành vi lừa đảo nhà đầu tư và tại thời điểm bị bắt không mất khả năng thanh toán. Hiện tại không thể thanh toán là do bị tạm giam đã hơn 7 năm, toàn bộ tài khoản đang bị phong tỏa, việc mất khả năng thanh toán thời điểm này không liên quan gì đến việc quy Phạm Thanh Hải chiếm đoạt tài sản hay lừa đảo. Cụ thể thời điểm bị bắt, trong số 8.303 Hợp đồng của 2.574 nhà đầu tư, không có hợp đồng nào đến hạn thanh toán, nghĩa là Phạm Thanh Hải không vi phạm cam kết với bất kỳ ai.
Phạm Thanh Hải chỉ ra rằng: cáo trạng kết luận “Phạm Thanh Hải không thông tin các chi phí cho nhà đầu tư là gian dối” là không đúng. Phạm Thanh Hải cho rằng, “không nhất thiết phải thông báo các chi phí hoạt động của doanh nghiệp cho nhà đầu tư, luật pháp không quy định phải làm việc đó, và mọi chi phí đều phục vụ cho việc chung, cho mục đích thực hiện cam kết của hợp đồng, đầu tư phát sinh lợi nhuận. Trong hợp đồng không có điều khoản nào bắt buộc phải thông báo chi phí cho nhà đầu tư, các nhà đầu tư đã ủy quyền cho Phạm Thanh Hải được toàn quyền sử dụng khai thác vốn góp trong kinh doanh”.
Cáo trạng ghi: “Phạm Thanh Hải dùng thủ đoạn trả lãi suất cao hơn ngân hàng, cắt lãi khi nộp tiền để thu hút các nhà đầu tư”. Kết luận này không đúng, vì bị cáo và nhà đầu tư không bao giờ thỏa thuận lãi suất bao nhiêu. Các nhà đầu tư góp vốn theo thời hạn và hết thời hạn các nhà đầu tư được nhận lại số vốn góp và tiền lãi. Hơn nữa, nội dung hợp đồng với các điều khoản ghi trong hợp đồng là giao dịch dân sự. Việc cắt lãi trước hay sau Phạm Thanh Hải không hiểu có ý nghĩa gì trong việc quy là gian dối.
Cáo trạng cho rằng, “tiền của cá nhân mà giao dịch tại công ty là mượn danh công ty, gian dối lừa nhà đầu tư”. Thực chất công ty đang hoạt động bình thường, không có khiếu nại, tố cáo. Phạm Thanh Hải cho rằng, nhân viên công ty giao dịch Hợp đồng và nhận tiền, chi tiền là việc cá nhân, nhân viên nhận giúp Hải giao dịch tại công ty vì sau đó số tiền này lại góp vốn vào các dự án của công ty hoặc các công ty liên kết. Việc nhân viên giúp Hải và việc nhận tiền cá nhân tại công ty không vi phạm pháp luật.
![]() |
Quang cảnh phiên tòa xét xử doanh nhân Phạm Thanh Hải |
Cáo trạng ghi: “từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 10 năm 2015 Hải huy động 2.725 tỷ”. Hải trả lời kết luận như vậy là không đúng. Số tiền ấy là dòng tiền liên tục của các hợp đồng 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm nối tiếp nhau. Hơn nữa, trong cùng thời gian trên, theo phiếu chi, Phạm Thanh Hải đã chi 2.905 tỷ (theo biên bản của cơ quan điều tra, tại trang 21 bản án phúc thẩm) cao hơn số thu 2.725 tỷ là 180 tỷ. Nhìn vào con số này ai cũng thấy, việc khẳng định Phạm Thanh Hải chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư là không có cơ sở.
Cáo trạng ghi: “bị cáo dùng tiền huy động được tiêu dùng cá nhân và cho vay cá nhân”. Phạm Thanh Hải không đồng ý với kết luận trên của cáo trạng. Phạm Thanh Hải khẳng định, tất cả các khoản đều chi cho việc đầu tư sinh lời để thực hiện hợp đồng. Việc chi này đều có lợi cho các dự án và mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư, và không trái với quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra đã khám nhà của Phạm Thanh Hải, một căn chung cư bình dân trả góp, và không thu được tài liệu, tài sản gì.
Cáo trạng ghi: “các dự án, các công ty mới thành lập, hoạt động không hiệu quả”. Bị cáo cho rằng kết luận trên hoàn toàn không đúng thực tế, không chính xác. Có dự án mới thành lập, có dự án đã hoạt động lâu, nhưng tất cả các dự án đều đang phát triển, đều rất tiềm năng. Các nhà đầu tư đều hiểu rất rõ và rất thích thì họ mới đầu tư. Các nhà đầu tư được đi tham quan các dự án, được trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo dự án và tự họ thấy tiềm năng. Vậy căn cứ nào mà cáo trạng nói không sinh lời cao. Thí dụ như dự án Macca ở Điện Biên từ 5.000ha khi Hải xây dựng đến nay tỉnh đã đầu tư thêm 10.000ha và trở thành một dự án trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh.
Cáo trạng ghi: “toàn bộ số tiền của nhà đầu tư, Hải không quản lý theo sổ sách kế toán”. Phạm Thanh Hải cho rằng, đây là tiền của cá nhân, pháp luật không quy định cách quản lý tiền của cá nhân. Phạm Thanh Hải không quản lý theo sổ sách kế toán doanh nghiệp, mà anh quản lý theo cách riêng rất khoa học như kinh nghiệm từng kinh doanh ở nước ngoài. Theo Phạm Thanh Hải, quan trọng là không để thất thoát, không để tiền nhàn rỗi và lãng phí.
Kết quả hoạt động trong 8 năm từ 2007 đến 2015 không có một sai sót nào, không có bất kỳ một khiếu nại của nhà đầu tư cho thấy cách quản lí theo phương pháp là khoa học và hiệu quả, Phạm Thanh Hải luôn chủ động điều tiết dòng tiền và có đủ nguồn tiền để chi trả cho nhà đầu tư khi hợp đồng đến hạn. Theo Hải, nếu chỉ lấy tiền của người sau trả cho người trước thì không bao giờ tồn tại quá 2 năm bởi có quá nhiều chi phí phát sinh nếu không có nguồn bù đắp.
Nhìn chung phiên tòa diễn ra khá bình thường, bị cáo, luật sư, người bị hại đều được chủ tọa tạo điều kiện tranh tụng. Từ làn gió đổi mới tư pháp tôi hy vọng sẽ có một bản án công tâm, đúng người, đúng tội. Bản án công minh sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là Việt kiều. Chỉ khi bản án được tuyên đúng bản chất sự việc (Hải vô tội) thì gần 3.000 nhà đầu tư mới có cơ hội nhận lại được tiền đã đầu tư. Còn nếu vì lý do nào đó bản án thiếu khách quan, quy chụp thì các nhà đầu tư còn tiếp tục phải chịu thiệt hại. Điều đó đồng nghĩa với việc kiện cáo kéo dài, là tác nhân gây bất ổn xã hội.
Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào chiều 25/4/2023./.