Đó là chuyện đau lòng của bà Huỳnh Thị Bâu, năm nay 70 tuổi (ngụ ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, Thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), chị của ông Huỳnh Minh Thái. Từ năm 1972, bà Bâu thừa hưởng phần đất diện tích 1.265 m2 do cha mình là ông Huỳnh Văn Mành để lại, trên phần đất này bà đã làm nhà, canh tác, cuộc sống gia đình ổn định, chính quyền địa phương cũng đã xác nhận sự thật này.
![]() |
Bà Huỳnh Thị Bâu đứng trên thửa đất của mình |
Cuộc sống vốn bình an của gia đình bà trên 30 năm bỗng dưng bị phá vỡ vì lòng tham vô đáy của ông Huỳnh Văn Đông (em ruột của ông Huỳnh Minh Thái, chị em chú bác với bà Bâu). Là cán bộ hợp đồng ở thị xã Trảng Bàng, nên ông Đông nắm rõ hiện trạng sử dụng đất của bà Bâu là đất chưa đăng ký, bất chấp tình máu mủ, ông Đông đánh tráo đất của bà Bâu thành tài sản đứng tên trên Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Ngô Thị Anh là mẹ của ông Đông. Sau khi bà Anh qua đời, tự cho mình vai trò là người thừa kế, ông Đông khởi kiện bà Bâu trả lại đất và vu khống bà Bâu trước đây đã mượn đất của cha mẹ ông. Điều rất lạ là cơ quan tố tụng đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông Đông, trong khi ông Đông không phải là người thừa kế. Tòa hai cấp cũng không làm rõ nhiều nghi vấn mà bà Bâu đã yêu cầu: Quy trình cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Đông liệu có sai phạm? Phần đất tranh chấp là đất gò không phải là đất lúa mà ông Đông được cấp.
Qua hai phiên tòa cấp sơ, phúc thẩm, bà Bâu bị tuyên buộc tháo dỡ nhà, giao đất cho ông Đông. Năm 2006, toàn bộ nhà cửa và vườn cây của bà Bâu bị cưỡng chế thi hành án. Chồng bà Bâu vì buồn đau, lâm bệnh chết; mẹ con bà không còn nhà ở, phải sống ly tán. Lê tấm thân tàn tạ, hàng chục năm qua bà Bâu đội đơn kêu cứu khắp nơi.
![]() |
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cha bà Bâu |
![]() |
Tờ khai quyền sử dụng đất hàng năm của bà Huỳnh Thị Bâu |
Vụ án có quá nhiều khuất tất
Ngày 15/01/2013, ông Võ Hoàng Khải, Đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đề nghị đến tỉnh, huyện: “... bà này đã bị các cơ quan công quyền của ta xử sai, đàn áp trắng trợn bằng các quyết định hành chính hoặc bản án của tòa các cấp. Tất cả hồ sơ… bị bóp méo trắng trợn”. Ông Khải là người đã đến tận nơi cùng với ông Nguyễn Thanh Tiễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng và một số cán bộ. Khi nghe nhân chứng phản ánh vụ việc thì mọi người đều rất “ngỡ ngàng”. Ông Khải còn nhấn mạnh trong văn bản đề nghị “Làng xã tiếng kêu oan là do khuất tất oan sai… Kính mong ba đồng chí: Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (nay là Phó Thủ Tướng- PV), Bí thư huyện ủy và Chủ tịch HĐND huyện Trảng Bàng) ra tay minh oan cho dân nhờ”.
![]() |
Thư phản ánh vụ việc của đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh - ông Võ Hoàng Khải. Thư này ông đã gửi đến đồng chí Trần Lưu Quang - PCT Thường trực UBND tỉnh (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). |
Vụ việc xảy ra cho gia đình bà Bâu thật đau lòng khiến cư dân trong vùng không ngớt xôn xao bàn tán. Đáng lưu ý nhất là sự bất bình của một “nhân chứng” tuy được nhiều cơ quan thẩm quyền đến trực tiếp điều tra, xác minh nội dung liên quan đến vụ việc này nhưng không được tòa triệu tập, đó là ông Huỳnh Minh Thái.
Ông Thái kể rằng: “Tôi nhớ rất rõ nguồn gốc, diễn tiến, sai quấy từ ngày ông Đông bày mưu chiếm đoạt đất của bác mình (cha bà Bâu). Vào thời Nhà nước có chủ trương trả đất lại cho dân, bà nội tôi vốn có 1 mẫu, nhận lại thêm một mẫu rưỡi. Bác Mười (ông Mành - bác ông Thái) nhận được mẫu rưỡi thừa kế nhưng cũng để lại cho cha tôi luôn. Ngoài ra ông Mành còn cho thêm một mẫu rưỡi đất khai hoang. Sau này, khi nó (ông Đông) làm việc ở xã, nó lấy bằng khoán ở đây ấp Phước Dân đất ruộng của ông bà cha mẹ, đánh tráo thành đất ở dưới, đất của chị Bâu - ấp Phước Thuận) lấy 2 mẫu. Chị Bâu không đồng ý, nên nó mới khởi kiện quyết chiếm đất”.
![]() |
Ông Huỳnh Văn Đông- thời còn làm cán bộ địa chính xã (ảnh độc giả cung cấp) |
Ông Thái còn cho biết “thằng Đông” sử dụng 4 mẫu 7 nhưng chỉ chịu thuế có 2 mẫu. Ông Thái còn tiết lộ, ông Huỳnh Văn Đông và ông Nguyễn V.L nguyên là cán bộ Ủy ban xã bàn với nhau lấy đất bà Bâu bán cho Phòng Giáo dục, nếu ông Thái tiếp sức khi thành công ông Đông hứa sẽ cho ông Thái một nền nhà.
Từ ngày xảy ra vụ việc cho đến nay, nhiều người gồm cán bộ các cấp, hoặc người dân trực tiếp đến dò hỏi quan điểm lập trường của ông Thái thế nào khi chứng kiến việc chiếm đất của em mình, ông Thái khẳng định không thể đứng ngoài cuộc vì thời đó bác Mành đã cho cha mẹ, anh em ông ba mẫu đất.
Khi hay tin Tòa án Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đồng ý xem xét đơn xin Tái thẩm của bà Bâu liên quan đến vụ việc oan sai trên, ông Thái rất vui mừng. Ông mong rằng Tòa Cấp cao, Tòa Tối cao công tâm xem xét, khách quan đưa ra 1 phán quyết anh minh, trả lại sự công bằng cho chị họ ông. Kết quả mỹ mãn này may ra giúp em ông tỉnh ngộ, đừng vì lòng tham mà gây ra cảnh tang thương, oan trái cho người thân. Ông tự tin nếu phải vào TP Hồ Chí Minh hay ra tới Thủ đô Hà Nội làm nhân chứng trước Tòa, nói lên sự thật của việc này, ông sẵn sàng.
![]() |
Giấy xác nhận thụ lý vụ việc theo thủ tục tái thẩm của Tòa án cấp cao TP HCM. |
Về mảnh đất, đã gần 17 năm trôi qua, kể từ ngày thi hành án, ông Huỳnh Văn Đông vẫn không công khai đến nhận tài sản mà lại âm thầm dùng Giấy chứng nhận QSDĐ để sang nhượng cho người khác, nhưng không ai dám mua khi biết được nội tình. Trên 50 năm qua bà Bâu vẫn là người quản lý, sử dụng đất, ông Thái luôn nuôi hy vọng đứa em của mình (ông Đông) đến lúc phải tỉnh ngộ mà hoàn lương.
Ông Thái thở dài ngao ngán cho sự tráo trở của em mình. Ông tâm sự “Nếu được đối diện diện với em mình, tôi vẫn một mực khuyên can em mình hãy trả đất lại cho chị Bâu vì khi mình chết có mang theo được gì đâu, chỉ để lại tiếng xấu ở đời. Tôi luôn mong em trai mình sớm nhận ra sai lầm mà quay đầu lại”.
Dư luận mong Tòa án Cấp cao tại TP HCM sẽ xem xét và xử lý vụ án một cách công tâm, xóa nỗi oan ức mất đất trong hơn 20 năm qua của gia đình bà Bâu, để gia đình bà có lại nhà ở, không phải lang thang, ly tán như mấy chục năm qua.
Nhóm Pv chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên./.