![]() |
Những nếp nhà cổ vùng cao lặng lẽ nhưng âm thầm chuẩn bị cho tết Rằm tháng 7 |
Nên Rằm tháng bảy còn có tên là tết Buồn (bữa trưa buồn) Tết này chỉ ăn và thắp hương cúng tổ tiên vào buổi trưa. Nhưng tựu chung lại tết nào ở quê tôi cũng đều hướng tới một giá trị nhân văn là tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, những người có công sinh thành, cho cuộc sống con cháu hôm nay và đời đời.
Điểm nhấn đầu tiên của tết rằm Tháng bảy quê tôi là làm bánh chuối. Từ những tháng trước đó, người ta đã chuẩn bị chuối cho tết. Ở quê tôi, loại chuối được dùng làm bánh là chuối có tên là chuối Vỏ Mỏng (dịch ra tiếng Việt là vậy). Những buồng chuối già sắp chín được cắt thành từng nải ủ kín bằng lá Ráy to dày. Khi chuối chín đều thì dỡ ra, bóc phơi nắng hoặc dàn trên gác bếp.
Để làm bánh ngon người chọn những quả chuối ở những nải giữa. Thường thì chỉ cần hai buồng, hơn chục nải là đủ chuối cho một cái Tết. Nếu như có hai buồng chuối được phơi cùng một dịp thì bánh càng ngon. Chuối được phơi khô qua nắng và gác bếp rất thơm và ngọt. Đó là thứ mà bọn trẻ chúng tôi hay lén lấy để ăn với cơm nguội khi đi tìm trâu trên núi vào những buổi chiều mùa thu.
Do vậy ngoài phần giành làm bánh có phần chuối dư để chống trẻ conăn vụng nhưng nhiều khi cũng không thành công. Gần đến ngày Tết người ta lên núi lấy lá chuối rừng. Chọn lấy loại lá to bản rộng, dùng dao rọc ngược lên phía cuối theo sống lá là được một tấm, không bị nát, rách. Từng tấm lá được cuộn cẩn thận từng bó nhỏ, rồi bó gộp thành bó to gánh về phơi nắng, thật nhẹ nhàng và cẩn thận.
![]() |
Người Tày làm bánh cúng Rằm tháng 7 |
Lá được phơi ở nơi sạch sẽ, nhiều nắng, thích hợp nhất là theo bờ ruộng bậc thang và những vườn trồng đậu xanh mới thu hoạch, cỏ may rậm rịt như những bàn tay nâng đỡ những tấm lá chuối. Lá phơi khoảng ba nắng là dẻo, được thu cất cẩn thận vào những chiếc Cuôi (dụng cụ vẫn dùng gánh lúa của quê tôi). Gạo nếp cái hoa vàng được xay thành bột mịn; Chuối khô rửa sạch, cho vào nồi đun nhuyễn; hai thứ trộn đều bằng tay cho mềm và dẻo đảm bảo vừa đủ chuối và đủ nước cho hỗn hợp này vào cối giã cho thật mịn.
Nhân bánh chuối tương đối phong phú: đậu xanh, vừng, lạc... có người gặp may lấy được quả Đài hái trên rừng làm nhân thì thật ngon hiếm có. Tất cả các loại nhân đều được nấu chín kỹ, giã nhỏ và xào qua ít mỡ và muối trước khi cho vào làm nhân bánh. Bỏ một khâu là bánh kém ngon. Do đó, những người được tặng bánh, mừng bánh chuối trong ngày Tết rằm tháng bảy thường để bánh riêng của từng con, cháu mà biết chất lượng thế nào... ngon thì được khen, ăn trước, dở thì ăn sau rồi nhắc nhở... Từ đó mà các bậc tiền bối biết phần nào cung cách làm ăn và trình độ làm bánh của con cháu. Do vậy, dù nghèo hay khá giả, dù bận đến mấy người quê tôi cũng làm cho được những chiếc bánh ưng ý nhất.
Người ta chia nhân và bánh đều nhau rồi mới cho nhân vào giữa. Bánh được đặt vào lá đã được lau sạch, hai nắm cuộn đủ dư một vòng gập đôi lấy lạt buộc chặt. Trước khi xếp vào chõ gỗ để đồ, người ta dùng dao cắt phần lá thừa, lúc đó trông chiếc bánh thật gọn gàng. Bọn trẻ chúng tôi hồi đó được đặc cách mỗi người hai đến ba cặp bánh loại ba cục gọi là bánh chuối ba chân. Đó là phần thưởng giành riêng ngoài ra vẫn dùng chung. Được động viên vậy tên nào cũng ngoan ngoãn, nhất là thật chăm chỉ và mẫn cán trong việc đi chăn trâu...
Bánh phải được làm xong từ ngày hôm trước tức là đúng ngày mười bốn âm. Tối ngày mười bốn bánh chuối được dâng lên ban thờ mời tổ tiên. Sau một tuần hương thì mọi người mới được thưởng thức. Đó là một nội dung không thể thiếu trong tết Rằm tháng Bảy quê tôi. Cũng ngay trong ngày mười bốn, vừa gói, đun bánh, các mẹ, các chị xúm lại với nhau hì hụi làm bún. Những mẻ bún làng quê ngày ấy mới ngon lành, tinh khiết làm sao...
Sáng ngày rằm cả nhà dậy sớm. Thường thì đàn ông mổ gà, vịt, bắt cá... Phụ nữ đồ xôi, hái rau, củ quả... Bọn trẻ được phân công đứa nhặt rau, từng loại một để dùng cho món tiết canh, bún vịt... Các món làm xong được bày vào những chiếc mâm đẹp nhất, chia làm hai mâm. Một dâng lên tổ tiên, một dâng lên ban thờ Thần công thổ địa. Bữa trưa, nhà nào ăn nhà đó. Bố mẹ khuyến khích chúng tôi ăn no, ăn những món mình thích...
Và bữa ăn no đủ ấy như cảnh báo rằng một thời gian nữa không biết còn có gì ăn không. Giờ nghĩ lại thương bố mẹ vô cùng... Đến tận bây giờ tôi vẫn thấy thoảng hương vị ngon thơm của bánh chuối và bún vịt tết rằm tháng bảy quê tôi. Ăn xong, bố mẹ phân công nhau đi tết ông bà ngoại hoặc người thân. Bánh chuối, chai rượu, con gà luộc... là thứ không thể thiếu.
Đó, tết rằm tháng bảy vùng quê miền núi của tôi thế đó, chỉn chu, nhẹ nhàng, thắm đượm tình yêu thương trước sau, trên dưới, đậm đà bản sắc từ thế hệ này sang thế hệ nối tiếp. Bây giờ việc làm bánh chuối, làm bún đã nhàn, nhanh hơn nhưng cái tinh thần nhắc nhớ về công ơn của tổ tiên và các bậc sinh thành tạo dựng nên cuộc sống hôm nay của dân quê tôi vẫn vẹn nguyên. Lại một tết rằm tháng bảy nữa đến... Tết Buồn, nay đã bớt buồn nhiều, chưa hết buồn, bởi đó đây vẫn còn có nhà túng đói, nhưng quê tôi đang đổi mới từng ngày.