Theo báo cáo 230/BC-UBND năm 2019 của UBND huyện Hưng Hà, Thái Bình trên địa bàn xã Thái Phương có 102 doanh nghiệp và cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ yếu là hàng dệt may. Trong đó, 24 doanh nghiệp hoạt động trong Cụm công nghiệp (CCN) xã Thái Phương (CCN được thành lập năm 2002 với diện tích 10 ha), số còn lại hoạt động tại làng nghề Phương La. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, hầu hết các cơ sở sản xuất, tẩy nhuộm ở đây đều không có hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường.
Nhà máy “đắp chiếu” sau khi hoàn thành vào tháng 11/2018
Theo báo cáo số 230/BC-UBND do ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà ký ngày 18/10/2019, nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đã được hoàn thành vào tháng 11/2018.
![]() |
Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đã được hoàn thành vào tháng 11/2018. |
Sau khi dự án hoàn thành, ngày 21/11/2018, UBND huyện Hưng Hà đã ban hành kế hoạch số 91/KH-UBND về việc vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La. Ngày 13/12/2018, UBND tỉnh Thái Bình cho phép thực hiện tháo gỡ niêm phong máy móc, thiết bị nấu, giặt, tẩy nhuộm đối với 3 doanh nghiệp (trước đó đã bị niêm phong) tại xã Thái Phương, gồm Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Nam Thành, Công ty TNHH Dệt nhuộm Minh Tâm và Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Phương Tiến để vận hành hệ thống xử lý nước thải.
Qua vận hành thử nghiệm kết quả phân tích mẫu nước thải nấu, giặt, tẩy, nhuộm của 3 công ty trên có một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt yêu cầu và cao hơn nhiều so với những tiêu chuẩn đầu vào của dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Ngày 24/4/2019, UBND huyện Hưng Hà đã chỉ đạo và giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hưng Hà kiểm tra và đã có Văn bản số 49/CV-BQLDA yêu cầu 3 công ty phải tạm dừng hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm từ ngày 25/4/2019.
Tiếp đó, ngày 7/5/2019, UBND huyện Hưng Hà lại có văn bản số 322/UBND-BQLDA yêu cầu 3 công ty trên khẩn trương hoàn thiện và vận hành hạng mục tiền xử lý để đưa chất lượng nước thải phát sinh từ nguồn thải về ngưỡng thiết kế đầu vào của dự án, để vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, xã Thái Phương. Trường hợp các công ty không thực hiện sẽ phải tiếp tục tạm dừng hoạt động.
Đến ngày 18/10/2019, các Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Nam Thành, Công ty TNHH Dệt nhuộm Minh Tâm và Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Phương Tiến đã hoàn thành xây dựng các hạng mục tiền xử lý tại doanh nghiệp theo yêu cầu thiết kế đầu vào của dự án, báo cáo số 230/BC-UBND của UBND huyện Hưng Hà cho biết.
![]() |
Ông Đinh Đức Cải, Giám đốc Công ty TNHH Dệt May Xuất khẩu Nam Thành, giới thiệu với phóng viên về khu xử lý nước thải đầu tư gần chục tỷ đồng của công ty. |
Tuy nhiên, kể từ thời điểm dự án hoàn thành (tháng 11/2018) đến nay, nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa đưa vào hoạt động. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở tẩy nhuộm ở làng nghề Phương La vẫn xả nước thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân trong khu vực.
Ngang nhiên xây nhà máy khi chưa có đánh giá tác động môi trường (ĐTM)?
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 giải thích đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.
Theo Khoản 2 Điều 19 Luật bảo vệ môi trường quy định việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La được hoàn thành vào tháng 11/2018 (theo báo cáo số 230/BC-UBND do ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà ký ngày 18/10/2019). Nhưng tới ngày 31/12/2021 báo cáo đánh giá tác động môi trường mới được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt.
Phải chăng do sự cấp thiết của tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu làng nghề Phương La (nay là cụm công nghiệp Thái Phương) nên lãnh đạo UBND huyện Hưng Hà đã không cần tỉnh phê duyệt ĐTM vẫn cho triển khai dự án?
Trường hợp nếu vì tính cấp thiết của dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung tại làng nghề Phương La, chính quyền huyện Hưng Hà đã bỏ qua bước đánh giá tác động môi trường của dự án, xét về tình có thể hiểu được. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm hoàn thành, nhà máy vẫn bị “đắp chiếu” trong sự mong chờ của người dân và doanh nghiệp.
Việc nhà máy được hoàn thành, “đắp chiếu” nhiều năm qua có gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước hay không? Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước sự lãng phí, thất thoát trên? Liệu rằng tại tỉnh Thái Bình còn bao nhiêu nhà máy xây dựng khi chưa có đánh giá tác động môi trường như nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La? Câu hỏi này xin gửi tới lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình.
Trước đó để nắm rõ thông tin không hoạt động của nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, báo Tri thức và Cuộc sống đã liên hệ làm việc với UBND huyện Hưng Hà nhưng hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt dự án đầu tư tại quyết định số 2032 ngày 18/9/2013 nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu làng nghề Phương La (nay là cụm công nghiệp Thái Phương), kiểm soát và hạn chế tốc độ gia tăng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Do tính cấp bách của dự án, chủ dự án đã nhanh chóng thực hiện các bước đầu tư và thi công trạm xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La với công suất 800 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do các yếu tố khách quan đến nay dự án vẫn chưa thể đi vào vận hành thử nghiệm để nghiệm thu. Vì vậy, thực hiện chủ trương của tỉnh và theo thông báo số 52/2019 của Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình về tình hình xả thải của các doanh nghiệp trong làng nghề Phương La, UBND huyện đã tiếp tục thực hiện dự án “Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà” với quyết tâm thu gom triệt để nước thải dệt nhuộm trong cụm công nghiệp làng nghề, đưa hệ thống xử lý đi vào vận hành ổn định, đảm bảo giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề hiện nay. Dự án đầu tư xây dựng công trình “Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà” thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Mục số 41, phụ lục II, Mục I của Phụ lục kèm theo Nghị định 40/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. |