Làng nghề Phương La (Thái Bình): 10 năm qua, người dân sống trong 'lo sợ' |
Theo báo cáo số 230 về tình hình xả thải của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và việc đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp và làng nghề Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà do ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà ký ngày 18/10/2019, nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đã được hoàn thành tháng 11/2018.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm hoàn thành, nhà máy vẫn đắp chiếu nằm im, trước sự mong mỏi, ngóng chờ của người dân, doanh nghiệp.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Một số hình ảnh bên trong hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La với tổng mức đầu tư 76 tỉ đồng, công suất 800 m3/ngày đêm, đắp chiếu hơn 3 năm. |
Ông Đinh Đức Cải, Giám đốc Công ty TNHH Dệt May Xuất khẩu Nam Thành cho biết: “Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp có trách nhiệm với người dân, doanh nghiệp, cố gắng tạo mọi điều kiện để nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đi vào hoạt động càng sớm càng tốt. Đây là cách thiết thực nhất để cứu dân, cứu doanh nghiệp.”
![]() |
Thiết bị, máy móc của các doanh nghiệp tại làng nghề Phương La không được hoạt động. |
Cũng theo ông Cải: “Năm 2021, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Đông Hải về đối thoại với người dân, doanh nghiệp tại làng nghề Phương La và hứa sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm của địa phương. Tuy nhiên, đến nay đã tròn một năm nhưng nhà máy này vẫn cửa đóng then cài. Chúng tôi là người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, không hiểu tại sao nhà máy được đầu tư đến gần 80 tỷ đồng sau hơn 3 năm hoàn thành xây dựng mà vẫn chưa đi vào hoạt động, trong khi doanh nghiệp thì không được sản xuất.”
Đồng tình với ông Cải, ông Trần Sỹ Nhã, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Phương Tiến chia sẻ: “Doanh nghiệp mong muốn được đấu nối nước thải từ công ty ra nhà máy xử lý, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Có như vậy công ty mới được vận hành trở lại. Trường hợp không được đấu nối, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Không những vậy, doanh nghiệp còn có nguy cơ bị phá sản”.
Tại địa bàn xã Thái Phương có 102 doanh nghiệp và cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ yếu là hàng dệt may. Trong đó có 24 doanh nghiệp hoạt động trong Cụm công nghiệp (CCN) xã Thái Phương (CCN được thành lập năm 2002 với diện tích 10 ha), số còn lại hoạt động tại Làng nghề Phương La.
Nhằm đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp, tháng 9/2013, UBND tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định số 2032 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà với tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng, công suất 800 m3/ngày đêm do UBND huyện làm chủ đầu tư. Nguồn vốn để thực hiện dự án là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường giai đoạn 2012-2015 và vốn đối ứng của địa phương.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm hoàn thành đến nay đã hơn 3 năm, nhưng nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa được đưa vào hoạt động, nên các doanh nghiệp, cơ sở tẩy nhuộm ở làng nghề Phương La vẫn xả nước thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân trong khu vực.
Trước đó, như phóng viên Tầm Nhìn, báo Tri thức và Cuộc sống đã đưa tin hơn 10 năm qua người dân sống tại 4 thôn Phương La (Phương La 1,2,3,4) xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình, phải sống trong môi trường ô nhiễm bao gồm ô nhiễm nguồn nước mặt, ô nhiễm nguồn nước ngầm và cả ô nhiễm không khí. Theo người dân, nguyên nhân là từ việc xả nước thải có hóa chất ra môi trường mà không qua xử lý từ doanh nghiệp tẩy nhuộm đóng trên địa bàn và 2 lò tẩy nhuộm tư nhân khác cũng trong thôn Phương La 1.
![]() |
Dòng kênh đen kịt, bốc mùi ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình. |
Những ngày thời tiết nắng nóng, mùi hôi thối, hoá chất bốc lên càng nồng nặc hơn. Để tránh bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, người dân trong làng đã đắp đập chặn 2 đầu đoạn sông Tân Việt. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến phần nước ô nhiễm không thoát đi được, tràn vào đồng ruộng và ao gần đó khiến ruộng bỏ hoang, cá, vịt chết hàng loạt...
Chị Đinh Thị Mến (thôn Phương La 3, Thái Phương) cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi không được đảm bảo. Mùi thối bốc lên rất khó chịu. Nước tại các ao, hồ… đều không được sạch sẽ. Sức khỏe của mọi người đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em. Số người bị mắc các bệnh ung thư trong làng ngày càng nhiều”.
Cũng theo người dân tình trạng ô nhiễm năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã nhưng câu trả lời lời nhận được là chính quyền xã không đủ thẩm quyền xử lý, giải quyết. Trong khi đó, các đoàn kiểm tra cấp tỉnh cũng nhiều lần về làm việc với địa phương, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tại thôn Phương La vẫn không được cải thiện.
"Tình trạng ô nhiễm tại làng nghề rất nghiêm trọng. 2-3 năm trước, người dân còn sử dụng được nước mưa thay nước giếng khoan, vì nước giếng khoan nổi vẩn vàng đục. Thời gian gần đây, nước mưa cũng có hiện tượng nổi váng màu vàng. Lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân chúng tôi đã sử dụng nguồn nước sạch từ nhà máy trong chương trình nông thôn mới tại địa phương để thay thế nước mưa và nước giếng khoan”, ông Nguyễn Xuân Triều, thôn Phương La 1 cho biết.
![]() |
Nước thải từ các cơ sở dệt, nhuộm của làng nghề Phương La xả thẳng ra môi trường. Ảnh người dân cung cấp |
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Bí thư Chi bộ thôn Phương La 3, hơn 10 năm qua, các cơ sở sản xuất, tẩy nhuộm hoạt động trong cụm công nghiệp và làng nghề Phương La vẫn vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường. Các cơ sở này nhiều lần bị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế, yêu cầu chuyển địa bàn hoạt động, do xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép ra môi trường. Song chỉ được một thời gian, các doanh nghiệp lại phá niêm phong, hoạt động trở lại, tiếp tục xả chất thải độc hại ra môi trường, khiến dòng sông ngày càng đen đặc, mùi càng khó chịu.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thái Bình, mỗi năm nghề dệt ở Phương La sử dụng gần 10 tấn ôxy già, gần 100 tấn nhớt thủy tinh, hàng chục tấn xà phòng. Để có được sản phẩm hoàn chỉnh tiêu thụ trên thị trường, sản phẩm phải trải qua hai lần nấu tẩy (tẩy sợi và tẩy tấm). Tất cả các công đoạn này đều làm thủ công nên rất độc hại và gây ô nhiễm môi trường.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.